Độc đắc một hương chè!

20:57, 27/01/2017

Xuân 2017 - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang nói riêng và trên đất nước ta nói chung có không biết bao nhiêu thương hiệu chè nổi tiếng. Tỉnh Thái Nguyên với thương hiệu chè Tân Cương; thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng) với các danh trà Đỗ Hữu, Bảo Tín; tỉnh Sơn La với thương hiệu chè Mộc Châu; tỉnh Yên Bái với thương hiệu chè Suối Giàng; tỉnh Hà Giang với thương hiệu chè Shan tuyết Hà Giang... Và một khi đã trở thành thương hiệu nổi tiếng thì hiển nhiên đã có rất nhiều người trong và ngoài nước được thưởng thức những hương vị riêng có của mỗi loại thương hiệu chè. Nhưng người viết bài này có thể khẳng định, có rất ít người đã và sẽ được thưởng thức một loại chè gắn với thương hiệu chè Lũng Phìn (Hà Giang), vì trên thực tế giống chè Shan tuyết cổ thụ trên địa bàn xã Lũng Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang giờ rất hiếm.Vào đầu những năm 90 của thế kỷ trước, mỗi khi lên huyện lỵ Đồng Văn (xã Lũng Phìn bây giờ) công tác, tôi thường được thưởng thức những ấm chè ngon một cách ấn tượng đến bây giờ cũng không thể nào quên hương vị đặc trưng của nó. Ấn tượng đầu tiên của tôi về chè Lũng Phìn Hà Giang là hương thơm. Chỉ với một ấm chè khi pha trong một căn phòng rộng 2 gian vừa là phòng làm việc vừa là phòng họp của chú Nguyễn Thế Đường, Bí thư Huyện ủy Đồng Văn thời đó, nhưng hương thơm đặc trưng của ấm chè đã thơm ngát cả gian phòng. Độ đậm đặc của hương thơm chè Lũng Phìn không chỉ những người ngồi cạnh ấm trà mới ngửi thấy mà ngào ngạt kín cả 2 gian phòng, thơm như việc khi ta đưa chén chè mới rót vào sát mũi để ngửi. Vì vậy hoàn toàn có thể khẳng định chè Lũng Phìn có hương thơm đặc trưng nổi bật trong các loài chè đặc sản hiện có trên thị trường trong và ngoài nước.

Cây chè Shan tuyết Lùng Phìn được gắn biển bảo tồn. ẢNH: HOÀNG NGỌC
Cây chè Shan tuyết Lùng Phìn được gắn biển bảo tồn. ẢNH: HOÀNG NGỌC

Đặc trưng tiếp theo của chè Lũng Phìn Hà Giang là khi đã ngấm và được rót ra chén “Hoa hồng” hoặc chén “Vại” mặc dù chén to và sâu, nhưng chỉ với hơn nửa chén chè đã rót những hiện tượng lạ mắt liên tiếp xảy ra trong chén chè. Chỉ sau khi rót vài giây bong bóng dưới đáy chén bắt đầu xủi tăm, ban đầu xủi lăn tăn sau tăng dần và khi bong bóng nổi lên trên mặt nước chè vàng óng như mật thì vỡ bắn nước tung tóe lên cả miệng chén hoa hồng, đây cũng chính là điểm nhấn khiến cho hương thơm của chè Lũng Phìn lan tỏa rộng. Quá trình xủi tăm từ đáy chén chè diễn ra khoảng 30 giây thì bề mặt chén chè bắt đầu xuất hiện một lớp sương mù trắng xóa cao hơn so với mặt nước chè khoảng 0.3 cm, lớp sương mù này dần dày đặc và phủ kín mặt chén khiến người thưởng thức chè Lũng Phìn Hà Giang không nhìn thấy nước chè trong chén. Hiện tượng sương mù phủ kín bề mặt chén chè Lũng Phìn Hà Giang khoảng hơn 1 phút mới tan dần và trả lại mặt chén một màu nước chè vàng sánh như mật ong (Hiện tượng sủi tăm và phủ sương mù không chỉ xuất hiện khi pha chè Lũng phìn mà những ai đã được thưởng thức chè shan tuyết Hà Giang sao suốt “chè chốt” cũng sẽ thấy).

 Khi nhấm nháp chén chè Lũng Phìn Hà Giang nóng bỏng, có thể khẳng định không ai có thể quên dù chỉ một lần thưởng thức, từ việc cảm nhận vị chát cạnh đầu lưỡi và vị ngọt hậu nơi cuống lưỡi và những vị đặc trưng riêng có của loại chè này. Một điều đặc biệt nữa của chè Lũng Phìn là không bao giờ bị đóng cặn, chén nước chè uống buổi tối không hết, để đến sáng hôm sau đã chuyển từ màu vàng óng của mật ong sang màu trắng sữa, trắng như sữa Ông Thọ khi được pha nước. Chén uống chè chỉ cần tráng qua bằng nước sạch là đã sạch bong, đáy chén không có một chút cặn như khi chứa nước chè của các loại chè thông thường khác. Chính những vị đặc trưng riêng có là yếu tố cơ bản nhất để chè Lũng Phìn trở nên nổi tiếng, dù trên thị trường sản lượng chè  rất ít. Vì trên thực tế vào thời điểm đầu những năm 90 trên địa bàn huyện lỵ Lũng Phìn chỉ có hơn nghìn cây chè shan tuyết cổ thụ và hiện giờ còn tồn tại khoảng vài trăm cây.

Cựu chiến binh Đỗ Văn Toàn, nguyên chiến sĩ Tiểu đoàn Pháo 105, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đóng quân tại Lũng Phìn những năm 1986 – 1988 kể lại: Khoảng thời gian đó, anh là một trong những chiến sĩ được lãnh đạo Tiểu đoàn ưu ái vì có biệt tài sao “chè chốt”. Mỗi một lần có ý định sao chè, khi xin phép bao giờ anh cũng được lãnh đạo đơn vị bố trí 4 đến 5 chiến sỹ cùng đi hái. Từ trận địa pháo của đơn vị anh phải đi khoảng gần 2 tiếng thì mới đến được điểm có 7 cây chè cổ thụ mọc thẳng hàng. Chỉ cần thu hái 1 đến 2 cây là đã có ít nhất 5 ba lô chè búp tươi quy cách 1 tôm 2 lá. Hái chè xong là nhóm các anh phải về đơn vị một cách nhanh nhất để cùng nhau sao chè. Chè thường được các anh sao bằng nồi quân dụng (nồi nấu cơm cho 30 người ăn). Gọi là chè chốt hay chè sao suốt là vì từ lúc sao ban đầu đến khi hoàn thành, thì mẻ chè đó luôn ở trên bếp và được cung cấp nhiệt với các chế độ lửa, than có độ nóng khác nhau. Sau khoảng gần 4 giờ sao suốt thì mới hoàn thành một mẻ chè thành phẩm khoảng 1kg. Cứ lúc nào sao chè thì cả đơn vị thơm lừng mùi chè, cái lạ khi sao chè chốt Lũng Phìn là những người sao chè ai cũng như ai, lông tay, lông mày và tóc đều bạc trắng như tuyết vì hơi chè bay lên bám vào. Chè được sao khô trong nồi quân dụng bốc lên thả xuống vung nồi nghe tiếng kêu leng keng là được. Chè chốt của anh Toàn sao hồi đó nổi tiếng đến mức, nếu ai mà uống chè buổi tối trước khi đi ngủ, sáng hôm sau thức dậy liếm mép còn cảm nhận được vị ngọt hậu của chè...

