Ngày Xuân đọc thơ chúc Tết của Bác Hồ
Xuân 2017 - “Xin lắng nghe phút giao thừa đang chuyển/ Bác Hồ gọi, ấy là mùa xuân đến” (thơ Tố Hữu). Dù 48 mùa xuân đã trôi qua, trên sóng radio, đồng bào cả nước không còn được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trong thời khắc giao thừa thiêng liêng. Vậy nhưng, khi xuân sang, quyện trong chồi xuân biếc, sắc thắm hoa xuân, hòa cùng nhịp đập trái tim hân hoan của hàng triệu người con đất Việt, những bài thơ chúc Tết của Bác như còn mãi ngân vang. Từng từ, từng ý thơ của Người đã tạc vào núi sông và bừng sáng như ngọn lửa thiêng, soi tỏ đường cách mạng cho dân tộc thắm mãi màu cờ sao...
Bác Hồ, Người không chỉ là vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới mà còn là nhà văn, nhà thơ kiệt xuất – “Dùng ngòi bút làm đòn xoay chế độ/ Mỗi vần thơ, bom đạn phá cường quyền” (Sóng Hồng). Đặc biệt, trong di sản thơ, văn đồ sộ của mình, Người đã để lại 22 bài thơ chúc Tết gửi đến đồng bào, chiến sỹ cả nước khi Tết đến, Xuân về. 21 bài thơ trong số ấy được Bác Hồ viết khi Người giữ cương vị Chủ tịch nước (riêng bài thơ chúc Tết đầu tiên Bác viết nhân dịp Xuân Nhâm Ngọ 1942). Mỗi mùa xuân sang, trong phút giao thừa thiêng liêng, giọng Bác ấm áp lời thơ chúc mừng xuân mới gửi đến đồng bào, chiến sỹ cả nước qua sóng radio đã trở thành món quà tinh thần vô giá, làm xúc động hàng triệu trái tim con Lạc, cháu Hồng. Một em bé độ tuổi thiếu niên (trong thơ Trần Đăng Khoa) đã không giấu nổi niềm vui này: “... Đêm ba mươi Tết/ Pháo giao thừa nổ đét/ Em dậy thức mẹ cha/ Và kêu toáng khắp nhà/ A! Bác Hồ đang nói/ Ở trên tủ nhà ta” ... Niềm vui của em cũng đồng thời là hạnh phúc tột bậc của đồng bào, chiến sỹ cả nước khi đón mùa Xuân độc lập đầu tiên của dân tộc – Xuân Bính Tuất 1946: “Tết này mới thật Tết dân ta/...Tự do vàng đỏ một rừng hoa/ Muôn nhà chào đón Xuân dân chủ/ Cả nước vui chung phúc Cộng hòa” (Thơ chúc Tết Xuân Bính Tuất 1946) ...
Qua mỗi bài thơ chúc Tết, dù nhiều lần Bác khiêm nhường: “Mấy câu thành thật nôm na/Vừa là kêu gọi, vừa là mừng Xuân” (Thơ chúc Tết Xuân Nhâm Thìn 1952). Song, sự “nôm na” của Người không chỉ là lời chúc mừng tốt đẹp nhân dịp đầu xuân năm mới: “Gửi lời chúc đồng bào/ Kháng chiến được thắng lợi/ Toàn dân đại đoàn kết/ Cả nước dốc một lòng/ Thống nhất chắc chắn được/ Độc lập quyết thành công” (Thơ chúc Tết Xuân Mậu Tý 1948)... mà còn là điều gần gũi, dễ hiểu để đồng bào cả nước chung một ý, chung một lòng, dốc sức hành động cách mạng: “Đẩy mạnh cuộc chuẩn bị tới/ Chuyển mau sang tổng phản công/ Kháng chiến nhất định thắng lợi” (Thơ chúc Tết Xuân Canh Dần 1950) hay: “Năm mới, quân dân ta có hai nhiệm vụ rành rành: Đẩy mạnh kháng chiến để giành độc lập tự do/ Cải cách ruộng đất là công việc rất to/ Dần dần làm cho người cày có ruộng khỏi lo nghèo nàn” (Thơ chúc Tết Xuân Giáp Ngọ 1954) ... Không những vậy, đằng sau sự “nôm na” ấy là cả một trái tim vĩ đại, một trí tuệ kiệt xuất, đã kết tinh thành “Đường kách mệnh” để “toàn thắng ắt về ta”. Cứ như vậy, từng lời thơ chúc Tết của Bác trở thành hạt giống tốt lành, gieo vào trái tim, khối óc mỗi người con yêu nước của dân tộc tinh thần đoàn kết, cùng hành động cách mạng vì lý tưởng cao đẹp: Độc lập, tự do. Và thực tế cho thấy, trong trận Tổng tiến công và nổi dậy đầu Xuân Mậu Thân 1968, các chiến sỹ giải phóng của chúng ta vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc đã kiên trung, quả cảm vào tận sào huyệt của Mỹ - Ngụy “với vũ khí trong tay là thơ chúc Tết của Bác Hồ” (thơ Lê Anh Xuân). Rồi lúc “Hành quân trên quãng đường dài/ Lắng nghe lời Bác qua đài chúc Xuân” để thấy “lời Tổ quốc vang ngân” là “kèn xung trận, giục gần, giục xa” ...
Ngày Xuân độc lập hôm nay, đất nước đang chuyển mình trên chặng đường 30 năm đổi mới nhưng đọc lại những vần thơ chúc Tết của Bác, quả thực đúng như nhà thơ Hoàng Trung Thông nhận định: “Vần thơ của Bác, vần thơ thép/ Mà vẫn mênh mông, bát ngát tình”. Từng bài thơ chúc Tết của Người giản dị, song chan chứa ý thơ, tràn đầy sắc xuân, chan hòa khí thế khởi đầu thắng lợi của mùa xuân mới nhưng vẫn trọn vẹn ấm áp, yêu thương: “Bắc Nam như cội với cành/ Anh em ruột thịt, đấu tranh một lòng/ Rồi đây thống nhất thành công/ Bắc Nam ta lại vui chung một nhà” (Thơ chúc Tết Xuân Giáp Thìn 1964). Và rồi, mùa Xuân năm 1969, hàng triệu đồng bào cả nước trên dải đất hình chữ S của Tổ quốc yêu thương đã vang khúc khải hoàn khi nghe thơ chúc Tết đầu xuân của Bác: “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc – Nam sum họp xuân nào vui hơn” ... Nhưng khi “Bắc Nam sum họp” thì đây cũng là bài thơ chúc Tết cuối cùng mà vị lãnh tụ kính yêu dành cho dân tộc, để an giấc vĩnh hằng. Song, âm vang của bài thơ này (đã được nhạc sĩ Huy Thục phổ nhạc) sẽ luôn còn mãi trong trái tim mỗi người con đất Việt về năm tháng hào hùng của dân tộc...
Ngày xuân hôm nay, đọc lại những lời thơ chúc Tết của Bác, ta như thấy Bác đang đồng hành cùng dân tộc trên con đường đổi mới, “sánh vai với các cường quốc năm châu”. Và trong trái tim mỗi người con đất Việt đều nguyện suốt đời học tập, làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách của Người. Bởi Người chính là thuyền trưởng vĩ đại đã chèo lái con thuyền cách mạng cập bến “Độc lập, Tự do, Hạnh phúc” để tạo nên mùa Xuân trường tồn cho dân tộc Việt Nam...
THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc