Tiềm năng phát triển du lịch ở Hồ Thầu
BHG - Xã Hồ Thầu là vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa của huyện Hoàng Su Phì, là xã có lợi thế về cảnh quan thiên nhiên đẹp với đỉnh núi Chiêu Lầu Thi, những cánh rừng nguyên sinh và nương chè Shan tuyết cổ thụ, những thửa ruộng bậc thang được xếp hạng di sản Quốc gia; cùng với đó là nét văn hóa truyền thống và các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể, mang bản sắc riêng, độc đáo... Đây chính là tiềm năng để phát triển các loại hình du lịch.
Khách du lịch thăm quan, chụp ảnh lưu niệm tại đỉnh Chiêu Lầu Thi. |
Nằm ở độ cao trên 1.000 m so với mực nước biển, Hồ Thầu được thiên nhiên ban cho khí hậu mát lành và phong cảnh đẹp làm say mê lòng người. Đỉnh Chiêu Lầu Thi còn được gọi là “Chín tầng thang” cao 2.402 m là một điểm đến đang thu hút được nhiều du khách bởi những vẻ đẹp hoang sơ hùng vĩ, dọc theo đường lên núi là những cánh rừng già nguyên sinh với một quần thể thực vật, động vật phong phú. Đến đây, du khách không những được khám phá, tìm hiểu thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa, thiên nhiên đa dạng mà còn được nghe, xem các làn điệu dân ca, dân vũ, thưởng thức các món ăn đặc sắc tại Làng Văn hóa du lịch thôn Tân Phong trong không gian thanh bình của một vùng quê giàu truyền thống.
Để thúc đẩy phát triển du lịch ở Hồ Thầu, thời gian qua, huyện Hoàng Su Phì đã đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch như: Cải tạo, nâng cấp các tuyến đường; hỗ trợ xây dựng các nhà du lịch cộng đồng; hoàn thiện cơ chế, chính sách; phát triển và đa dạng hóa sản phẩm du lịch; đồng thời, bảo tồn và phát huy các nét văn hóa truyền thống gắn liền với xây dựng Làng Văn hóa du lịch cộng đồng thôn Tân Phong để làm tiền đề cho du lịch văn hóa - lễ hội có bước đột phá. Ngoài ra, huyện còn kêu gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư xây dựng, phát triển các loại hình dịch vụ phục vụ cho du lịch như: Nhà hàng, khách sạn, xây dựng các tuyến đường đua xe đạp, mô tô mạo hiểm và thiết lập các tuyến đi bộ dã ngoại từ đỉnh núi Chiêu Lầu Thi đến các khu rừng nguyên sinh. Bên cạnh đó, địa phương luôn chú trọng phát triển các loại hình nghệ thuật mang đậm bản sắc quê hương, nâng cao chất lượng hoạt động và đa dạng hóa các sản phẩm của Làng Nghề thổ cẩm thôn Đoàn Kết để sản xuất các sản phẩm để giới thiệu và bán cho khách du lịch.
Đồng chí Trương Công Định, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết: Điểm nhấn trong phát triển du lịch của xã Hồ Thầu là phát triển du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm tại đỉnh núi Chiêu Lầu Thi, gắn với bảo tồn các di sản văn hóa, các giá trị văn hóa truyền thống của địa phương. Do đó, để khai thác hơn nữa tiềm năng về du lịch, thời gian tới, xã Hồ Thầu sẽ tiếp tục tranh thủ các nguồn lực, sự hỗ trợ của tỉnh, huyện để đẩy mạnh công tác quảng bá du lịch; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực du lịch; đặc biệt, quan tâm đào tạo cho các hộ đủ năng lực tổ chức du lịch theo mô hình phát triển cộng đồng. Đồng thời, tiếp tục đề xuất với tỉnh, huyện trong việc hỗ trợ đầu tư; mời gọi đầu tư và huy động các nguồn vốn cho các dự án phát triển du lịch tại địa phương; tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đến khảo sát, đầu tư phát triển các loại hình du lịch trên địa bàn, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế chung của xã theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ - du lịch.
Với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, xã Hồ Thầu đã và đang tranh thủ các nguồn lực, đồng thời có chính sách khuyến khích mở rộng, thu hút các nhà đầu tư, các đơn vị lữ hành trong và ngoài tỉnh đến với địa phương, nhằm đẩy mạnh phát triển KT-XH, đặc biệt là du lịch; góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của địa phương.
Bài, ảnh: TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc