Ấm lòng học sinh nghèo Yên Minh
BHG- 3 năm trở lại đây, mỗi độ Tết đến, Xuân về, hàng nghìn học sinh nghèo ở 3 cấp học: Mầm non, Tiểu học và THCS ở các xã vùng cao, núi đá của huyện Yên Minh trở nên vui tươi và ấm lòng hơn khi được các đoàn viên, thanh niên của huyện tổ chức Chương trình “Bánh trưng Tết cho em”. Dù mỗi em được tặng một chiếc bánh trưng và một túi bánh kẹo nhỏ, nhưng nó thật ý nghĩa khi những ngày Tết cổ truyền dân tộc đến gần. Đặc biệt là phần lớn các em chưa từng biết đến chiếc bánh trưng và chưa một lần được ăn món ăn này.
Các tình nguyện viên gói bánh trưng cho Chương trình “Bánh trưng Tết cho em” ở Yên Minh trong dịp Xuân Định Dậu 2017. |
Khi Xuân Đinh Dậu 2017 đang đến gần, trong chuyến công tác cuối cùng của năm, tôi may mắn được tham gia Chương trình “Bánh trưng Tết cho em”, do Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Yên Minh phối hợp với Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống của huyện, tổ chức cho các em học sinh nghèo ở 3 cấp học của xã Sủng Cháng ngày 17.1 vừa qua. Em Giàng Thị Vả, học sinh lớp 5 tươi cười nói với tôi: “Chú ơi, cháu mới ở điểm trường ra trường chính học được một năm nay, bây giờ cháu mới biết đến chiếc bánh trưng. Và biết đó là món ăn không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền. Hôm nay, cháu và các bạn được các cô chú ở Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống tặng bánh trưng, kẹo và tổ chức diễn văn nghệ nữa, cháu và các bạn rất vui”. Quay sang bên cạnh, tôi hỏi cháu Cứ Thị Say học sinh lớp 4 là đã được ăn bánh trưng bao giờ chưa? Dưng dưng nước mắt Say lắc đầu!
Theo chia sẻ của chị Lương Thị Thu Hương, Phó Bí thư Huyện đoàn Yên Minh, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống của huyện, Chương trình “Bánh trưng Tết cho em” đã được tổ chức 3 năm trở lại đây. Năm nay, chương trình vận động quyên góp được hơn 20 triệu, gói được 800 chiếc bánh trưng; mua được 120 chiếc áo khoác và nhiều bánh kẹo để tặng cho các cháu học sinh nghèo ở 3 xã: Sủng Cháng, Phú Lũng và Na Khê. Mong muốn từ món quà nhỏ này, các cháu học sinh sẽ hiểu thêm về phong tục, tập quán trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, đó là chiếc bánh trưng - món ăn không thể thiếu trong ngày Tết. Được biết, để gói và luộc chín số bánh này, lại phải xong trước ngày các cháu chuẩn bị được nghỉ Tết 1 đến 2 ngày, để đảm bảo khi trao bánh cho các cháu, các cháu có thể mang về nhà mà bánh vẫn còn dẻo và ngon; đã có gần 100 tình nguyện viên từ học sinh đến những người trung niên và các thành viên Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống huyện Yên Minh làm việc trong gần 10 ngày liên tục. Điều này càng làm tăng thêm ý nghĩa của Chương trình.
Em Hoàng Thị Bắc, một trong những tình nguyện viên tích cực thực hiện Chương trình “Bánh trưng Tết cho em” năm nay chia sẻ: Em rất vui và hạnh phúc khi thấy nụ cười của các cháu học sinh khi đón nhận những chiếc bánh trưng từ các tình nguyện viên. Mong sao các con có một cái Tết ý nghĩa...”. Còn thầy giáo Sầm Văn Thanh, Phó hiệu trưởng Trường Tiểu học của xã cho biết: Đây là một chương trình ý nghĩa, giáo dục cho các em tinh thần “tương thân tương ái”, “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta. Đặc biệt, nó cũng động viên, tạo niềm vui, hứng thú cho các em đến trường sau kỳ nghỉ Tết”.
Yên Minh là một trong 4 huyện vùng cao núi đá, có 18 xã, thị trấn. Tuy nhiên, chỉ có một số địa phương vùng thấp, núi đất là trồng được lúa nước, còn lại phần lớn các địa phương không trồng được lúa. Ngoài ra, Yên Minh cũng là địa phương có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống, dân tộc thiểu số này thường sống trên núi cao và sử dụng ngô là món ăn chính, cho nên con em họ dường như ít được biết đến những chiếc bánh trưng và phong tục tập quán ăn bánh trưng trong ngày Tết cổ truyền dân tộc. Vì vậy, Chương trình “Bánh trưng Tết cho em”, thực sự là một chương trình ý nghĩa khi nhiều em học sinh lần đầu được nhìn thấy chiếc bánh trưng và cùng gia đình ăn bánh trong ngày Tết.
Theo đại diện Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Yên Minh cho biết, qua 3 năm tổ chức, Chương trình “Bánh trưng Tết cho em” đã trao 2.600 chiếc bánh trưng cho học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở các xã vùng cao của huyện và con em đồng bào dân tộc Mông. Hy vọng rằng, trong những năm tiếp theo, hoạt động này tiếp tục được duy trì và ngày càng nhiều học sinh nghèo, học sinh dân tộc Mông ở các địa phương ở Yên Minh biết tới chiếc bánh trưng và hiểu thêm về một số phong tục trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc