Mèo Vạc chú trọng chất lượng giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực
BHG- Những năm qua, việc xác định nâng cao chất lượng giáo dục -đào tạo (GD-ĐT) và phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị, gắn với phát triển KT – XH, ứng dụng khoa học công nghệ vào lao động sản xuất đã tạo “nền tảng” giúp cho Mèo Vạc từng bước hiện thực hóa các mục tiêu Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XVIII đề ra.
Nhờ chú trọng công tác GD-ĐT nên chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Mèo Vạc ngày một nâng cao. Trong ảnh: Một buổi hoạt động ngoài giờ của học sinh Trường PTDT bán trú Tiểu học xã Sủng Trà. |
Theo tìm hiểu, sau khi thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ trong việc nâng cao chất lượng GD-ĐT và phát triển nguồn nhân lực; đến nay, quy mô, mạng lưới trường, lớp học ở Mèo Vạc được mở rộng, phù hợp với phân bố dân cư và địa hình của huyện; chất lượng giáo dục có chuyển biến rõ nét; chất lượng học sinh (HS) THPT được đánh giá thực chất theo khả năng học tập của HS; tỷ lệ HS đỗ vào các trường chuyên nghiệp tăng lên hàng năm; công tác giáo dục tư tưởng, truyền thống, đạo đức, kỹ năng sống được chú trọng. Bên cạnh đó, các nghề đưa vào đào tạo phong phú, hình thức đào tạo linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tế địa phương; công tác tuyển dụng, sử dụng, đào tạo nâng cao trình độ được quan tâm, chất lượng cán bộ, CCVC được nâng lên, cơ bản phù hợp với vị trí việc làm và đáp ứng yêu cầu công việc.
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế, chất lượng GD-ĐT ở các cấp học phổ thông chuyển biến còn chậm, chưa đồng đều giữa các xã, thị trấn; tỷ lệ HS duy trì hàng ngày chưa ổn định, tình trạng HS nghỉ học theo kiểu “cài răng lược” vẫn kéo dài. Điều này dễ dàng nhận thấy mỗi khi người dân ở Mèo Vạc bước vào vụ sản xuất hoặc vào dịp diễn ra lễ hội. Để có thêm nhân lực làm việc, nhiều HS đã chủ động ở nhà giúp bố, mẹ. Thậm chí, nhiều gia đình không cho con em đi học vì để có thêm người làm nương. Lâu dần, những việc làm đó trở thành thói quen đối với không ít HS, khiến các em có tâm lý ngại đến trường. Qua tìm hiểu, do làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên có những năm học, số HS tốt nghiệp THCS ở Mèo Vạc tiếp tục đi học THPT, bổ túc THPT tăng cao đột biến; nhưng tỷ lệ HS tốt nghiệp THPT, bổ túc THPT còn thấp.
Trao đổi với các ngành chức năng huyện Mèo Vạc, được biết: Hiện, lực lượng lao động nông thôn ở Mèo Vạc khá dồi dào, nhưng tỷ lệ chưa qua đào tạo còn cao; chất lượng đào tạo nghề tuy được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu thị trường, bởi chủ yếu là đào tạo nghề nông nghiệp, các nghề truyền thống chưa được khai thác, phát huy; chưa gắn đào tạo với sử dụng và giải quyết việc làm cho người lao động; thiếu định hướng chọn nghề; tỷ lệ lao động qua đào tạo tìm được việc làm và tham gia xuất khẩu lao động chưa nhiều. Do đó, hiệu quả lao động, thu nhập và đời sống của lao động nông thôn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, trình độ cán bộ, công chức cấp xã, nhất là cán bộ bán chuyên trách cấp xã, thôn còn thấp.
Đồng chí Hầu Minh Lợi, Bí thư Huyện ủy Mèo Vạc cho biết: “Xác định công tác GD-ĐT và phát triển nguồn nhân lực là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, huyện đang tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, quản lý của Nhà nước; nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành; của cán bộ, đảng viên và nhân dân tạo sự đồng thuận và huy động sự tham gia đánh giá, giám sát và phản biện của toàn xã hội đối với GD-ĐT và phát triển nguồn nhân lực. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng GD-ĐT ở các cấp học phổ thông nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực”. Theo đó, huyện thực hiện huy động tối đa HS trong độ tuổi đến trường; vận dụng linh hoạt các phương pháp dạy học phù hợp với tình hình địa phương, kết hợp với áp dụng, giới thiệu để HS tiếp cận với khoa học công nghệ; tăng cường các hoạt động ngoại khóa, giáo dục truyền thống văn hóa dân tộc; tiếp tục mở các lớp THPT, bổ túc THPT theo cụm xã, gắn với dạy nghề cho học sinh cuối cấp; duy trì các hoạt động giáo dục hướng nghiệp đê định hướng cụ thể về học nghề và việc làm cho HS; nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thực hiện tốt công tác tuyển dụng đầu vào, đảm bảo số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ, CCVC từ huyện đến cơ sở...
Có thể khẳng định, với những giải pháp mang tính toàn diện trong việc nâng cao chất lượng GD-ĐT và phát triển nguồn nhân lực đã và đang tạo dựng cho Mèo Vạc một hướng đi bền vững, góp phần đưa các chỉ tiêu KT –XH của huyện sớm về đích.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc