Làm du lịch bền vững gắn xóa đói, giảm nghèo
BHG - Là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển du lịch (PTDL), đặc biệt là loại hình du lịch (DL) cộng đồng, khám phá, trải nghiệm. Những năm qua, cùng với sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự vào cuộc của người dân; du lịch tỉnh ta đã có bước phát triển vượt bậc, đóng góp đáng kể vào sự phát triển KT – XH của tỉnh, tạo ra nhiều sinh kế giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo.
Khách du lịch thích với mô hình Homestay ở thôn Tha, xã Phương Độ (thành phố Hà Giang). |
Chủ trương PTDL thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách khuyến khích, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng dịch vụ, quảng bá hình ảnh,... còn đặc biệt chú trọng việc tạo ra sinh kế cho người dân từ DL. Trong quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Công viên Địa chất Toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn tỉnh Hà Giang giai đoạn 2012-2020, tầm nhìn 2030 cũng đã nêu rõ vấn đề về công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản phải đồng hành với việc tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng trên cơ sở PTDL. Thực tế, mấy năm gần đây, khi Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành Công viên Địa chất toàn cầu, khách DL đến với tỉnh ta ngày càng đông, đã giúp tỉnh thu về nguồn doanh thu lớn từ DL. Trong 6 tháng đầu năm, khách DL đến tỉnh ta ước đạt 468.950 lượt; trong đó, khách quốc tế là 85.153 lượt. Tổng thu từ DL đạt 417,8 tỷ đồng. Toàn tỉnh hiện có 216 cơ sở lưu trú, công suất sử dụng phòng bình quân đạt 60 – 70%. Hệ thống cửa hàng bán hàng lưu niệm, nhà hàng ăn uống phục vụ khách DL được chú trọng đầu tư về chất lượng; đặc biệt thực hiện Nghị quyết 35/NQ-HĐND về một số chính sách khuyến khích PTDL trên địa bàn tỉnh, đến nay có 3 tổ chức, cá nhân được thụ hưởng chính sách theo Nghị quyết, đầu tư PTDL hiệu quả. Hiện nay, tỉnh ta đang đẩy mạnh xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng và làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với xây dựng Nông thôn mới theo tiêu chí Panhou, theo đó, chất lượng cuộc sống của người dân sẽ được nâng lên, nhiều người dân trực tiếp tham gia vào các hoạt động DL. Anh Nguyễn Văn Thiện, thôn Tha, xã Phương Độ (T.P Hà Giang) cho biết: “Việc tham gia làm DL theo mô hình homestay đã giúp gia đình tôi có thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng/năm. Ngoài việc đón khách lưu trú, giới thiệu các món ăn ẩm thực của đồng bào dân tộc Tày, chúng tôi còn được tham gia các lớp tập huấn, đào tạo về nấu ăn, kỹ năng giao tiếp, hướng dẫn viên DL”.
Vào mùa lễ hội như: Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Lễ hội Chợ tình Khâu Vai,... các nhà nghỉ, khách sạn và các làng văn hóa DL cộng đồng (đặc biệt là tại 2 huyện Đồng Văn và Mèo Vạc), các nhà hàng dịch vụ ăn uống đều thực hiện hết 100% công năng sử dụng, mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân làm dịch vụ kinh doanh trên trên Cao nguyên đá. Những người trồng Tam giác mạch được hỗ trợ về giống, phân bón và bán hạt TGM cho cơ sở sản xuất rượu và bánh kẹo TGM. Tại các chợ phiên và các gian hàng trưng bày tại các điểm DL với lượng du khách tham quan đông cũng giúp người dân bán được nhiều sản phẩm hàng hóa nông, lâm sản bản địa và sản phẩm của các làng nghề truyền thống như: Thịt bò, mật ong Bạc hà, rau sạch, dược liệu, rượu ngô, khèn Mông, vải và sản phẩm may mặc truyền thống từ lanh... góp phần khuyến khích thương mại phát triển, giúp người dân tăng thu nhập. Chị Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm HTX dệt lanh Lùng Tám (Quản Bạ) chia sẻ: “Cùng với sự PTDL của tỉnh nhà, HTX dệt lanh Lùng Tám ngày càng có thêm nhiều đơn đặt hàng cho du khách cả trong và ngoài nước, tạo việc làm thường xuyên, ổn định cho nhiều phụ nữ địa phương với thu nhập trung bình từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng”.
Bên cạnh đó, việc PTDL còn thúc đẩy các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, hợp tác PTDL, chương trình tài trợ, hỗ trợ phát triển làng nghề; nhiều người được tham gia các lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ thuyết minh viên DL, thống kê DL, quản lý nhà hàng, khách sạn, lớp DL cộng đồng, nấu ăn, hướng dẫn viên DL... tạo thêm nhiều việc làm cho lao động địa phương.
Có thể khẳng định, việc tạo ra nhiều sinh kế giúp người dân xóa đói, giảm nghèo chính là “chìa khóa” giúp PTDL bền vững, đặc biệt ở một tỉnh có tiềm năng PTDL cộng đồng như Hà Giang. Hy vọng các cấp, các ngành chức năng có thêm nhiều cơ chế, chính sách phù hợp để khuyến khích người dân cùng tích cực tham gia vào hoạt động DL, để DL trở thành một nghề trong cẩm nang cuộc sống của họ.
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc