Tạo động lực cho văn nghệ sỹ sáng tạo
BHG- Giải thưởng Văn học Nghệ thuật (VHNT) Tây Côn Lĩnh tỉnh Hà Giang là giải thưởng danh giá, quy tụ các anh chị em văn nghệ sĩ có các tác phẩm mang đậm bản sắc dân tộc, phản ánh phong phú về cuộc sống, quê hương con người Hà Giang. Giải thưởng còn là nguồn động viên đội ngũ văn nghệ sỹ hăng say sáng tạo VHNT.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đức Quý trao giải A cho các tác giả đoạt giải tại Lễ công bố và trao Chứng nhận giải thưởng VHNT Tây Côn Lĩnh, giai đoạn 2010 - 2015. |
Giải thưởng VHNT Tây Côn Lĩnh được xét tặng 5 năm một lần nhằm khích lệ, động viên tinh thần sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ của anh chị em văn nghệ sỹ. Giải thưởng thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền tỉnh Hà Giang đối với sự phát triển của VHNT trong tỉnh và sự chăm lo xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng tâm hồn, nhân cách con người mới cho nhân dân các dân tộc. Tham gia giải lần này có 51 tác phẩm, chùm tác phẩm thuộc 9 chuyên ngành: Văn xuôi, thơ, văn học thiếu nhi, văn học dân gian, nhiếp ảnh, mỹ thuật, múa - biểu diễn, sân khấu điện ảnh và âm nhạc. Hội đồng sơ khảo đã đánh giá và lựa chọn 41 tác phẩm, chùm tác phẩm lọt vào vòng chung khảo; trong đó có 11 giải A, 16 giải B và 14 giải C được vinh danh. Tiêu biểu như các tác giả: Nguyễn Quang, đoạt giải A với tác phẩm “Vẫn chỉ là người lính”, chuyên ngành văn xuôi; tác giả Trần Nguyên Thế, đoạt giải A, chùm tranh: “Thiếu Nữ”, “No đủ”, “Cuộc sống đổi thay”, chuyên ngành mỹ thuật; tác giả Nguyễn Trần Bé, đoạt giải A, tác phẩm “Bí mật trong cặp sách”, chuyên ngành Văn học thiếu nhi...
Trao đổi với phóng viên, đồng chí Trần Đức Quý, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban tổ chức giải cho biết: “Giải thưởng VHNT Tây Côn Lĩnh tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2010-2015 đã được thực hiện rất nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học, khách quan và hết sức trách nhiệm. Tác phẩm dự thi lần này đều đáp ứng nhu cầu thưởng thức VHNT của công chúng; đặc biệt, đã có tác động lớn trong xã hội, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh Hà Giang”.
Để có được một cuốn sách, một công trình văn học dân gian, văn hóa dân gian được xuất bản và tham dự giải, các tác giả đã mất rất nhiều công sức. Việc đi điền dã để sưu tầm nghiên cứu đều xuất phát từ tâm nguyện bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc Hà Giang nên các tác giả vừa tham gia công tác xã hội, vừa lao động sản xuất nhưng cũng vừa phải bố trí thời gian hợp lý cho công việc đi sưu tầm, nghiên cứu. Việc nghiên cứu, biên soạn, biên dịch văn học dân gian và văn hóa dân gian, yêu cầu các tác giả phải có vốn văn hóa thật sâu sắc, đặc biệt là vốn văn hóa, phong tục tập quán, vốn ngôn ngữ cổ của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Nhà văn Nguyễn Quang, tổ 8, phường Ngọc Hà (TPHG) chia sẻ: Tôi thật sự xúc động khi là một trong số các tác giả đoạt giải A giai đoạn này. Với tác phẩm tiểu thuyết “Vẫn chỉ là người lính” viết về một hình mẫu người lính mà chính bản thân tôi cũng đã từng trải qua. Từ hình mẫu đó tôi muốn toát lên hình ảnh về người lính khi trở lại đời thường, khi trở lại mảnh đất biên cương của Tổ quốc họ đã làm gì để xứng đáng là “Anh bộ đội cụ Hồ”. Nói về những mong muốn của một người nghệ sỹ, việc được đi, được cảm nhận để làm nên một tác phẩm có dấu ấn, ngoài niềm đam mê của người cầm bút chúng tôi rất cần sự quan tâm, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với những người làm nghệ thuật”.
Nhà văn, Nhà báo, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ Hà Giang, ông Đặng Quang Vượng, nhận xét: “Giải thưởng lần này có nhiều đổi mới, ưu điểm và tích cực hơn. Về số lượng tác phẩm gửi đến dự thi giai đoạn này so với những giai đoạn trước đã tăng hơn, nhiều hơn và đa dạng về các thể loại; chất lượng của các tác phẩm cũng cao hơn. Các tác giả đã chú trọng đầu tư, chọn lọc tác phẩm dự thi có chất lượng về mặt nội dung, hình thức ở hầu hết các lĩnh vực đều được tác giả đầu tư in ấn rất đẹp và trang nhã hơn. Trước đây các tác giả chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố nhưng hiện nay, số lượng tác giả ở các huyện cũng tăng lên, tôi cho đó là sự trưởng thành, phát triển VHNT của tỉnh nhà đã được vươn xa”.
Nối tiếp mùa giải, Hội VHNT tỉnh đã phát động các văn nghệ sỹ sáng tác dài hơi trong vòng 5 năm tới. Sau khi tổ chức xong Hội thảo nâng cao chất lượng giải thưởng VHNT Tây Côn Lĩnh, giai đoạn 2016-2020, Ban tổ chức giải sẽ định hướng chủ đề sáng tác dài hạn 5 năm và phát động tới các tác giả, đó là “Phát huy truyền thống lịch sử, văn hóa mảnh đất con người Hà Giang”. Với chủ đề này, hy vọng sẽ có những tác phẩm văn học mới, xứng đáng với lòng mong đợi của đông đảo công chúng, góp phần xây dựng tỉnh Hà Giang ngày càng phát triển.
VĂN QUÂN
Ý kiến bạn đọc