Sản phẩm lanh của đồng bào Mông "sải cánh" ra thế giới
Xuân 2017 - Chưa nhiều người biết, có một HTX đã đưa sản phẩm lanh của người Mông ở xã Lùng Tám (Quản Bạ) tham gia từ Hội chợ thương mại cho đến các sàn diễn thời trang Quốc tế. Với những khách hàng thân quen tới từ Italy, Nhật Bản, Pháp, Canada... các sản phẩm thủ công từ lanh đã trở thành một món hàng độc đáo, có giá trị, được ưa chuộng sử dụng trang trí trong các nhà hàng, khách sạn cao cấp.
Sản phẩm dệt lanh được khách nước ngoài ưa chuộng. Ảnh: Minh Ty (Vị Xuyên) |
Gặp chị Vàng Thị Mai, Giám đốc HTX lanh Lùng Tám (Quản Bạ), sau chuyến đi Pháp hồi tháng 9, chúng tôi được chị vui mừng cho biết, “Được nhà thiết kế Minh Hạnh mời sang Pháp trình diễn, tôi đã biểu diễn dệt lanh và mặc trang phục truyền thống dân tộc Mông tại buổi trình diễn bộ sưu tập “Hơi thở của núi rừng Việt Nam” của nhà thiết kế Minh Hạnh”. Được biết, đây không phải là chuyến xuất ngoại đầu tiên của chị Mai, mang sản phẩm lanh đi quảng bá ở các nước.
Là một trong những HTX lanh đầu tiên ở tỉnh, thành lập từ năm 2001, vượt qua bao khó khăn, do thiếu lao động, trình độ kỹ thuật, đơn hàng...; đến nay, HTX có 130 thành viên, trung bình mỗi tháng có từ 2 – 3 đơn hàng xuất khẩu đi các nước. Chị Mai cho biết thêm: “Đến năm 2014 HTX chuyển sang hình thức kiểu mới theo Luật HTX, có Hội đồng quản trị, Ban Kiểm soát... và tổ chức đại hội. Từ đó, xã viên được đào tạo bài bản hơn, có tri thức phát triển các sản phẩm. Trước đây còn nhiều người ỷ lại, do phần lớn xã viên đều tranh thủ làm thêm lúc rảnh rỗi, còn ban ngày họ đi làm nương rẫy. Nhưng giờ phân chia công việc rõ ràng, người lao động phải tích cực làm việc, có sản phẩm thì mới có tiền nên họ làm việc trách nhiệm hơn, chủ động, sáng tạo”. HTX có 9 nhóm sản xuất, được phân chia thực hiện các công đoạn như: Tước sợi, giã sợi, nối sợi, quay sợi, luộc sợi... Đến nay, các sản phẩm khá đa dạng: Vỏ gối, khăn trải bàn, lót cốc, sản phẩm trang trí nội thất, túi xách... Hàng tháng trả tiền cho người lao động theo sản phẩm làm ra. Trung bình thợ máy được 6 triệu đồng/tháng; nghệ nhân vẽ sáp ong, thêu hoa văn khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Chị Vàng Thị Mai giới thiệu sản phẩm lanh tại HTX lanh Lùng Tám (Quản Bạ). Ảnh: Lê Hải |
Cơ duyên chị Mai giới thiệu sản phẩm lanh đến bạn hàng các nước là nhờ tham gia Hội chợ phụ nữ Quốc tế và của các ngành như: Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Sở VHTT&DL. Một số khách hàng nước ngoài đã chú ý đến sản phẩm lanh của HTX, đến tận nơi xem cách làm và đặt hàng. Từ đó, HTX bán hàng thông qua Đại sứ quán các nước Nhật Bản, Italy, Pháp, Canada... Trong nước thường bán ở Hội An, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh. Những nỗ lực của chị được nhiều cơ quan, tổ chức ghi nhận: Năm 2009, được Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) tuyên dương, tặng Bằng khen vì giúp đỡ nạn nhân của các vụ buôn bán người qua biên giới hội nhập, ổn định cuộc sống. Năm 2011, lanh Lùng Tám nhận Cúp vàng hàng thủ công mỹ nghệ các nước, tổ chức tại Malaysia. Năm 2011, chị đại diện phụ nữ Việt Nam tham dự Đại hội phụ nữ năng động, sáng tạo toàn cầu, tại Pháp. Năm 2010, 2012 được Hội LHPN Việt Nam bầu chọn Gương phụ nữ năng động, sáng tạo... Và, sản phẩm lanh Lùng Tám đã lên sàn diễn thời trang thông qua nhà thiết kế Minh Hạnh, một nhà thiết kế gạo cội của làng thời trang Việt Nam.
Nói về hướng phát triển của HTX, chị Mai tâm sự: “Thực hiện đổi mới theo Luật HTX, chúng tôi luôn mở cửa đón thành viên mới. Hàng năm đều dùng tiền Quỹ phát triển đào tạo khoảng 150 cháu người địa phương... Đồng thời tích cực quảng bá sản phẩm, bằng nhiều hình thức linh hoạt.
Các sản phẩm thủ công truyền thống đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Với cách phát triển và quảng bá sản phẩm như của HTX lanh Lùng Tám đem lại hy vọng về tương lai cho các sản phẩm truyền thống khác ở tỉnh nhà.
LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc