Trường THPT Lê Hồng Phong 65 năm xây dựng và phát triển
BHG - Ngày 16.11.2016, Trường THPT Lê Hồng Phong (Thành phố Hà Giang), ngôi trường nơi địa đầu Tổ quốc mang tên người chiến sỹ cộng sản kiên cường của của dân tộc, Tổng Bí thư thứ hai của Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Hồng Phong tròn 65 năm ngày thành lập (16.11.1951 - 2016). Trong suốt chặng đường xây dựng và phát triển, Trường THPT Lê Hồng Phong đã giành được những thành tích đáng tự hào, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho tỉnh, nhiều thế hệ học sinh của trường đã và đang giữ chức vụ quan trọng, đảm nhận trọng trách khác nhau và cùng chung một ý chí, khát khao được cống hiến cho sự phát triển của tỉnh nhà.
[links()]
Những chặng đường lịch sử không quên:
Tháng 12.1946, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến, nhân dân thị xã Hà Giang (nay là thành phố) thực hiện “vườn không, nhà trống”. Để đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc nơi sơ tán, các lớp học tranh tre, nứa lá được dựng lên. Năm 1950 số lớp, số học sinh tăng dần và một ngôi trường có tên “Trường cơ bản Hà Giang” ra đời. Thời kỳ này, do thực dân Pháp tăng cường bắn phá khu vực thị xã, trường phải chuyển sang học đêm trong hang đá. Hạt bưởi phơi khô làm nguồn sáng, ngâm giấy bồi đã viết trong nước vôi rồi phơi khô để làm giấy mới... là những biểu tượng cao đẹp về tinh thần bền bỉ, vươn lên, quyết tâm thi đua dạy và học của thầy và trò trong những tháng, năm không quên ấy.
Tháng 11.1951, Tỉnh ủy Hà Giang đổi tên “Trường cơ bản Hà Giang” là “Trường Lê Hồng Phong Hà Giang”. Năm học 1951 (Năm học đầu tiên) trường có 5 lớp với 6 thầy cô giáo và 60 học sinh (4 lớp cấp I, 1 lớp cấp II). Năm 1953, khóa học sinh lớp 7 đầu tiên ra trường với 14 học sinh. Từ năm học này, học sinh Hà Giang học hết cấp I, được lên học cấp II tại tỉnh, không phải về Tuyên Quang hoặc về xuôi học. Các thầy, cô giáo giảng dạy tại trường thời kỳ này là thầy Vũ Văn Tung, hiệu trưởng đầu tiên, thầy Lê Mạnh Giao, thầy Nguyễn Bản, thầy Đỗ Như Cương, thầy Trần Cao Thị, thầy Duyệt, thầy Doanh, thầy Miêu, thầy Hậu, thầy Chiểu, cô Nguyễn Tâm Hồng... Năm 1953 hiệu đoàn thanh niên (tổ chức thanh niên trong học sinh) được thành lập do ông Trần Thọ làm hiệu đoàn trưởng. Năm 1954, Chi đoàn thanh niên cứu quốc đầu tiên trong trường được thành lập đánh dấu một bước tiến mới trong công tác giáo dục thanh, thiếu niên, học sinh của nhà trường.
Sau hòa bình lập lại năm 1954, cùng với sự thay đổi của đất nước, trường Lê Hồng Phong đã phát triển, lớn mạnh không ngừng. Năm 1957, trường tách riêng 2 khối cấp I, II. Khối cấp II lấy tên là Trường cấp II Lê Hồng Phong. Địa điểm dưới chân núi Cấm. Năm 1958, trường chuyển về khu cầu Châu, nơi trường đóng hiện nay và được xây dựng mới. Năm học 1960 - 1961 trường có lớp 8 (nhô) đầu tiên và đổi tên là Trường cấp II - III Lê Hồng Phong. Đây là lớp cấp III đầu tiên của tỉnh Hà Giang. Cũng trong năm học này, 2 giáo viên đầu tiên của trường được kết nạp Đảng là thầy Lưu Đình Lã và thầy Nguyễn Văn Đức. Năm 1962 - 1963, trường có 28 học sinh đầu tiên tốt nghiệp lớp 10 (tốt nghiệp cấp III).
Năm học 1963 - 1964, trường tách làm 2. Khối cấp III lấy tên là Trường cấp III Lê Hồng Phong. Cũng trong năm học này, trường được vinh dự đón Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên về thăm.
Giai đoạn 1976 - 1989, trường vừa tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, ổn định đội ngũ, vừa làm tốt công tác lao động sản xuất và phục vụ thời chiến.
Năm 1979 chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, cuộc chiến oanh liệt của quân và dân Hà Giang cùng cả nước bảo vệ biên giới Hà Giang diễn ra ròng rã cả chục năm, từ năm 1979 đến năm 1989. Cùng với quân, dân Hà Giang, thầy trò nhà trường đã có nhiều đóng góp tích cực tham gia bảo vệ biên giới, làm hầm hào, phòng tuyến phòng ngự, tránh pháo, vót chông tre, thu gom vải vụn lau súng, viết truyền đơn...
Năm 1990 tỉnh Hà Tuyên tách làm 2 tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang. Trong bối cảnh ấy, thầy trò nhà trường vẫn khắc phục khó khăn, thi đua “Dạy tốt, học tốt” và đạt được nhiều thành tích to lớn về mọi mặt.
Năm học 1989 - 1990, theo yêu cầu cải cách giáo dục, trường đổi tên là Trường Phổ thông Trung học Lê Hồng Phong và là trường đầu tiên trong tỉnh dạy chương trình thí điểm Trung học chuyên ban. Năm học 1996 - 1997, trường vinh dự được đón Phó Thủ tướng Phan Văn Khải về thăm. Năm học 2003 - 2004 trường đổi tên là Trường THPT Lê Hồng Phong như hiện nay.
Những thành tựu đáng tự hào
Phát huy truyền thống của mái trường hơn 60 năm trưởng thành và phát triển, 5 năm gần đây (2011 - 2016), tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh trường THPT Lê Hồng Phong đã tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động giáo dục, ra sức phấn đấu thi đua “Dạy tốt - học tốt” đạt được nhiều thành tích trong công tác giáo dục, dạy chữ dạy người, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao theo các mục tiêu giáo dục của Đảng. Từ mái trường Lê Hồng Phong thân yêu đã có hơn 10 nghìn học sinh với hành trang trình độ phổ thông cơ sở, trung học phổ thông như những cánh chim tung bay khắp mọi miền đất nước, trên mọi lĩnh vực hoạt động, công tác, đóng góp tích cực vào công cuộc bảo vệ, dựng xây đất nước.
Thế hệ học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong hôm nay. |
Mang theo ước mơ và niềm tự hào từ mái trường Lê Hồng Phong, dù ở cương vị nào, làm bất cứ công việc gì, các thế hệ học trò Lê Hồng Phong đã và đang đem về cho trường những thành công mới, niềm vui mới. Nhiều học sinh tạm gác bút nghiên lên đường nhập ngũ, có em đã hy sinh máu xương để bảo vệ Tổ quốc. Nhiều người trở thành các nhà khoa học, có học hàm giáo sư, phó giáo sư, có học vị tiến sỹ, thạc sỹ, đã và đang đóng góp trí tuệ, công sức cho nền khoa học, giáo dục nước nhà. Hàng trăm người trở thành cán bộ lãnh đạo, quản lý các cơ quan của Đảng, chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Hơn nửa thế kỷ qua đi, đã có 14 lượt thầy hiệu trưởng, hàng trăm lượt thầy, cô tham gia giảng dạy tại mái trường này. Các thầy, cô đã đem hết tuổi trẻ, tâm sức của mình vì các em học sinh thân yêu.
Những đóng góp bền bỉ của thầy, trò nhà trường 65 năm qua đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận: Huân chương Lao động hạng Ba; Huân chương Lao động hạng Nhì; Biểu tượng Vàng “Vì sự nghiệp phát triển nguồn nhân lực Việt Nam”; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ... Có 7 nhà giáo của trường vinh dự được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 36 nhà giáo được tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục”. Năm học 2016 - 2017, trường đã đề nghị các cấp trình Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.
65 năm truyền thống vẻ vang là những bài học kinh nghiệm quý giá tạo nên sức bật cho mỗi bước đi của nhà trường hôm nay và ngày mai. Phấn đấu xây dựng nhà trường đạt tiêu chuẩn Trường THPT chuẩn Quốc gia vào năm 2018.
NGÔ VĂN THUẤN
Ý kiến bạn đọc