Mèo Vạc - mùa hoa Tam giác mạch đang vẫy gọi
BHG - Chẳng biết từ bao giờ, loài hoa nhỏ bé Tam giác mạch đã gắn bó với cuộc sống người dân miền Cao nguyên đá Mèo Vạc. Loài hoa ấy mộc mạc, giản dị nhưng rất đỗi kiên cường như chính những người dân nơi đây. Để chuẩn bị cho Lễ hội Hoa Tam giác mạch lần thứ hai, Mèo Vạc đang tiến hành trồng hoa tại các điểm nhấn du lịch (DL) và dọc theo một số tuyến đường, sẵn sàng chào đón du khách đến với miền sơn cước ngập tràn sắc hoa.
Nhân dân xã Pả Vi làm đất trồng hoa Tam giác mạch phục vụ du khách. Ảnh: KIM TIẾN |
Lâu nay, Tam giác mạch là cây trồng truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Mèo Vạc. Loài hoa trước đây chỉ để phục vụ người dân làm bánh, nấu rượu thì đến nay, hoa Tam giác mạch đã trở thành sản phẩm DL nổi tiếng của miền Cao nguyên đá xám. Từ lợi thế đó, Mèo Vạc xác định đưa cây Tam giác mạch trở thành cây trồng chính trong vụ Đông, tạo đà thúc đẩy ngành “công nghiệp không khói” của địa phương. Đồng thời, tận dụng nguồn lao động trong lúc nông nhàn, nâng cao hiệu số sử dụng đất và tăng thêm thu nhập cho bà con. Để tạo ấn tượng đối với du khách khi đặt chân tới địa phương, huyện Mèo Vạc đã có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ với các ngành, đoàn thể trong công tác chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Bên cạnh đó, để thuận lợi trong quá trình triển khai; các xã, thị trấn đã chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể và tuyên truyền phổ biến cho nhân dân về hiệu quả của việc trồng cây Tam giác mạch phục vụ DL.
Đồng chí Mua Hồng Sinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc cho biết: “Trước đây, các hộ trồng hoa Tam giác mạch manh mún trên các thửa đất của gia đình nên không tạo được cảnh quan đẹp. Với mục tiêu xây dựng Mèo Vạc trở thành một trong những vùng trọng điểm hoa Tam giác mạch để thu hút khách DL, huyện đã lựa chọn các hộ có đủ điều kiện đầu tư đất đai, phân bón và công chăm sóc; có diện tích đất tập trung, dọc đường Quốc lộ, đường liên xã; có đủ lao động và cam kết thực hiện đúng các yêu cầu kỹ thuật đối với cây Tam giác mạch theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật và hợp đồng ký kết với các hộ nhiệt tình tham gia”. Theo đó, hoa Tam giác mạch được trồng dọc theo các xã: Tả Lủng, Sủng Trà, Sủng Máng, thị trấn Mèo Vạc, Pả Vi, Pải Lủng và Giàng Chu Phìn. Để khuyến khích người dân, huyện có cơ chế hỗ trợ 100% giống cho các xã tổ chức thực hiện (định mức 70 kg/ha). Sau khi kết thúc mùa vụ, huyện thu mua toàn bộ sản phẩm hạt để làm giống cho năm sau.
Để tạo ra những cánh đồng hoa Tam giác mạch mang dấu ấn riêng với nhiều hình ảnh đặc sắc, trong quá trình triển khai trồng hoa Tam giác mạch, huyện Mèo Vạc đã tiến hành thiết kế tạo ra nhiều hình thù khác nhau; chủ động mua các loại hạt giống hoa có màu hồng, trắng và xanh; tính toán thời gian theo đúng kỹ thuật và khung thời vụ, nhằm đảm bảo cho hoa nở rộ đúng thời điểm diễn ra Lễ hội. Đến nay, các xã, thị trấn được quy hoạch đã phân công các thành viên phụ trách các nhóm hộ và tổ chức cho nhân dân trồng theo đúng tiến độ. Ngoài việc giao cho các hộ thực hiện, đối với diện tích đất quản lý chung, các xã đã giao cho tập thể thôn, đoàn thể huy động lực lượng tổ chức trồng tập trung. Có dịp đến với xã Pả Vi mùa này, những thửa đất để trống ngày nào đã xanh màu cây hoa Tam giác mạch. Đồng chí Cao Duy Chương, Bí thư Đảng ủy xã Pả Vi phấn khởi cho biết: “Năm trước, sau khi trồng hoa Tam giác mạch nhận thấy hiệu quả về phát triển DL nên năm nay người dân nhiệt tình hưởng ứng và mở rộng diện tích trồng. Do thời tiết thuận lợi nên cây Tam giác mạch phát triển nhanh, hứa hẹn sẽ có một rừng hoa thực sự ấn tượng”.
Chỉ còn chưa đầy một tháng, hoa Tam giác mạch sẽ ngập tràn miền đá Mèo Vạc. Cái lạnh của miền Cao nguyên đá sẽ được xua tan bởi vẻ đẹp lung linh của loài hoa nhỏ bé. Sẽ thật tiếc nuối nếu như du khách không dừng chân ở nơi đây để giữ cho mình những khoảnh khắc đẹp bên rừng hoa rực rỡ sắc màu.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc