Vững bước em đến trường

09:13, 16/02/2017

BHG- “Trường của em be bé, nằm lặng giữa rừng cây/Cô giáo em tre trẻ, dạy em hát rất hay...”. Bài hát Đi học do nhạc sĩ Bùi Đình Thảo sáng tác đã phác họa về con đường đi học và tình cảm ấm áp của cô trò vùng cao. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp khi đặt chân lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc với những câu chuyện đẹp về tình thầy trò.

Một buổi học tại điểm trường Sán Trồ.
Một buổi học tại điểm trường Sán Trồ.

Làm thế nào để trẻ đủ độ tuổi được đến trường? Đó là những câu hỏi đau đáu của các thầy, cô giáo vùng cao. Những câu chuyện thầy, cô phải vượt rừng, núi đến từng nhà huy động các em đến trường; về những thầy, cô cắm bản, bỏ lại gia đình, bỏ lại khó khăn vẫn cố gắng mang chữ đến với các học trò nhỏ là những câu chuyện ta thường hay nghe và bắt gặp. Tại Trường PTDT bán trú Tiểu học Bát Đại Sơn đóng trên địa bàn xã Bát Đại Sơn, là xã biên giới thuộc vùng đặc biệt khó khăn của huyện Quản Bạ. Xã cách trung tâm huyện 28 km, dân cư sống không tập trung, địa hình phức tạp. Điều kiện KT-XH của địa phương còn nhiều khó khăn, đời sống, thu nhập của nhân dân trên địa bàn chủ yếu từ trồng ngô và chăn nuôi; tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã cao (năm 2015 là 87.5%). Mặc dù khó khăn như vậy, nhưng năm 2016 tỉ lệ huy động trẻ đi học của trường đạt 100%. Trước đây, toàn trường có 46 phòng học; trong đo, 28 phòng học là tạm bợ, học sinh đi học thất thường, quanh trường không có tường rào che chắn. Năm 2009, trường không đạt chuẩn phổ cập giáo dục, tỷ lệ học sinh đi học hàng ngày thấp, học sinh không biết đọc, biết viết cao, năm 2010 có 26% học sinh không đủ điều kiện lên lớp. Nhưng sau 5 năm, bằng những cải cách giáo dục và sự nỗ lực không ngừng của các thầy, cô giáo đã mang đến cho trường một diện mạo mới, tạo điểm tựa vững chắc cho học sinh.

Chúng tôi lên thăm trường vào một buổi chiều mưa rét, tuy vẫn chưa vào giờ học những đã có những học sinh đến rất sớm, ngồi trên ghế đá trong thư viện xanh của trường, chân vẫn lấm đất đang ngồi đọc sách. Được biết, đây chính là thư viện được các thầy, cô xây dựng ý tưởng với nhiều nhạc cụ, trang phục dân tộc, cùng những cuốn sách đến từ mọi miền đất nước đã nhàu nát nhưng được các em trân trọng. Một góc học tập vừa gần gũi với thiên nhiên, vừa khuyến khích các em đọc sách và đây cũng là một trong những điểm sáng của trường, được Phòng GD&ĐT huyện công nhận và tổ chức hội nghị triển khai nhân rộng cho các trường trên địa bàn huyện. Em Thào Thị Dinh, học sinh lớp 5A tâm sự: “Thư viện xanh có những cuốn chuyện hay, các thầy cô trang trí đẹp với nhiều trang phục và dụng cụ dân tộc. Ngoài ra, chúng con còn được tập thể dục và múa hát tại đây...”.

Một góc Thư viện xanh - nơi vui chơi của học sinh.
Một góc Thư viện xanh - nơi vui chơi của học sinh.

