Bạo lực học đường - không còn là chuyện của con trẻ
BHG - Liên tiếp nhiều vụ bạo lực học đường (BLHĐ) xẩy ra trong cả nước thời gian qua không chỉ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến thể chất, tinh thần của học sinh (HS) mà thực sự gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về sự suy thoái đạo đức, lối sống, tình yêu thương con người, tình bạn... của HS, thế hệ tương lại của đất nước.
Nhà trường, gia đình và toàn xã hội xin đừng thờ ơ, đó không còn là chuyện của con trẻ!
Cuối năm 2016, vụ việc một HS THCS ở Yên Bái tự tử vì bị bạn đánh, làm nhục giữa chốn đông người cho thấy nỗi đau mà BLHĐ gây ra không nằm ở những đớn đau về thể chất mà là sự mất mát vô cùng to lớn cho cả gia đình, nhà trường và xã hội. Nghiêm trọng hơn, những cuộc đánh hội đồng bạn được các em vô tư quay lại rồi đưa lên mạng xã hội, gây phẫn nộ trong dư luận và đẩy bạn đến đường cùng khi bị rơi vào tình trạng khủng hoảng tâm lý, suy sụp tinh thần, chán đi học, muốn tự tử, ác cảm về tình bạn, muốn trả thù, vướng vào các tệ nạn xã hội.
Hội nghị Tập huấn kỹ năng văn hóa ứng xử, giao tiếp, phòng chống BLHĐ cho cán bộ, đoàn viên, học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh. |
Thực tế, đã có nhiều vụ việc được nhà trường xử lý, đuổi học nhưng hình như chưa có tính răn đe cao khi mỗi ngày, tình trạng BLHĐ vẫn tiếp tục diễn ra ở tất cả các cấp học với mức độ ngày càng nghiêm trọng. Nguyên nhân của tình trạng này được những người đứng đầu ngành Giáo dục và các bác sỹ tâm lý chia sẻ là do tâm lý lứa tuổi, sự buông lỏng trong công tác quản lý, giáo dục ở cả phía nhà trường và gia đình; sự du nhập của văn hóa lai căng không chọn lọc, bùng nổ mạnh mẽ của mạng xã hội kéo theo những hệ lụy khi các em tiếp cận ngày càng nhiều những phim ảnh, thông tin có tích chất bạo lực; sự “tuột dốc” của đạo đức, lối sống trong giới trẻ hiện nay. Đặc biệt hơn, người lớn có khi không hay biết, hoặc biết nhưng thờ ơ, xem đó chỉ là tâm lý của tuổi mới lớn nên để các em tự giải quyết.Đối với tỉnh ta, hiện có trên 222.495 trẻ mầm non, HS, học viên; trong đó bậc phổ thông có 151.373 em. Những năm qua, Sở GD&ĐT đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh tăng cường các biện pháp phòng, chống BLHĐ một cách thiết thực và hiệu quả. Mặc dù điều kiện học tập, sinh hoạt của các em còn nhiều khó khăn, đặc biệt là các em ở vùng sâu, vùng xa, biên giới nhưng các trường học đã chủ động tổ chức thực hiện công tác giảng dạy và sinh hoạt ngoại khóa theo đúng chương trình kế hoạch, nhiều hoạt động ngoài trời tạo sân chơi bổ ích, giúp các em nâng cao thể chất, tinh thần và bồi đắp thêm lòng yêu thiên nhiên, đất nước, con người. Công an các huyện, thành phố phối hợp tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, các cuộc thi tìm hiểu về pháp luật thu hút đông đảo HS tham gia, đặc biệt cuộc thi HS giỏi môn Giáo dục công dân các cấp có nhiều em tham gia và đoạt giải cao, đây là một trong những môn học cần thiết để bồi dưỡng tâm hồn, đạo đức, lối sống cho HS mà các cơ sở giáo dục không được xem nhẹ, đặc biệt là khi Bộ GD&ĐT đưa nội dung môn học này vào chương trình thi tốt nghiệp THPT Quốc gia năm 2017. Nhờ vậy, trên địa bàn tỉnh không xẩy ra vụ việc BLHĐ nghiêm trọng nào, những trường hợp các em vi phạm Luật ATGT, trốn học chơi điện tử đã được các nhà trường kịp thời nhắc nhở, kỷ luật.Trao đổi về những giải pháp ngăn chặn BLHĐ, cô Nguyễn Thị Hương Giang, Trưởng phòng GD&ĐT thành phố Hà Giang chia sẻ: Là người công tác trong ngành Giáo dục, chúng tôi rất đau lòng khi mỗi ngày lại có những HS bị bạn đánh. Đối với địa bàn thành phố Hà Giang, việc ngăn chặn BLHĐ được chỉ đạo sát sao đến các trường học; đặc biệt chú trọng trang bị kỹ năng sống và giáo dục đạo đức, lối sống cho các em thông qua các chương trình hoạt động ngoại khóa, giúp HS trải nghiệm, nâng cao nhận thức, trách nhiệm với bản thân và cộng đồng. Các trường học triển khai sáng tạo và hiệu quả phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, HS tích cực”, tích cực ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường.
BLHĐ dù chưa xẩy ra vụ việc nào nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh, nhưng luôn tiềm ẩn nguy cơ. Nhà trường, gia đình và xã hội hãy cùng chung tay, tạo cho các em môi trường học tập, vui chơi lành mạnh để các em được phát triển toàn diện, trở thành những công dân tương lai tốt của đất nước.
Học sinh Trường HTCS Quang Trung (TP Hà Giang) trong Ngày hội đọc sách năm 2016. |
Bài, ảnh: BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc