Xây dựng, bảo tồn "Công viên đá" - cho sinh kế hiện tại và tương lai
BHG- Năm 2016 là năm thứ 2 sau khi Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) - Cao nguyên đá Đồng Văn được tái đánh giá, công nhận tư cách thành viên Mạng lưới CVĐCTC. Và chỉ hơn 2 năm nữa, chúng ta sẽ tiếp tục được tái đánh giá thường kỳ lần 2. Qua đó để khẳng định nỗ lực, vai trò công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Công viên đá.
Người dân được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch, dịch vụ trên vùng Cao nguyên đá. Trong ảnh: Hoa tam giác mạch do người dân trồng phục vụ du khách tham quan, chụp ảnh. |
Xác định giá trị, tiềm năng to lớn cũng như cơ hội bảo tồn các giá trị di sản, Đảng bộ, chính tỉnh ta luôn quan tâm. Qua đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND, ngày 17.6.2015 về xây dựng và phát triển CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn, giai đoạn 2015 – 2018. Trong đó, huy động vai trò của các ngành, các cấp, địa phương đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao nhận thức cộng đồng, xây dựng CVĐCTC.
Thời gian qua chúng ta đang tập trung, phối hợp với các ngành, các cấp để hoàn thành các quy hoạch về xây dựng, bao gồm các quy hoạch xây dựng vùng CVĐCTC và quy hoạch chi tiết 4 trung tâm đô thị: Trung tâm du lịch văn hóa, lịch sử Đồng Văn; Trung tâm du lịch khoa học và thương mại Mèo Vạc; Trung tâm du lịch sinh thái Yên Minh và Trung tâm du lịch giải trí Quản Bạ để thu hút các nguồn lực đầu tư. Xây dựng Quy hoạch du lịch với Khu du lịch Quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn.
Song song với việc thực hiện các quy hoạch, công tác đầu tư các dự án đã và đang được triển khai tích cực và đồng bộ. Qua đó, việc đầu tiên có thể kể tới là việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp hệ thống giao thông QL4C, Tỉnh lộ 176 và các tuyến đường đến các điểm thăm quan, du lịch trên Cao nguyên đá. Đầu tư hệ thống nước sạch, công trình xử lí rác thải, xây dựng nhà vệ sinh công cộng tại trung tâm thị trấn và các điểm nhấn du lịch; xây dựng và cải tạo các Trung tâm thông tin khu vực trở thành tổ hợp dịch vụ hoàn chỉnh phục vụ du khách.
Một số điểm nhấn du lịch được xây dựng như hang Lùng Khúy, Quản Bạ; một số tuyến đi bộ cho du khách và các điểm tham quan nổi tiếng như Cột cờ Quốc gia Lũng Cú, Dịnh thự Nhà Vương, điểm dừng chân Mã Pì Lèng,... được quan tâm đầu tư, nâng cấp; phủ sóng wifi tại nhiều điểm tham quan trên Cao nguyên đá.
Trong công tác bảo tồn, nghiên cứu khoa học, chúng ta đã thực hiện tốt việc khoanh vùng, cắm mốc, lập bản đồ di sản; lập hồ sơ các di sản và đề nghị công nhận ở các cấp. Đồng thời, tiến hành bàn giao di sản địa chất đã được khoanh vùng, cắm mốc cho cộng đồng và chính quyền địa phương quản lí, bảo vệ. Đặc biệt các ngành, các cấp đã tích cực khảo sát, nghiên cứu nhiều hang động có tiềm năng phát triển du lịch tại 4 huyện Cao nguyên đá; phối hợp khảo sát một số di chỉ khảo cổ học trong vùng làm phong phú hơn giá trị di sản trong vùng. Nhiều lớp tập huấn về công tác bảo tồn di sản, phát triển du lịch đã được Ban quản lí CVĐCTC và ngành Văn hóa triển khai.
Thời gian qua, Ban quản lí CVĐCTC - Cao nguyên đá Đồng Văn đã tích cực xây dựng hệ thống đối tác chính thức với hàng chục công ty, cơ sở dịch vụ, đơn vị trở thành đối tác của CVĐCTC. Còn đối với lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch, đã và đang thực hiện nhiều hoạt động khai thác các di sản văn hóa, địa chất, xây dựng các sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, địa chất để thu hút du khách đến đây. Lễ hội Hoa Tam giác mạch, Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông, Hội đua cá..., đã và đang được nhiều người biết đến, tạo thêm sức hút khách du lịch. Bên cạnh đó, việc thu hút nguồn lực, xã hội hóa đầu tư xây dựng các nhà hàng, khách sạn, homestay..., đã mang đến diện mạo mới cho du lịch Cao nguyên đá.
Các hoạt động giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng được quan tâm, trở thành nhiệm vụ không chỉ riêng của Ban quản lí CVĐCTC - Cao nguyên đá Đồng Văn. Trong đó, vai trò của ngành Giáo dục mà trọng tâm là các trường học được quan tâm. Cùng với đó, vai trò của các cơ quan báo chí địa phương được phát huy với việc thường xuyên tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh cũng như công tác bảo tồn, phát huy giá trị của Cao nguyên đá.
Có thể nói, định hướng phát triển CVĐCTC Cao nguyên đá Đồng Văn sẽ không chỉ dừng lại ở việc chúng ta làm để có thể vượt qua các kỳ tái đánh giá định kỳ 4 năm/lần. Mà việc làm của chúng ta nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị di sản phục vụ cho việc phát triển KT – XH, tạo ra sinh kế cho hàng vạn đồng bào các dân tộc Cao nguyên đá nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung. Đây không chỉ là sinh kế hiện tại mà là sinh kế của tương lai.
Trong chuyến đi thực tế mới đây cùng lãnh đạo Ban quản lí CVĐCTC - Cao nguyên đá Đồng Văn, chúng tôi nhận thấy rằng, để phát triển bền vững danh hiệu có một không hai của đất nước, ngoài những định hướng, kế hoạch cụ thể của tỉnh trong từng giai đoạn, thiết nghĩ chúng ta cần thực hiện tốt việc khuyến khích những cách nghĩ, cách làm sáng tạo, huy động được trí tuệ của xã hội trong công tác xây dựng CVĐCTC; cần sớm thực hiện việc thu phí tham quan Cao nguyên đá; cần thực hiện tốt công tác quản lí đầu tư, xây dựng trên khu vực Cao nguyên đá theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 2200/UBND-KGVX, ngày 11.7.2016 về Tiến hành rà soát, đánh giá và triển khai nhiệm vụ xây dựng và phát triển CVĐC, qua đó nhấn mạnh, các sở, ngành của tỉnh và các huyện vùng CVĐC khi lập dự án đầu tư xây dựng, cấp phép đầu tư xây dựng cho các tổ chức, cá nhân triển khai các hoạt động liên quan đến điểm di tích, di sản, cảnh quan thiên nhiên đã được công nhận hoặc đã được khoanh vùng cắm mốc trên địa bàn, yêu cầu cần phải có ý kiến tư vấn bằng văn bản của Ban quản lí CVĐCTC - Cao nguyên đá Đồng Văn. Từ đó, tránh việc xây dựng một cách thiếu tầm nhìn, phá vỡ không gian vốn có của Cao nguyên đá.
Huy Ba
Ý kiến bạn đọc