"Nóng" dần... mùa Lễ hội
BHG- Mùa Thu, khi những cơn gió heo may bắt đầu thổi cũng là lúc mọi người hướng về địa đầu Tổ quốc, nơi có một loài hoa nhỏ nhắn, kiên cường mang hương vị của đất và người Hà Giang. Điều này có thể thấy rất rõ, bằng việc trên những cung đường vùng cao giờ không còn heo hút, mà thay vào đó là màu áo xanh, áo đỏ của từng đoàn, từng đoàn phượt nối đuôi nhau chinh phục các cung đường và khám phá vẻ đẹp của Hà Giang.
Chỉ còn vài ngày nữa, Lễ hội Hoa Tam giác mạch sẽ diễn ra. Nhưng khi những bông hoa bắt đầu nhú nở đã không ngừng đón các du khách đầu tiên đến và chiêm ngưỡng. Theo ghi nhận của phóng viên, từ ngày 30.9.2016 – 3.10.2016 tại điểm dừng chân Quản Bạ đã có khoảng gần 3.000 du khách trong và ngoài nước ghé thăm, còn tại điểm Thạch Sơn Thần ngày cao điểm người dân cũng thu được hơn 3 triệu đồng tiền du khách đến và chụp ảnh với hoa. Hà Giang cùng với những nét đẹp nguyên sơ, hùng vĩ và những điểm đến hấp dẫn như: Cao nguyên đá, Cột cờ Lũng Cú, đỉnh Mã Pì Lèng, Núi Đôi,... những địa danh giờ không còn xa lạ với du khách, hòa quyện với đó, những bông hoa Tam giác mạch đã tô sắc thêm cho vùng đất địa đầu Tổ quốc. Vì vậy, vừa chớm tháng 10, các dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã sục sôi, náo nhiệt.
Khách du lịch thích thú chụp ảnh với cậu bé người Mông bên cánh đồng hoa Tam giác mạch, tại thung lũng Sủng Là (Đồng Văn) |
Cùng với sự phát triển du lịch tỉnh nhà, trên địa bàn thành phố và các huyện Cao nguyên đá đã có rất nhiều dịch vụ du lịch mới được hình thành như: Thuê xe phượt, nhà nghỉ home stay, nhà hàng, khách sạn... Ngoài ra dịch vụ ăn uống cũng khá sôi động, đặc biệt nhiều sản vật của tỉnh được các du khách tìm mua như: Bánh tam giác mạch; các cây thuốc của vùng núi (tam thất, nấm ngọc cẩu, óc chó...); các sản phẩm dệt lanh của đồng bào; mật ong Bạc hà... Tất cả như một món quà, một vật kỉ niệm của nhiều du khách và đây cũng là một phương thức quảng bá cho các sản vật của mảnh đất núi đá với bạn bè trong nước và thế giới.
Để giảm tình trạng quá tải của mùa Lễ hội đầu tiên, năm nay, trên địa bàn huyện Quản Bạ đã có nhiều nhà nghỉ, khách sạn được xây mới; nhiều cửa hàng ăn được mở rộng. Theo chị Nguyễn Thị Lợi, chủ quán cơm ở thị trấn Tam Sơn (Quản Bạ), cho biết: “Nhằm khắc phục tình trạng cơm không đủ phục vụ cho du khách như năm ngoái, năm nay, nhà chị đã mở rộng thêm 550m2, tương đương với 140 bàn ăn và thuê thêm một đội ngũ phục vụ; hứa hẹn sẽ làm hài lòng du khách...”. Bên cạnh đó, hiện nay trên địa bàn huyện tất cả các phòng của nhà nghỉ, khách sạn đều đã được đặt kín.
Lễ hội ngày một đến gần, để đảm bảo cho một mùa Lễ hội an toàn và thành công, huyện Quản Bạ đã thành lập các đội kiểm tra như: Đội kiểm tra liên ngành 84, kiểm tra các nhà hàng, khách sạn dọc quốc lộ 4C; Ban kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên xuống kiểm tra các cơ sở sản xuất thức ăn; lực lượng Công an trên địa bàn huyện những ngày này đã rất nỗ lực nhằm đảm bảo an ninh - trật tự và an toàn giao thông...
Không khí Lễ hội đang nóng dần, vào dịp cuối tuần từ sáng sớm đã thấy những đoàn khách nối đuôi nhau xếp hàng chụp ảnh tại km0 thành phố Hà Giang, trong các quán ăn sáng lượng khách đông nghịt. Với hành trình dài và những cung đường “cua tay áo” khó đi, thành phố như một điểm tiếp năng lượng cho các du khách trên con đường chinh phục vùng cao Hà Giang. Không khí sôi động của các dịch vụ du lịch những ngày này như báo hiệu cho một mùa Lễ hội náo nhiệt sắp diễn ra.
Những đoàn du khách đến mang theo một âm hưởng sôi động, làm khuấy động một vùng Cao nguyên vốn yên ắng và heo hút. Những cánh hoa đã theo du khách mang những câu chuyện của đất và người nơi đây để bạn bè thấu hiểu và biết về cuộc sống của đồng bào rẻo cao quanh năm sống dựa vào đá... Mong rằng ngành “Công nghiệp không khói” của Hà Giang sẽ ngày càng phát triển, để mang đến một cuộc sống mới, một diện mạo mới cho mảnh đất nơi xa xôi cực Bắc của Tổ quốc.
HOÀNG YẾN
Ý kiến bạn đọc