Gìn giữ nghề làm khèn Mông trên cao nguyên đá Hà Giang
Xuân 2017 - Lên cao nguyên đá Đồng Văn vào những ngày đầu năm mới 2017, cái lạnh của mùa Đông vẫn hiện hữu ở trong các bản làng. Tuy cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào dân tộc Mông vẫn còn lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của mình. Một trong những nét văn hóa đó chính là đã gìn giữa nghề làm khèn Mông truyền thống. Bởi cây khèn mang một ý nghĩa vô cùng sâu sắc đối với đời sống tinh thần của đồng bào Mông. Đó chính là phương tiện giao tiếp của con người với thế giới tâm linh, là tâm hồn, là bản sắc của dân tộc Mông. Chính vì vậy, dù cuộc sống hôm nay có nhiều thay đổi, có không ít giá trị truyền thống đã trở thành quá khứ song cây khèn vẫn được người Mông gìn giữ, cùng với việc lưu truyền kỹ năng chế tác khèn một cách công phu và chuẩn xác.
Tìm hiểu về cách làm khèn Mông, chúng tôi có mặt tại lớp truyền dạy kỹ thuật chế tác nhạc cụ khèn Mông tại xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc, do Sở VHTT&DL phối hợp với huyện Mèo Vạc tổ chức vào cuối tháng 11.2016 vừa qua. Lớp học có gần 50 học là người dân tộc Mông ở xã Pả Vi và Thị trấn Mèo Vạc. Tham gia lớp học, các học viên được các nghệ nhân làm khèn có uy tín trong vùng hướng dẫn với phương thức “cầm tay chỉ việc” cách khai thác, lựa chọn nguyên vật liệu làm khèn...
Anh Sùng Mí Xá, xã Pả Vi chia sẻ: Qua lớp học này anh cũng như các học viên khác được truyền dạy các bước thực hiện chế tác khèn cũng như kỹ thuật chế tác; trang trí để được một cây khèn Mông hoàn chỉnh.
Chế tác khèn Mông tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ II tại Hà Giang. |
Hướng dẫn và dạy cách làm khèn mông cho lớp học là 2 nghệ nhân của huyện Mèo Vạc là Mua Mí Hồng và Mua Mí Sính. Ở Mèo Vạc này nười ta gọi họ là nghệ nhân vì tài làm khèn của mình. Anh Mua Mí Hồng học làm khèn Mông từ ông nội của mình ở thôn Mã Pì Lèng, xã Pả Vi từ khi mới 13 tuổi, đến nay anh Hồng đã có hơn 20 năm làm khèn Mông. Hiện nay những người am hiểu về cây khèn và cách thức để làm ra một cây khèn như anh Hồng rất ít. Theo anh Hồng để làm được một cây khèn chuẩn phải bỏ ra rất nhiều công phu và thời gian. Đầu tiên, phải tìm được loại cây gỗ làm bầu khèn. Đây là một loại cây có họ thông mà người vùng cao gọi là thông đá. Nó có một đặc tính đặc biệt để được người ta chọn làm bầu khèn đó là thớ gỗ rất thẳng, không cong vênh mối mọt. Hiện nay, loại gỗ này chỉ còn rất ít, tập trung chủ yếu ở vùng rừng núi Lao Và Chải của Yên Minh. Khi tìm được cây gỗ, người ta chặt hạ, cắt khúc khoảng 80cm, bổ đôi và tiến hành ngay bước đầu tiên chế tạo cây khèn đó là khoét rỗng theo chiều dài thân cây rồi áp hai thân cây vào như cũ, buộc chặt lại. Từ những đoạn gỗ tươi đó, người ta mang về để đến khi nào cây gõ khô lại mới tiến hành tạo hình dáng cho bầu khèn và khoét các lỗ trên thân khèn để lồng các ống trúc vào. Để có những ống trúc làm khèn phải lựa chọn những cây trúc có trên 10 năm tuổi, thẳng đẹp, chặt về phơi khô rồi mới tiện lỗ, lắp ráp lại với thân khèn. Đặc biệt, sợi dây dùng để quấn quanh thân khèn là vỏ cây đào rừng. Vỏ cây đào rừng có đặc tính rất chắc và bền. Những đường cuốn quanh thân khèn vừa để giữ thân khèn và cũng tạo điểm nhấn có tính thẩm mỹ cao.
Để hoàn thành một cây khèn, một nghệ nhân thành thạo như anh Hồng, anh Sính phải mất 2 đến 3 ngày. Với giá bán hiện nay là khoảng từ 700 đến 800 trăm nghìn đồng/một cây khèn. Trừ đi các chi phí mua nguyên liệu thì tiền thu được từ một cây khèn khoảng 500 trăm nghìn đồng. Đây cũng là một nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lâm Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – TT&DL cho biết: Để giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của vùng cao nguyên đá Đồng Văn, trong đó nổi bật là cây khèn của đồng bào Mông, tỉnh ta đã nỗ lực triển khai mở các lớp truyền dạy, chế tác khèn Mông hàng năm ở trên Cao nguyên đá. Qua đó đã truyền dạy cho các học viên, đặc biệt là các bạn trẻ biết về kỹ thuật chế tác khèn Mông, từng bước khôi phục và gìn giữ, bảo tồn được nét văn hóa truyền thống của đồng bào mình. Với cách làm đó sẽ góp phần giữ gìn nét văn hóa bao đời nay của đồng bào Mông, đồng thời giới thiệu những giá trị văn hóa của người dân nơi đây với bạn bè gần xa. Bên cạnh đó, cây khèn cũng là món quà du lịch cho du khách lựa chọn khi lên với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn.
Lê Lâm
Ý kiến bạn đọc