Người coi Lán Nứa
BHG - Cái quán nhỏ bày dưới gốc cây si cách đường vào khu di tích Chiến Khu chừng ngót cây số. Chủ quán tóc đã phai sương đang niềm nở rót nước mời khách, nhìn những cốc nước vối sánh tràn làm dịu thêm bầu không khí dưới tán si đầu mùa hạ. Tôi lẳng lặng dắt đứa cháu vào ngồi né một góc ghế. Chị niềm nở.
- Hai ông cháu ngồi sang cái ghế này đi, nói rồi chị kéo cái ghế đối diện ủ nước vối giọng vẫn niềm nở: Hai ông cháu uống gì nào?
- Dạ, chị cho hai cốc nước vối ạ.
- Có ngay đây, vừa nói chị vừa mở ủ rót nước vào cốc, khi hai cốc nước đầy sánh tự nhiên chị kêu lên như reo.
- Ôi, cậu Phu à!...
- Dạ! Chị Ngần... Tại mái đầu chị trắng như sương, em chưa kịp nhận ra.
- Thì già một lũ với nhau còn gì, tóc cậu cũng phai trắng rồi. Thế thằng bé là nội hay ngoại?
- Dạ “đít tôn” đó chị ạ...
- Mừng, mừng cho cậu. Thế hai ông cháu đi du lịch à?
- Cháu nó cứ nhằng nhặng đòi đi thăm lán Bác...
- Ừ, thằng bé vậy là khá mà nó không đòi mình cũng phải dẫn chúng đến chứ. Chị thở dài giọng như nhắc nhở.
- Vâng, tôi đang định lựa ý gợi lại một thời 2 chị em cùng làm Bảo tàng với nhau, thì thằng cháu tôi thỏ thẻ:
- Bà ơi, bà cũng biết lán Bác Hồ à? Còn xa không bà? Trong lán của Bác có ti vi, điều hòa nhiệt độ không?... Cả chị và tôi cùng ngẩn người, cùng tròn mắt nhìn thằng bé. Bỗng chị cười ha hả và xòa tay xoa lên đầu thằng bé, giọng âu yếm:
- Ôi! Cháu của bà. Cái lán nứa Cụ Hồ ở chỉ bằng tre nứa thôi cháu ạ nhưng lúc nào cũng mát mẻ, còn mát hơn là điều hòa nhiệt độ kia. Suốt đời bà coi cái lán ấy, sáng nào, chiều nào bà cũng quét dọn sạch sẽ rồi thắp nhang lên án thờ Bác. Cứ mỗi lần nhang khói cháy lên, bà lại thấy Bác Hồ hiện về, Bác đẹp như ông tiên ấy. Bác thường mặc bộ quần áo chàm, chân đi dép lốp. Chiều chiều Bác thường xách hai cái bắng bằng cây vầu xuống suối lấy nước tưới rau, đêm Bác thức một mình bên cái máy tính viết ra con đường đi của cả nước đến tự do độc lập, đến ngày hôm nay để các cháu được đi học, được ngủ mát trong phòng điều hòa... Bà còn thấy sắp đến ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945 Bác Hồ ốm, Bác nằm trong lán, mặt hốc hác, chân tay gầy guộc nhưng bác vẫn nghĩ về đất nước. Bác gọi ông Võ Nguyên Giáp đến và căn dặn : “Thời cơ đã đến rồi, dù phải đốt cháy Giải Trường Sơn cũng quyết giành độc lập cho dân tộc...”. Câu nói của Bác bây giờ ai ai cũng nhớ. Nó thiêng liêng lắm.
- Vâng, đúng rồi, cháu cũng thuộc câu nói này, mà bà ơi, thế sau đấy Bác khỏi ốm, ai chữa bệnh cho Bác, bà có biết không? Nghe thằng bé hỏi, chị ngẩn người nhưng cũng rất nhanh, chị lại nở nụ cười giọng âu yếm hơn.
- Cháu của bà ơi! Bà cũng không nhớ tên người thầy lang ấy nữa, nhưng giữa lúc bệnh Bác Hồ nặng, người thầy lang ấy đã lặn lội vào tận rừng sâu, núi cao lấy được cây thuốc quý về sắc cho Bác Hồ uống, uống xong thang thuốc mấy ngày là Bác Hồ khỏi, người thầy lang ấy lại lặng lẽ lên rừng lên núi kiếm thuốc cứu người, lâu ngày cũng không ai nhớ tên nữa, chỉ còn câu chuyện thật như vậy thôi. Lớn lên, đi học nhiều cái chữ cháu sẽ tỏ hơn...
- Vâng, cháu cám ơn bà. Thằng bé cười tít mắt. Bà âu yếm nhìn nó giọng dịu dàng.
- Thôi, hai ông cháu uống nước rồi vào thăm lán Bác Hồ đi.
- Vâng, cám ơn chị. Hai ông cháu lại lên đường. Qua cái cầu bây giờ đã được xây lại bằng sắt là đến lối về lán. Vẫn lối mòn xưa sạch sẽ. Đến lán nghe chị thuyết minh giới thiệu về ngôi lán, thằng bé như nín lặng nuốt từng nhời, nghe xong nó đi vòng quanh ngôi lán nhỏ rồi theo chị hướng dẫn viên thắp nhang lên án thờ Bác. Thắp nhang xong, nó lại cứ vuốt ve hai cái bắng nước để cạnh lối cửa lán rồi thỏ thẻ: “Hai cái bắng Bác Hồ dùng xách nước đẹp nhề, lán của Bác ở chả có điều hòa mà mát thật. Bà bán nước vối nói chả sai. Chỗ Bác nghỉ đơn sơ mà ngăn nắp quá. Thế Bác Hồ mới đúng là Chủ tịch nước chứ ông nhỉ...”. Tôi chỉ biết gật đầu và lại thấy hiện sáng trong ký ức về người con gái tên là Ngần, sinh ra và lớn lên ở xứ Nghệ: Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của cô con gái mở đường ở Trường Sơn, chị chuyển ngành đi học Bảo tàng và được phân công về chiến khu ATK làm nhiệm vụ trông coi lán Bác. Bấy giờ chiến khu còn nguyên sơ rừng núi, con đường lên lán Bác rậm đầy tre nứa. Chị đến chỉ thấy bốn bề rừng núi, mới đầu chị cũng băn khoăn nhưng cứ mỗi lần nhìn căn lán giữa bốn bề rừng rậm chị lại hình dung ra vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc từng ở đây, từng chịu đựng bao nhiêu gian khổ để lãnh đạo dân mình giành độc lập. Vị lãnh tụ ấy là Bác Hồ. Bác Hồ làm Chủ tịch nước còn ở được mà lại ở trong những ngày đất nước còn trong trứng nước, vậy hà cớ gì mình không ở được. Nghĩ vậy, chị bỗng thấy căn lán thiêng liêng và chị tự nguyện ở đây, chị đã gắn bó cả tuổi trẻ của mình cho công việc. Hàng ngày bên cạnh việc quyét dọn căn lán, chị còn ý thức làm sao giữ cho căn lán được nguyên bản. Chị luôn chịu khó học hỏi người già, tìm hiểu những câu chuyện về Bác Hồ với dân bản Tân Trào, chị tự sắp xếp thành bài, thành từng câu chuyện thật ngắn gọn, xúc tích để kể cho du khách nghe. Với cái giọng xứ Nghệ êm dịu lại từ nội dung những câu chuyện giản dị về Bác được chị tích tụ thành máu thịt trong lòng nên mỗi khi nghe chị kể ai cũng xúc động. Du khách đến đây khi ra về càng thấy hình tượng Bác Hồ giản dị và gần gũi hơn. Gắn bó cả cuộc đời với công việc, với căn lán nứa chị thuộc từng đường liếp, mối lạt, từng tàu lá lợp trên mái lán. Chị tận tụy với công việc, có dịp lãnh đạo cấp trên cho chị đi học thêm lớp Trung cấp Bảo tàng, khi ra trường cấp trên gợi ý cho chị về công tác tại tỉnh lỵ, nhưng chị vẫn một mực xin về Tân Trào. Chị nói ra miệng: Chị không thể sống xa được căn lán của Bác Hồ. Chị nói và làm vậy thật. Chị đã gắn bó với căn lán và trở thành người Tân Trào, giờ chị đã nghỉ hưu, ngày ngày ngồi bán nước nhưng tấm lòng vẫn một mực yêu kính Bác Hồ. Câu chuyện quanh cái quán nước của chị vẫn là câu chuyện về Bác Hồ, tôi đang vẩn vơ những ý nghĩ về chị, về những việc chị đã làm ở đây thì thằng cháu lại thỏ thẻ hỏi:
- Ông ơi! Bà bán nước vối mà biết nhiều chuyện về căn lán nhề, vào đến đây cháu càng thấy câu chuyện bà ấy kể lúc Bác Hồ bị ốm, có người thầy lang lấy thuốc cho hiện ra, nhìn tấm liếp Bác nằm, nhìn cái lán bưng toàn bằng nan nứa nước mắt cháu cứ ứa ra. Cháu càng thấu đáo nội dung câu chuyện và những nhời bà bán nước vối bảo: “Bác Hồ của mình vĩ đại mà lại rất giản dị, rất gần gũi mọi người...”. Cứ nhìn căn lán của Bác Hồ là cháu càng tỏ điều ấy hơn. Vậy mỗi năm ông phải cho cháu đến đây một lần để thắp nhang trước Lán Nứa và nghe bà bán nước vối kể chuyện về Bác Hồ nhé?
Tôi lặng nhìn thằng cháu chỉ biết gật đầu. Và càng thấy công việc chị Ngần làm bấy nay dù lặng lẽ nhưng có sự nối dài về truyền thống cho các lớp con cháu của chúng ta.
Truyện ngắn: Trịnh Thanh Phong
Ý kiến bạn đọc