Năm 2007, UBND tỉnh Hà Giang phối hợp với Hiệp hội Chè Việt Nam tổ chức Lễ hội Văn hóa trà Hà Giang, tôi có dịp được tháp tùng Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam Nguyễn Kim Phong, chuyên gia hàng đầu về chè thời đó, vào gian hàng giới thiệu sản phẩm chè Lũng Phìn của huyện Đồng Văn, trước khi thưởng thức chén nước chè của gian hàng, ông Phong nhón 1 ít chè cho vào miệng nhấm và lắc đầu tuyên bố, sản phẩm chè của huyện giới thiệu tại Lễ hội chỉ có khoảng 30% là chè Lũng Phìn. Tôi đồng tình với nhận định của ông và giải thích cho ông biết vì sao sản phẩm chè của huyện giờ chất lượng chỉ còn như vậy. Lý do là vào những năm đầu của thế kỷ này, huyện vì chạy theo thành tích, nên đã phát triển diện tích chè Lũng Phìn ra diện rộng bằng... mọi giá (!). Chính vì vậy, thay vì bằng biện pháp nhân giống tại chỗ, hoặc nhân rộng giống chè Shan tuyết trên địa bàn xã Lũng Phìn thì đã xuống vùng thấp của huyện Bắc Quang và Vị Xuyên mua hạt chè đồi để đem về Lũng Phìn trồng. Đây chính là nguyên nhân làm cho chất lượng chè Lũng Phìn giảm sút nghiêm trọng. Hàng ngày tôi vẫn thường xuyên uống chè Lũng Phìn ở phòng một cán bộ của cơ quan, nhưng dù là thứ chè cất công đi sưu tầm chè kiểu gì thì tôi cũng thấy nó không thơm, ngon và có được những đặc trưng như chè Lũng Phìn thời xưa tôi đã uống và đã được thưởng thức.

Được biết, năm 1991 UBND huyện Đồng Văn gom được một ít chè Lũng Phìn trong dân, mang đi giới thiệu sản phẩm trong một Hội chợ quốc tế được tổ chức tại nước Pháp. Tại Hội chợ có một ông già người Pháp, ngay sau khi uống một ngụm chè trong gian hàng của Việt Nam đã khẳng định luôn đó là chè Hà Giang. Hỏi ra mới biết trước đó ông là lính Pháp đã từng đến vùng Cao nguyên đá Đồng Văn năm 1944. Dù hơn 50 năm mới được uống lại loại chè này, nhưng ngay ngụm chè đầu tiên ông đã nhận ra đó chính là chè Lũng Phìn Hà Giang.

ĐỨC DŨNG


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Mê hoặc những cung đường

Xuân 2017 - Tôi có một phần kỷ niệm máu thịt với Hà Giang. Nhắc đến nơi này, lòng tôi tràn đầy khao khát muốn lên đường. Một mình hay đôi ba người, rong ruổi trên xe máy. Theo Quốc lộ 2, con đường song hành giao kết với sông Lô.

27/01/2017
Hội Báo Xuân Hà Giang Điểm đến yêu thích của bạn đọc và công chúng

Xuân 2017 - Đã từ nhiều năm nay, cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, cùng với nhiều hoạt động mừng Đảng, đón Xuân, chào năm mới được diễn ra trên địa bàn toàn tỉnh, thì có nội dung bạn đọc và công chúng yêu báo chí và các hoạt động Văn hóa – Truyền thông luôn mong đợi, đó chính là Hội Báo Xuân Hà Giang. Đây là một sự kiện thường niên và có ý nghĩa do Hội Nhà báo Hà Giang phối hợp cùng các ngành trong khối Văn hóa -  Thông tin - Truyền thông, các cơ quan báo chí trong tỉnh tổ chức khá thành công.

27/01/2017
Nhớ người đồng hành làm Báo Tết!

Xuân 2017 - Với những người làm báo Tết Báo Hà Giang, nhiều năm qua, trong cái rét cuối năm đầy âm thầm, nhưng năm nào cũng vậy, luôn có người đồng hành là những cán bộ, công nhân viên Công ty CP In Hà Giang. Hai cơ quan tưởng như tách biệt ấy, song lại có sự gắn bó mà có lúc tôi có cảm giác như một. 

27/01/2017
Ngày Xuân đọc thơ chúc Tết của Bác Hồ

Xuân 2017 - "Xin lắng nghe phút giao thừa đang chuyển/ Bác Hồ gọi, ấy là mùa xuân đến" (thơ Tố Hữu). Dù 48 mùa xuân đã trôi qua, trên sóng radio, đồng bào cả nước không còn được nghe Bác Hồ đọc thơ chúc Tết trong thời khắc giao thừa thiêng liêng. 

26/01/2017