Chung tay vì niềm tự hào Công viên đá!
BHG - Qua hơn 7 năm, từ khi Cao nguyên đá Đồng Văn hùng vĩ được công nhận là thành viên Mạng lưới Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC), Công viên đá đã và đang chuyển mình mạnh mẽ. Người Hà Giang tự hào về Cao nguyên đá, đồng thời cùng với các cấp, các ngành đang nỗ lực chung tay cho mục tiêu xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản này.
Thời gian qua, mỗi lần đến với Công viên đá, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi nhận thấy rõ sự thay đổi tích cực trên miền đất khó khăn này. Đó là sự gia tăng các cơ sở vật chất phục vụ cho công tác bảo vệ, phát huy các giá trị di sản nơi đây, gắn với một trong những chương trình trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra là “Chương trình phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững”. Công viên đá từng ngày đổi mới để giữ gìn được truyền thống, bảo tồn những giá trị di sản vật thể và phi vật thể độc đáo.
Cao nguyên đá Đồng Văn (Ảnh: Internet) |
Đồng chí Nguyễn Thanh Giang, Phó trưởng Ban quản lí CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn và Thông tin xúc tiến du lịch, cho biết: Thực hiện công tác xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị của CVĐCTC, tỉnh đã rất quan tâm, xây dựng kế hoạch, chỉ đạo việc xây dựng, củng cố Ban chỉ đạo xây dựng và phát triển CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh. Đồng thời, xác định nhiệm vụ cụ thể của từng thành viên Ban chỉ đạo. Qua đó, các thành viên Ban chỉ đạo là một số cơ quan cấp tỉnh, 4 huyện vùng Cao nguyên đá đã rất tích cực thực hiện các nhiệm vụ được giao; chủ động tham mưu, xây dựng các nội dung, kế hoạch hoạt động nhằm tham gia vào công tác xây dựng, bảo tồn và phát huy các giá trị của Công viên đá.
Với nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương, đã tạo ra những kết quả đáng ghi nhận trong công tác xây dựng, bảo tồn Công viên. Có thể khẳng định rằng, cùng với những nỗ lực của Ban quản lí CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, ngành Văn hóa thể thao và du lịch là một trong những đơn vị để lại nhiều dấu ấn cho mục tiêu phát triển Công viên. Nhiều điểm nhấn đã được tham mưu, đầu tư, kêu gọi nguồn lực đầu tư cho Công viên nhằm thu hút du lịch, tạo sinh kế cho người dân. Những nỗ lực bảo tồn các giá trị văn hóa của Miền Đá cũng rất đáng ghi nhận với việc phát huy các lễ hội, gìn giữ nhiều giá trị văn hóa, truyền thống sản xuất của cộng đồng 17 dân tộc anh em trong vùng.
Từ nỗ lực chung tay xây dựng Công viên, những ngành như Nông nghiệp, Khoa học và công nghệ đã nỗ lực để thực hiện mục tiêu xây dựng Nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng và phát huy các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, phát triển dược liệu cũng như nghiên cứu các đề tài khoa học về phát triển du lịch, ứng dụng các giống cây con mới vào sản xuất; bảo tồn nguồn gien các cây thuốc quý trong vùng, các vật nuôi như bò Vàng, ong bản địa; nghiên cứu, khai thác nguồn nước sinh hoạt, nghiên cứu bảo vệ môi trường sinh thái... Năm 2016, rừng Du Già (Yên Minh) được công nhận là Vườn Quốc gia là một trong những dấu ấn cho việc bảo tồn các giá trị tự nhiên, đa dạng sinh học của Công viên đá. Cùng với đó, phong trào trồng cây cảnh quan trên Cao nguyên đá được các huyện đặc biệt quan tâm, đã có những kết quả rất cụ thể trên các tuyến đường thị trấn đến thôn xóm của Cao nguyên. Đặc biệt, sắc màu của hoa tam giác mạch bung nở khắp Cao nguyên những năm qua đã cho thấy sự khởi sắc, tươi mới rõ ràng của Công viên.
Thực hiện các tiêu chí, khuyến nghị của chuyên gia Mạng lưới CVĐCTC, với quyết tâm của tỉnh, của các ngành, đã nỗ lực để kiểm soát, chấn chỉnh tình trạng khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng trái phép trên địa bàn Công viên. Đồng thời, phục hồi hiện trạng những khu vực khai thác khoáng sản gắn với quy hoạch về xây dựng và phát triển Công viên. Những đề tài ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lí rác thải trên Công viên cũng rất đáng được quan tâm, tạo nên cảm quan và giá trị tích cực cho môi trường nơi đây.
Một trong những tiêu chí, khuyến nghị đối với CVĐCTC đó là phát triển cơ sở hạ tầng. Đặc biệt là hạ tầng giao thông đã được chú trọng, quan tâm và đầu tư khá lớn. Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Hoàng Văn Huệ, Trưởng Ban quản lí vốn sự nghiệp giao thông, Sở Giao thông, cho biết: Những năm qua, trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn, Sở Giao thông đã tích cực tham mưu cho tỉnh đầu tư, xin các nguồn vốn từ T.Ư để duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, trang bị hệ thống biển báo, cảnh báo giao thông, hộ lan đường nhiều tuyến đường Cao nguyên đá. Qua đó, từ nay đến năm 2018, chắc chắn 70% tuyến QL4C, là tuyến đường chính yếu trên Công viên sẽ có độ rộng từ 5 – 5,5m. Nhiều tuyến đường khác cũng đã và đang được duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu phát triển của vùng.
Một trong những điểm nhấn đáng ghi nhận đó là công tác giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng. Với vai trò chủ động của Ban quản lí CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn và Thông tin xúc tiến du lịch, đã tích cực khâu nối, phối hợp với các ngành như Giáo dục và đào tạo, Đoàn Thanh niên, các địa phương thúc đẩy việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng. Đồng Văn chính là địa phương có những cách làm năng động, sáng tạo trong việc giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng. Cùng với tuyên truyền trong nhân dân, huyện tích cực tổ chức cho học sinh thi dân ca, dân vũ, thi vẽ tranh về Cao nguyên đá, thi thuyết minh viên du lịch nhí; thi viết chữ đẹp về chủ đề Cao nguyên đa...Từ đó, xây dựng những niềm tin tương lai cho sự phát triển của CVĐCTC duy nhất ở Việt Nam và cho sinh kế bền vững của người dân Cao nguyên đá.
HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc