Những nét văn hóa đặc sắc của dân tộc Pà Thẻn
Xuân 2017 - Hà Giang, mảnh đất cực Bắc địa đầu của Tổ quốc, nơi hội tụ 19 dân tộc anh em cùng chung sống. Đến với Hà Giang những ngày đầu Xuân, du khách không những được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của Cao nguyên đá Đồng Văn, được ngắm những cây hoa đào, hoa mận, hoa lê đua nhau khoe sắc mà còn được tìm hiểu và khám phá những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện qua những bộ trang phục của những thiếu nữ dân tộc Pà Thẻn rực rỡ như đàn chim lửa và đặc biệt được hòa mình vào Lễ hội nhảy lửa, Lễ kéo chày và các trò chơi dân gian của dân tộc Pà Thẻn.
Dân tộc Pà Thẻn ở Hà Giang hiện khoảng trên 6 nghìn người, cư trú yếu trên địa bàn các huyện Quang Bình, Bắc Quang, Xín Mần và Hoàng Su Phì, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Quang Bình.
Đến với Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn My Bắc, xã Tân Bắc, huyện Quang Bình – người dân trong thôn 100% đều là dân tộc Pà Thẻn, chúng tôi được tận mắt ngắm nhìn các cô gái Pà Thẻn trong bộ trang phục truyền thống rực rỡ ngồi bên khung cửi dệt thổ cẩm. Theo chị Lừu Thị Hơi, người dân trong thôn cho biết: Trang phục truyền thống người Pà Thẻn có những nét rất riêng, có giá trị thẩm mỹ cao, được thể hiện bởi sự kết hợp nhiều màu sắc và những nét hoa văn độc đáo với sự trang trí bằng nhiều kiểu dáng khác nhau. Xuất phát từ quan niệm màu đỏ là màu lửa, màu của ánh sáng, thần lửa là vị thần thiêng liêng nhất của dân tộc, người phụ nữ Pà Thẻn lấy màu đỏ là màu chủ đạo trên trang phục kết hợp với những vải trắng và đen, xen kẽ những đường hoa văn với các màu xanh, vàng v.v. tạo nên bộ trang phục hài hòa tương phản giữa khung cảnh núi rừng thiên nhiên hùng vĩ. Những bộ trang phục rực rỡ kết hợp với ánh bạc của đồ trang sức như vòng bạc, cặp ba lá, khăn vấn đầu làm cho khuôn mặt người phụ nữ Pà Thẻn thêm rạng rỡ.
Thi dệt thổ cẩm tại Lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. |
Dân tộc Pà Thẻn có Lễ hội nhảy lửa hết sức thiêng liêng, độc đáo và huyền bí. Lễ hội thường bắt đầu vào ngày 16.10 âm lịch năm trước đến 15.1 âm lịch năm sau, trong đời sống tinh thần, người Pà Thẻn luôn có quan niệm xung quanh họ luôn có các vị thần che chở, đùm bọc, giúp đỡ họ vượt qua nguy hiểm, hoạn nạn để tồn tại và mưu sinh. Đối với người Pà Thẻn vị thần tối cao nhất là thần lửa và ngọn lửa mang lại sự may mắn cho họ, vì vậy khi lễ hội nhảy lửa diễn ra thì tất cả mọi người trong làng đều có mặt để hò reo cổ vũ. Đầu tiên thầy cúng làm lễ xin thổ công, thổ địa cho được phép nhảy lửa, cùng lúc đó đống lửa to được đốt lên, khi đống lửa đã cháy thành than rực hồng cùng với sự điều khiển của thầy cúng, các thành viên lần lượt ngồi trước mặt thầy cúng nhận sức mạnh và nhảy vào ngọn lửa đạp than bắn tung tóe trong tiếng hò reo cổ vũ của mọi người mà không hề bị bỏng. Tuy màu sắc tâm linh huyền bí, nhưng lễ hội nhảy lửa truyền thống của người Pà Thẻn là một kho tàng văn hóa hết sức phong phú và độc đáo, chứa đậm những giá trị tinh thần đậm nét nhân văn, đó là nơi con người giao hòa hội tụ để sau những ngày lao động vất vả mệt nhọc họ lại tìm được niềm tin, tìm được tình yêu cuộc sống. Với giá trị văn hóa đặc sắc, năm 2013 “Lễ hội nhảy lửa” của người Pà Thẻn được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, đây cũng là điểm nhấn để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước đến với huyện Quang Bình nói riêng và Hà Giang nói chung.
Lễ hội nhày lửa - một trong những nét văn hóa vô cùng độc đáo và huyền bí. |
Lễ hội Kéo chày của dân tộc Pà Thẻn là một trong các lễ hội mang tính chất cộng đồng cao, đây là dịp để tất cả mọi người dân trong bản vui đùa, thư giãn sau mỗi vụ mùa bội thu, cầu mong thần linh ban cho dân làng ấm no, mùa sau mưa thuận gió hòa. Trước khi vào lễ "kéo chày", người thầy dùng một chiếc chày được làm bằng một đoạn gỗ hoặc vầu, có đường kính khoảng 10 cm, dài từ 2,5-3m. Sau đó, thầy cầm tay vào chiếc chày, xoay đi xoay lại mấy vòng và niệm thần chú. Cùng đó, hai thanh niên người Pà Thẻn trai tráng, khỏe mạnh ôm chặt chày ở tư thế đối ngược nhau. Vừa xoay chày, người thầy vừa đọc thần chú, sau đó như có một phép thuật, chiếc chày tự xoay và nâng lên khỏi mặt đất, mặc dù hai thanh niên ra sức kéo xuống cũng không thể kéo được. Lúc này hàng chục thanh niên trai tráng trong bản cùng nhau kéo chày xuống nhưng cũng không kéo nổi, chỉ khi nào có người bịt tay vào đầu trên hoặc dưới của chiếc chày thì chiếc chày mới chạm đất, khi đó lễ kéo chày kết thúc.
Cưới hỏi của người Pà Thẻn cũng hết sức đặc sắc, sau một thời gian tìm hiểu nếu trai gái hợp nhau họ sẽ thông báo cho gia đình tổ chức, khi ăn hỏi hai gia đình phải trải qua ba hoặc bốn lần gặp mặt rồi mới đến kết hôn. Trước khi nhà trai tới rước dâu, đêm hôm trước nhà gái cúng một đêm để cắt họ, hôm sau khi nhà trai rước dâu thì cũng phải cúng nhập dâu để hợp nhất thành chủ, cô dâu phải dùng khăn che mặt ngồi một chỗ cho tới khi tối đi ngủ mới được bỏ khăn ra. Người Pà Thẻn có truyền thống chung thủy một vợ một chồng từ xa xưa, họ đã có một lời nguyện thề nếu đã làm vợ chồng thì làm mãi mãi, chính vì vậy lịch sử người Pà Thẻn từ xưa đến nay không được phép ly hôn…
Mô phỏng đám cưới tại Lễ hội văn hóa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn. |
Ẩm thực của người Pà Thẻn khá phong phú, một trong những món ăn nổi tiếng đó là bánh sừng trâu. Bánh sừng trâu được làm từ gạo nếp, gạo không vo trước khi gói mà để khô. Lá để gói là loại lá nón lấy từ trong rừng hoặc lá vầu, lá giang. Dưới những bàn tay khéo léo của người phụ nữ, lá được xoay 360 độ, tạo thành hình nón hoặc hình phễu. Tiếp đó, giữ chặt hai mép lá rồi lấy nếp khô bỏ đầy, nén vừa chặt, gấp lại lá thừa để tạo thành chiếc bánh đơn. Sau khi gói xong, buộc bánh lại thành từng cặp rồi ngâm nước khoảng 2 tiếng rồi đem luộc. Bánh sừng trâu khi dã chín có màu sắc đẹp của nếp, tỏa ra mùi hương ngọt ngào của lá trông rất hấp dẫn. Bánh sừng trâu không có nhân, có lẽ vì thế mà bánh sừng trâu sau nhiều ngày vẫn giữ được độ dẻo, mùi thơm mà không sợ hỏng...
Đời sống tinh thần của người Pà Thẻn là một kho tàng văn hóa phong phú, đa dạng thể hiện qua các làn điệu giao duyên của thanh niên nam nữ trong giai đoạn tìm hiểu, những điệu múa bát, múa mừng, những bản tình ca đôi lứa sẽ xoa dịu đi nỗi nhọc nhằn sau những ngày làm việc vất vả. Trong xu hướng phát triển kinh tế hội nhập ngày nay, trước sự mai một và dần mất đi những nét văn hóa độc đáo của các dân tộc thiểu số, trong đó có dân tộc Pà Thẻn, những năm qua, huyện Quang Bình đã có nhiều giải pháp để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, như khuyến khích các nghệ nhân dân gian truyền dạy các làn điệu dân ca và các nét văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ; lồng ghép đưa văn hóa truyền thống vào giáo dục trong nhà trường. Hàng năm dành nguồn kinh phí để khôi phục các lễ hội, để giúp người Pà Thẻn có cơ hội tham gia và giữ gìn nét đẹp văn hóa riêng của dân tộc mình; tạo điều kiện cho người Pà Thẻn phát triển kinh tế cùng cộng đồng chung các dân tộc khác trong huyện – đó là chia sẻ của đồng chí Phùng Viết Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện.
Mỗi dân tộc đều có những bản sắc văn hóa riêng, với những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và ấn tượng có từ lâu đời, người Pà Thẻn đã góp phần làm cho vườn hoa các dân tộc nơi địa đầu cực Bắc Tổ quốc thêm phong phú, đa dạng và đậm đà hương sắc Hà Giang.
Thi làm bánh sừng trâu tại Lễ hội văn hóa truyền thống. |
THANH THỦY
Ý kiến bạn đọc