Đóng góp tích cực của Hội Nghệ nhân dân gian xã Bằng Lang

09:13, 16/09/2017

BHG - Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống (VHTT) đặc trưng và tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, những năm gần đây, xã Bằng Lang (Quang Bình) đã đẩy mạnh hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian (NNDG). Từ khi ra đời đến nay, Hội đã thực sự trở thành “cầu nối” trong việc bảo tồn, phát huy và lưu truyền các nét đẹp văn hóa dân tộc tại địa phương.

Trên địa bàn xã Bằng Lang hiện có 10 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Tày chiếm đa số. Nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đặc trưng, tăng cường đoàn kết giữa các dân tộc, xã đã thành lập và phát triển hoạt động của Hội NNDG địa phương. Ra đời năm 2012, ban đầu Hội NNDG xã mới có gần 20 nghệ nhân tham gia, chủ yếu là những già làng, trưởng bản, người có uy tín, các hạt nhân văn hóa, văn nghệ trong thôn, bản tâm huyết và muốn truyền dạy VHTT cho thế hệ sau. Đến nay, Hội NNDG xã đã có 31 hội viên, hoạt động theo 3 nhóm chính: Nhóm tín ngưỡng dân gian (cúng lễ, xem ngày tốt xấu...); nhóm văn nghệ dân gian, lưu giữ bản sắc văn hóa thông qua các làn điệu hát, múa, văn nghệ dân gian và nhóm truyền dạy nghề truyền thống (đan lát, thêu, dệt thổ cẩm). Hội duy trì họp định kỳ theo quý (3 tháng/lần) để đánh giá kết quả hoạt động và thảo luận phương hướng phát triển.

 NNDG Hoàng Tiến Sung (bên phải) sưu tầm, nghiên cứu các làn điệu hát Then, hát Cọi của đồng bào dân tộc Tày để lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ sau.
NNDG Hoàng Tiến Sung (bên phải) sưu tầm, nghiên cứu các làn điệu hát Then, hát Cọi của đồng bào dân tộc Tày để lưu giữ và truyền dạy cho thế hệ sau.

Từ khi ra đời cho đến nay, Hội NNDG xã đã tích cực tuyên truyền, vận động người thân, bà con trong thôn bản chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực xây dựng Nông thôn mới, bài trừ các hủ tục, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, tang gia; thực hiện tốt hương ước, quy ước của thôn bản; tăng cường truyền dạy, “ươm” thêm những “mầm” văn nghệ trẻ đi biểu diễn tại các lễ hội truyền thống hàng năm như: Lễ hội Lồng Tông, các hội thi do xã, huyện tổ chức. Phó Bí thư Đảng ủy xã Bằng Lang, Nguyễn Văn Sơn cho biết: “Những năm qua, các NNDG trong xã đã nỗ lực giữ gìn và phát huy giá trị VHTT của địa phương. Đồng thời, nhiều NNDG là người có uy tín trong thôn, bản đã tích cực vận động nhân dân hiến hàng trăm mét đất làm đường, các công trình xã hội, xây dựng Nông thôn mới, góp sức vào sự phát triển chung của xã nhà. Hiện nay, Hội đang phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương vận động thêm những người am hiểu văn hóa dân gian, các nghề truyền thống tham gia vào Hội, để mở rộng quy mô và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động”.

Trao đổi với phóng viên, NNDG Hoàng Tiến Sung ở thôn Trung Thành, xã Bằng Lang, chia sẻ: “Nhiều năm nay, tôi là thành viên Tổ tư vấn bảo tồn giá trị văn hóa dân tộc thiểu số tỉnh Hà Giang (thuộc Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), dành tâm huyết đi nghiên cứu, sưu tầm các làn điệu hát then, hát cọi, đàn tính ở các vùng đồng bào Tày thuộc các tỉnh như Cao Bằng, Bắc Kạn. Năm 2014, tôi cùng với nhiều NNDG địa phương đã tham gia giảng dạy lớp hát then, đàn tính do tỉnh tổ chức tại xã Xuân Giang với hơn 50 học viên. Hiện nay, tôi vẫn đang tham gia truyền dạy lớp VHTT cho các em học sinh tại Trường Dân tộc Nội trú huyện Quang Bình vào thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần”.

Với NNDG Hoàng Thị Lợi, ở thôn Trung, người đã gắn bó với  nghề dệt truyền thống hơn 50 năm nay, bà luôn tâm nguyện truyền nghề cho thế hệ trẻ. Bà cho biết: Mỗi năm, bà dệt, thêu và bán được từ 20 – 30 bộ váy áo truyền thống và nhiều sản phẩm như địu, chăn, túi xách thổ cẩm... cho khách du lịch trong và ngoài tỉnh. Nhiều bạn trẻ trong thôn, bản cũng quan tâm, thường xuyên ghé thăm tiệm may của bà để học hỏi kỹ thuật dệt thổ cẩm, cắt may trang phục truyền thống. Hiện nay, bà vẫn đang truyền dạy nghề cho nhiều chị em trong thôn, trong xã.

Với niềm đam mê, sự nhiệt tình, tâm huyết dành cho VHTT, những nghệ nhân trong Hội NNDG xã Bằng Lang đã tích cực bảo tồn và phát huy vốn tinh hoa văn hóa các dân tộc, đồng thời đánh thức, khơi dậy tình yêu, niềm tự hào, đam mê của lớp trẻ với bản sắc văn hóa dân tộc tại địa phương. Thiết nghĩ, để gìn giữ, bảo tồn và phát triển giá trị VHTT, cần sự quan tâm hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương để động viên, cổ vũ tinh thần các NNDG, tạo điều kiện tốt nhất để các nghệ nhân được phát huy tài năng, “truyền lửa” đam mê cho thế hệ sau, để VHTT các dân tộc luôn còn mãi.

Bài, ảnh: YẾN VŨ


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chung tay vì niềm tự hào Công viên đá!

BHG - Qua hơn 7 năm, từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ được công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC), Công viên đá đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. 

16/09/2017
Hoàng Su Phì sẵn sàng cho tuần văn hóa du lịch năm 2017

BHG- Những ngày này, các địa phương trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì đang gấp rút hoàn thành các công việc chuẩn bị cho "Đại hội thể dục thể thao các dân tộc toàn huyện lần thứ VI" và "Tuần văn hóa du lịch năm 2017".

14/09/2017
Góp phần thúc đẩy quy hoạch và phát triển các đô thị

BHG - Là tỉnh miền núi, biên giới với 11 huyện, thành phố. Thành phố Hà Giang là tỉnh lỵ được T.Ư công nhận là đô thị loại III, trực thuộc tỉnh năm 2010. Các đô thị còn lại đang trong quá trình phát triển cơ sở hạ tầng với nhiều khó khăn. Với vai trò là cơ quan tuyên truyền, những năm qua Báo Hà Giang đã tích cực và chủ động phát huy vai trò của mình tuyên truyền, góp phần thúc đẩy quy hoạch, phát triển đô thị của tỉnh. 

13/09/2017
Đẩy mạnh bảo vệ di sản văn hóa trong hội nhập ASEAN

BHG - Hợp tác về văn hóa, xã hội trong ASEAN là lĩnh vực rộng, đan xen. Việt Nam là quốc gia có di sản được UNESCO công nhận là di sản thế giới, di sản tư liệu thế giới, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, khu dự trữ sinh quyển thế giới... nhiều nhất trong ASEAN. 

13/09/2017