Ngành Giáo dục - Đào tạo: Nhiều thách thức trên con đường hội nhập
BHG- Hội nhập quốc tế là một trong những nội dung quan trọng trong Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, nền giáo dục Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực. Cùng với sự phát triển chung của giáo dục cả nước, ngành giáo dục Hà Giang đang có nhiều cơ hội lớn để nâng cao chất lượng; tuy nhiên, những khó khăn về kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ giáo viên, học sinh, tỷ lệ huy động trẻ đến trường ở các địa bàn khó khăn chưa cao,... đang đặt ra cho giáo dục tỉnh nhà nhiều thách thức trên con đường hội nhập.
Học sinh TP Hà Giang trong “Ngày hội đọc sách năm 2016”. Ảnh: Yến Vũ |
Những năm qua, được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp, các ngành, giáo dục Hà Giang đã có bước phát triển quan trọng, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo; chính sách của Trung ương và của tỉnh đối với học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng có điều kiện KT - XH đặc biệt khó khăn, học sinh nghèo,... đã có tác dụng lớn trong việc huy động, duy trì sĩ số học sinh; tập thể cán bộ, công chức, viên chức ngành giáo dục cơ bản đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; chú trọng các hoạt động giáo dục hướng tới phát triển năng lực học sinh, các em được bồi dưỡng về phương pháp tự học, khả năng hợp tác, kĩ năng vận dụng kiến thức vào thực tiễn; tỷ lệ học sinh khá, giỏi ngày càng tăng. Tỉnh đã hoàn thành kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 2013 – 2015 với 142 trường đạt chuẩn.
Đặc biệt, để đáp ứng nhu cầu đổi mới thời hội nhập, việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy và chú trọng đào tạo môn ngoại ngữ được các trường học quan tâm. Năm học 2015 - 2016, có 120 đơn vị trường học được thiết lập trang web; 628/654 trường sử dụng phần mềm vnEdu trong quản lý, giảng dạy và học tập đạt tỉ lệ 96%; có 422 đơn vị trường học sử dụng sổ sách điện tử thay hình thức giấy, đạt tỉ lệ 64,5%; 100% lãnh đạo phòng GD&ĐT các huyện/thành phố, lãnh đạo các trường, các trung tâm, các phòng chức năng Sở và cán bộ Văn phòng Sở được cấp email nội bộ; 5.752 giáo viên, 27.124 học sinh và 100% trường THCS, THPT, TTGDTX trên địa bàn toàn tỉnh được cấp tài khoản mạng để tổ chức trao đổi chuyên môn trên mạng; có 5.666 bài học được trao đổi trên môi trường mạng. Học sinh được tham gia các kỳ thi học sinh giỏi qua mạng Internet.
Cô Đặng Thị Thùy Linh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Yên Biên (TP Hà Giang), một trong những ngôi trường đi đầu trong việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy và chú trọng phát triển môn học ngoại ngữ chia sẻ: “Hiện tại, nhà trường đã trang bị đầy đủ cơ sở vật chất về phòng máy, tai nghe, màn hình, máy chiếu,... đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh đối với các môn ngoại ngữ và CNTT; đội ngũ giáo viên tiếng anh đạt chuẩn, nhiều hoạt động ngoài giờ và hoạt động của CLB tiếng anh mang lại hiệu quả, giúp các em nâng cao trình độ; nhiều em có thể tự tin giao tiếp với người nước ngoài; tỷ lệ các em học sinh đạt học sinh giỏi kỳ thi tiếng anh các cấp đạt cao; nhà trường hiện đang chuẩn bị cho chương trình giảng dạy các môn văn hóa cơ bản bằng tiếng Anh”.
Thành tích là điều thấy rõ, chất lượng giáo dục có chuyển biến tích cực, tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực trong giai đoạn hội nhập và phát triển hiện nay, giáo dục Hà Giang vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém: Tỷ lệ học sinh xếp loại học lực yếu, kém còn khá cao (ở cấp THCS: học lực yếu 4,5%, kém 0,7%, cấp THPT: học lực yếu 11,3%, kém 0,4%); Việc giáo dục đạo đức lối sống, kỹ năng sống sống cho học sinh chưa đồng đều, hiệu quả; năng lực quản lý, chỉ đạo, điều hành của một số cán bộ quản lý còn bộc lộ nhiều hạn chế; nhiều sáng kiến kinh nghiệm không đảm bảo chất lượng; các trường học chưa quyết liệt trong đổi mới phương pháp dạy và học. Việc ứng dụng CNTT và chú trọng đào tạo ngoại ngữ chỉ được một số ít trường học quan tâm, thực hiện. Đặc biệt chất lượng giáo dục ở các địa phương vùng sâu, vùng xa còn hạn chế, tình trạng học sinh bỏ học, đi học không chuyên cần, chưa đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng chưa được khắc phục kịp thời. Việc tiếp cận các phương pháp học tập tiên tến và trang thiết bị hiện đại hạn chế, cơ hội giao lưu, trao đổi và học tập ở nước ngoài gần như không có; Cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác giáo dục đào tạo còn thiếu.
Những khó khăn này ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục và đang đặt ra áp lực cho ngành về đào tạo nguồn nhân lực có trình độ, chuyên môn, ngọai ngữ, CNTT đáp ứng nhu cầu nguồn lao động trong và ngoài nước. Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, các em học sinh đạt trình độ tiên tiến trong khu vực quả là một chặng đường đầy khó khăn, thách thức đòi hỏi sự vào cuộc chung tay của các cấp, các ngành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ngành giáo dục phát triển toàn diện, đáp ứng nhu cầu hội nhập quóc tế.
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc