Phản biện Dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển GD-ĐT của tỉnh
BHG- Ngày 28.10, Liên hiệp các Hội khoa học - kỹ thuật tỉnh tổ chức Hội nghị Tư vấn, phản biện Dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển GD-ĐT của tỉnh đến năm 2020, định hướng 2030. Tham gia phản biện có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, nhà quản lý, nhà khoa học T.Ư, địa phương.
Dự án Điều chỉnh Quy hoạch phát triển GD-ĐT đến năm 2020, định hướng 2030 do Sở GD-ĐT tỉnh làm chủ đầu tư và Trung tâm Phân tích và dự báo nhu cầu đào tạo nhân lực (Viện khoa học giáo dục Việt Nam) tư vấn. Quá trình xây dựng dự án, chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn đã sử dụng các phương pháp như hồi cứu tài liệu, điều tra, khảo sát thực địa, phân tích số liệu thống kê, lấy ý kiến chuyên gia, đánh giá kết quả thực hiện quy hoạch phát triển GD-ĐT tỉnh giai đoạn 2011-2015; các điều kiện cơ bản đảm bảo phát triển GD-ĐT của tỉnh; phân tích bối cảnh phát triển GD-ĐT tỉnh giai đoạn 2016-2020, định hướng phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030… Từ đó chỉ ra thời cơ, thách thức đối với GD-ĐT của tỉnh. Dự án cũng chỉ ra quan điểm phát triển, mục tiêu cụ thể, nội dung điều chỉnh, các tiêu chí điều chỉnh và đưa ra các giải pháp thực hiện.
Tham gia phản biện, đa số các ý kiến khẳng định: Dự án đã nghiên cứu các căn cứ để điều chỉnh một cách khá toàn diện, đặt ra mục tiêu cho từng giai đoạn, kế thừa những bài học kinh nghiệm, tương đối phù hợp với điều kiện thực tiễn. Tuy nhiên, một số nội dung cần được chỉnh sửa, bổ sung như Quy hoạch phát triển GD-ĐT thuộc quy mô cấp tỉnh, vì vậy phải điều chỉnh tên gọi cho phù hợp, phải đánh giá được mức độ hoàn thành từng cấp học, bậc học. Mặt khác, dự án chưa thể hiện rõ tính định hướng, nhất là dự báo những yếu tố tác động đến phát triển GD-ĐT trong thời gian từ nay đến năm 2030, chưa nêu được đến năm 2030 giáo dục của tỉnh sẽ vươn lên trình độ nào…
Trên cơ sở ý kiến của các nhà khoa học, nhà quản lý, Hội đồng phản biện cho rằng, dự án còn hạn chế do phương pháp trình bày chủ yếu dùng lời văn để phân tích, đánh giá các chỉ tiêu thực hiện quy hoạch, không sử dụng công cụ kỹ thuật thống kê dẫn đến báo cáo dài, thiếu trọng tâm; số liệu trong các bảng biểu thiếu logic, giải pháp thực hiện quy hoạch, chương trình hành động còn chung chung, dàn trải, thiếu tính đột phá, không mang tính đặc thù… Do đó, báo cáo cần phải tiếp tục được chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện về cấu trúc, bố cục, nội dung, hình thức, đảm bảo tính khả thi trước khi trình Tỉnh ủy, HĐND - UBND tỉnh xem xét, phê duyệt.
Tiến Chiến
Ý kiến bạn đọc