Đợi anh giữa mùa Tam giác mạch
Xuân 2017 - Cao nguyên đá Đồng Văn, nét vẽ đầu tiên trong dáng hình Tổ quốc, nơi núi chồng núi, mây len vào vách núi, núi đội mây lên trời, nơi có Cột cờ Lũng Cú thiêng liêng khẳng định chủ quyền, có dòng Nho Quế trong xanh như suối tóc nàng công chúa, có đệ nhất hùng quan Mã Pì Lèng và đặc biệt, nơi có bạt ngàn hoa Tam giác mạch đang vào mùa khoe sắc. Cảnh sắc tựa chốn thần tiên ấy đã giục giã bước chân những lữ khách có tâm hồn thích “xê dịch” và chúng tôi đã lên đường, có những trải nghiệm thú vị giữa đất trời cao nguyên đầy hoa.
Vui đùa cùng tuổi thơ vùng cao. |
Thành công của Lễ hội hoa Tam giác mạch lần thứ 2, năm 2016 với trên 22 ngàn lượt du khách lên với Cao nguyên đá Đồng Văn trong những ngày diễn ra lễ hội. Và chỉ trong tháng 10, tháng mà những bông hoa bé nhỏ, phơn phớt hồng ấy bung nở, con số khách du lịch đã chạm mốc 70.000 lượt; điều này minh chứng cho sức hút diệu kỳ của loài hoa trên miền đá lạnh.
Vượt dốc Bắc sum khi mặt trời đã ló rạng, những tia nắng dịu nhẹ bắt đầu trải khắp miền cao nguyên nhưng mây trắng còn vương vít núi chẳng muốn rời đi. Những đoàn người Tây có, ta có trên những con “ngựa sắt” mà phần lớn thuê ở thành phố Hà Giang mạnh mẽ, vượt đèo. Mùa lễ hội, khách đông gấp cả trăm lần, có cả những xe ô tô to nên chúng tôi bị tắc đường nhiều giờ liền. Một số người trẻ thiếu tính kiên nhẫn, tỏ thái độ bực bội, nhưng người miền núi chúng tôi lại thấy vui, tắc đường chứng tỏ nhiều người lên với Hà Giang và rằng du lịch Hà Giang đang “được mùa”.
Nhiều bạn trẻ đợi đến mùa Tam giác mạch để chụp ảnh cưới, lưu giữ cho mình những khoảnh khắc khó quên. |
Điểm dừng chân đầu tiên trên hành trình ngắm hoa Tam giác mạch của tôi là bãi đá Thạch Sơn Thần, xã Quyết Tiến (Quản Bạ). Năm nay, để phục vụ cho lễ hội, khu vực này được gieo trồng nhiều hoa Tam giác mạch, được bố trí cả xích đu, nhà trình tường, cho thuê quần áo dân tộc để du khách được thỏa mãn đam mê khám phá và hòa mình với cuộc sống người vùng cao.
Bạn Nguyễn Minh Trang, du khách đến từ T.P Hồ Chí Minh cẩn thận chỉnh sửa lại đầu tóc, áo quần và chiếc khăn rằn quàng cổ để chụp ảnh, lưu lại cho mình những khoảnh khắc đẹp trên hành trình về xứ hoa đầy mê hoặc. Trang chia sẻ: “Đây là chuyến du lịch đầu tiên của em ở miền Bắc và em chọn Hà Giang, nơi được cư dân mạng xã hội mệnh danh là thiên đường của “Du lịch bụi, trải nghiệm và phám phá”. Đặc biệt, nơi có loài hoa Tam giác mạch nhỏ bé, dịu nhẹ, tinh khôi nhưng vươn lên mạnh mẽ giữa rừng đá tai mèo sắc nhọn, tượng trưng cho sức mạnh, ý chí kiên cường của người dân nơi cực Bắc đầy gian khó”.
Tôi khá bất ngờ với chia sẻ của Trang, bạn đã chạm được vào “trái tim” của đá khi cảm nhận và trải lòng với cuộc sống người dân trên miền đá. Sau câu chuyện với Trang, tôi lan man nghĩ về một loài “hoa của đá”, cũng thân mỏng manh, yếu mềm, tinh khiết đến vô cùng nhưng mạnh mẽ vươn trên miền đá tai mèo trầm mặc, hoang sơ. Vượt qua một dốc núi cao, trước mắt tôi là thung lũng hoa Sủng Là, không còn mỹ từ nào để miêu tả hết được vẻ đẹp của cảnh sắc nơi đây. Bầu trời trong xanh, gió lay động nhẹ đủ để đùa giỡn với lũ ong đang mải mê trên những cành Tam giác mạch. Để mãn nhãn du khách, năm nay thung lũng Sủng Là được trải một thảm hoa Tam giác mạch vô cùng ấn tượng.