Thầy Bùi Quang Hòa, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hiện, trường có nhiều bước thay đổi như: Tỷ lệ huy động trẻ đến trường đạt 95%, tình trạng học sinh chuyển lớp đảm bảo, toàn trường hiện có 432 học sinh, huy động 169 em học bán trú; có 1 giáo viên tiêu biểu được tham gia Đoàn đại biểu của tỉnh dự Đại hội thi đua yêu nước ngành GD&ĐT Việt Nam; 1 giáo viên cắm bản tiêu biểu được Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam mời tham dự Hội nghị biểu dương giáo viên cắm bản tiêu biểu của 62 huyện nghèo tổ chức tại Hà Nội tháng 11.2015...”. Bên cạnh đó, nhà trường tổ chức tốt việc trồng vườn thuốc nam, vườn rau bán trú và chăn nuôi lợn nhằm cải thiện bữa ăn của học sinh bán trú theo lời Bác dạy và thường xuyên tổ chức các buổi học ngoại khóa, tạo khu vui chơi với những trò chơi truyền thống cho các em. Nhưng hiện nay, trường vẫn còn 3/8 điểm trường khó khăn; trong đó, điểm trường Thào Chư Phìn là xa nhất, cách trung tâm xã 14,5 km với 5 xóm. Tại đây, hình ảnh về người thầy cùng 10 em học sinh trong lớp học tạm bợ; trong đó có 4 em học sinh do nhà xa ở lại cùng thầy, đây chính là hình ảnh đẹp mà không một họa sĩ nào có thể phác họa hết được. Với việc, luôn đề cao công tác huy động trẻ đủ độ tuổi đến trường, nhà trường đã dành những tình cảm và điều kiện tốt nhất để các em vững bước đến trường.

Chiều trên xã Bát Đại Sơn, sương bắt đầu bao phủ, những tiếng đánh vần, những bài hát vẫn vọng ra từ các lớp. Những vật liệu vẫn ngổn ngang chờ ngày dựng lên những lớp học mới, để cái rét, cái lạnh không làm nhụt chí trên con đường học cái chữ và con đường “lái đo” của thầy và trò nơi vùng cao khó khăn này.

Hoàng Yến


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Gìn giữ nghề làm khèn Mông trên cao nguyên đá Hà Giang

Xuân 2017 - Lên cao nguyên đá Đồng Văn vào những ngày đầu năm mới 2017, cái lạnh của mùa Đông vẫn hiện hữu ở trong các bản làng. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào dân tộc Mông vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của mình. Một trong những nét văn hóa đó chính là đã gìn giữa nghề làm khèn Mông truyền thống. 

31/01/2017
Những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Pà Thẻn

Xuân 2017 - Hà Giang, mảnh đất cực Bắc địa đầu của Tổ quốc, nơi hội tụ 19 dân tộc anh em cùng chung sống. Đến với Hà Giang những ngày đầu Xuân, du khách không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn, được ngắm những cây hoa đào, hoa mận, hoa lê đua nhau khoe sắc mà còn được tìm hiểu và khám phá những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện qua những bộ trang phục của những thiếu nữ dân tộc Pà Thẻn rực rỡ như đàn chim lửa và đặc biệt được hòa mình vào Lễ hội nhảy lửa, Lễ kéo chày và các trò chơi dân gian của dân tộc Pà Thẻn. 

31/01/2017
Nơi "Ươm mầm" cho trẻ em ở xã vùng III Thuận Hòa

BHG - Thuận Hòa là xã vùng 3 của huyện Vị Xuyên, địa hình phức tạp, chia cắt bởi các dãy núi cao, vực sâu nên thiếu đất cánh tác nông nghiệp, đời sống của người dân trong xã còn nhiều khó khăn, vất vả. Nhưng vượt qua mọi khó khăn thử thách, với sự vào cuộc đồng bộ từ cấp ủy, chính quyền địa phương đến nhà trường và toàn xã hội nên chất lượng giáo dục và tỷ lệ duy trì tỷ số học sinh đến trường của xã luôn đạt kết quả cao. 

31/01/2017
Du lịch trong mối liên kết vùng

BHG- Năm 2016 tiếp tục là một năm gặt hái nhiều thành công đối với ngành Du lịch (DL) Hà Giang, khi lượng khách DL đến tỉnh đạt trên 853.700 lượt người; doanh thu từ DL, dịch vụ DL đạt trên 795 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, ngành "Công nghiệp không khói" của mỗi địa phương muốn thực sự phát triển bền vững thì không thể "Độc bước" mà cần có giải pháp để phát huy lợi thế cạnh tranh và liên kết vùng.

16/02/2017