Du khách thỏa sức chụp hình và trải nghiệm giữa mùa hoa Tam giác mạch. |
Những bông Tam giác mạch nhỏ ly ty biến hóa mờ ảo về mầu sắc rất đặc trưng theo thời gian từ màu trắng, chuyển dần qua phớt hồng, ánh tím và cuối cùng là đỏ sẫm để kết hạt. Không ai nhớ rõ đã có bao nhiêu mùa hoa Tam giác mạch trên Cao nguyên đá, nhưng người dân xứ đá vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện kỳ bí về Nàng tiên Gạo, tiên Ngô, sau khi đi gieo hạt khắp hạ giới, mày trấu, mày ngô được 2 nàng đổ vào khe núi. Khi mùa giáp hạt đến, hạt ngô, hạt lúa trong nhà đã cạn mà chưa đến vụ gieo trồng sau, người dân đi khắp núi rừng để tìm cái ăn, họ phát hiện trong các khe núi, một rừng hoa li ti trải dài, lá có hình tam giác, khi kết hạt đem về nấu ăn thì ngon như hạt ngô, hạt gạo. Từ đó, hoa Tam giác mạch có tên và còn được người dân trìu mến gọi là hoa nghĩa tình vì đã cứu giúp con người trong cơn khốn khó.
Trong những câu chuyện góp nhặt trên những ruộng Tam giác mạch ở Sủng Là, tôi ấn tượng và cảm động với câu chuyện tình của cô gái Vương Thị Mây. Mây kể, bạn trai Mây tên là Nam, quê ở Thái Bình, lên đây công tác, Mây là giáo viên một trường tiểu học, hai người quen nhau trong một lần tình cờ đi ngắm Tam giác mạch ở Sủng Là, rồi tìm hiểu, rồi yêu nhau đã được 3 mùa hoa. Hàng năm, vào tháng 10, khi những cánh Tam giác mạch bung nở khoe sắc, Nam lại đưa Mây lang thang trên những nương Tam giác mạch để ngắm hoa, để kể những câu chuyện tình yêu và cả những dự định cho tương lai. Mây muốn chờ anh đến mùa hoa năm nay sẽ làm đám cưới, Mây sẽ mặc áo cưới thật đẹp, chụp ảnh cưới thật đẹp giữa cánh đồng Tam giác mạch, để Tam giác mạch chứng kiến cho tình yêu của hai người.
Tôi chợt nhận ra, cô gái người Mông có dáng người nhỏ nhắn, nói chuyện rất duyên ấy cũng giống như loài hoa Tam giác mạch, nhỏ bé, yếu mềm, luôn cần một bờ vai để chở che nhưng lại mạnh mẽ vươn lên cống hiến cho đời và khát khao về một hạnh phúc vững bền.
Với diện tích trồng trên 1000ha hoa Tam giác mạch phục vụ cho lễ hội, nên dọc đường Quốc lộ lên với đỉnh trời Tổ quốc, bạt ngàn hoa Tam giác mạch khoe sắc hút tầm mắt, làm mê đắm và thỏa lòng lữ khách. Cũng chẳng thể nhớ được chúng tôi đã dừng chân bao nhiêu lần trên đường đi, bởi chỉ cần những cánh hoa tím mong manh ấy xuất hiện, nhẹ nhàng, lay động bên vệ đường là đã đủ níu chân người dừng lại.
Đêm trên Cao nguyên đá se lạnh, chúng tôi tìm đến một cửa hàng bán bánh Tam giác mạch ở thị trấn Đồng Văn. Chị bán hàng có dáng người đậm, gương mặt pha sương. Sau khi biết ý định của chúng tôi tìm hiểu về bánh Tam giác mạch, chị ân cần chia sẻ: Hầu như các cửa hàng ở thị trấn đều bán loại bánh Tam giác mạch dẻo, giòn...được chế biến, đóng gói bởi HTX Dịch vụ vận tải Bắc Nam để tiện cho du khách có thể mang đi xa làm quà. Còn loại bánh Tam giác mạch nướng trên bếp than hồng thì phải chờ đến chợ phiên hay tại những điểm du lịch. Vậy là ý định “mục sở thị” quy trình làm bánh Tam giác mạch đành gác lại cho chuyến hành trình sau. Chúng tôi ăn bánh Tam giác mạch dẻo, giòn, uống trà và nghe những câu chuyện về Tam giác mạch từ cô bán hàng thân thiện.
Với sức hút diệu kỳ từ loài hoa này, UBND tỉnh đã quyết định tổ chức Lễ hội hoa Tam giác mạch thường niên vào dịp tháng 10 với nhiều chương trình, hoạt động bên lề đặc sắc, ấn tượng, góp phần quảng bá hình ảnh về mảnh đất và con người nơi miền cực Bắc của Tổ quốc, cây Tam giác mạch trở thành cây “du lịch”, tạo ra nhiều sinh kế cho người dân trên Cao nguyên đá.
Cao nguyên đá, khi cái se lạnh chỉ đủ để cảm nhận một vòng tay ôm, khi hoa Tam giác mạch bung nở miền biên ải... Cao nguyên đá như một nàng tiên vừa thức giấc giữa đại ngàn, có thể làm “tan chảy” tâm hồn của bất kỳ du khách nào được một lần mê đắm. Cao nguyên đá! Đợi anh về giữa mùa hoa!
Ký sự : Biện Luân
Ý kiến bạn đọc