Giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên Địa chất từ các trường học

07:08, 29/09/2016

BHG- Với nhiều dân tộc anh em cùng chung sống, đời sống KT – XH còn rất nhiều khó khăn, mặt bằng dân trí không đồng đều, là những khó khăn có thể thấy rõ trong quá trình tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐCTC – CNĐĐV) trên chính vùng Công viên.

Trường PT Dân tộc nội trú huyện Mèo Vạc, nơi thường xuyên quan tâm lồng ghép, giáo dục nâng cao nhận thức về CNĐĐV cho học sinh  trong nhiều môn học và giờ ngoại khóa. Trong ảnh: Một giờ học của cô, trò Trường Nội trú Mèo Vạc.
Trường PT Dân tộc nội trú huyện Mèo Vạc, nơi thường xuyên quan tâm lồng ghép, giáo dục nâng cao nhận thức về CNĐĐV cho học sinh trong nhiều môn học và giờ ngoại khóa. Trong ảnh: Một giờ học của cô, trò Trường Nội trú Mèo Vạc.

Trong chuyến công tác mới đây tại CVĐCTC – CNĐĐV, cùng với việc chỉ ra những khó khăn không nhỏ trong quá trình tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng về việc bảo tồn, phát huy các giá trị của CNĐĐV, Phó trưởng BQL CVĐCTC – CNĐĐV, Nguyễn Thanh Giang nhấn mạnh, dù khó nhưng BQL luôn xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt. Năm 2011, BQL được thành lập và kể từ đó cho đến nay, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng luôn được quan tâm đặc biệt. Từ năm 2013, qua thực tiễn công tác tuyên truyền cho thấy, cùng với việc các ngành, các cấp, các địa phương phải chung tay cho công tác tuyên truyền thì việc tập trung vào ngành giáo dục với các trường học là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng. Đây chính là cánh cửa có thể chuyển tải thông tin nhanh, hiệu quả nhất đối với khu vực còn khó khăn như CVĐCTC – CNĐĐV.

Từ thực tiễn cho thấy, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước hệ thống các trường học trong tỉnh nói chung và vùng CNĐĐV nói riêng được phát triển mạnh. Tỷ lệ học sinh được huy động đến trường luôn được đảm bảo và trở thành nguồn nhân lực đặc biệt quan trọng cho sự phát triển của tương lai của những vùng khó khăn như CNĐĐV. Cũng chính vì thế, học sinh được coi là “cánh cửa” quan trọng trong việc chuyển tải tri thức, thông tin bên ngoài xã hội một cách nhanh nhất về với các gia đình mình.

Tại trường PT Dân tộc Nội trú huyện Mèo Vạc cho thấy, sau khi CNĐĐV được công nhận là CVĐTC, trường đã tích cực thực hiện công tác tuyên truyền cho học sinh nâng cao nhận thức về giá trị di sản cũng như việc phải bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản và nhận được sự hưởng ứng tích cực từ chính các em học sinh. Cô Dương Thị Ngọc Lan, Hiệu trưởng Trường PT Dân tộc Nội trú huyện cho biết, để góp phần vào công tác tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐCTC – CNĐĐV, trường đã nghiên cứu, lồng ghép và tích hợp kiến thức về CNĐĐV trong các môn học như lịch sử, văn học, giáo dục công dân, địa lý. Cùng với đó, trong các hoạt động ngoài giờ, trường tuyên truyền thông qua việc tổ chức thi “nét đẹp các dân tộc”, trong đó có việc lồng ghép tìm hiểu về CNĐĐV với nhiều câu hỏi về địa danh, lịch sử, văn hóa... Qua lồng ghép tuyên truyền đó, chuyển tải rất rõ ràng thông điệp về niềm tự hào và trách nhiệm bảo vệ CVĐCTC. Và chính các em học sinh trở thành “cửa ngõ” để chuyển tải thông điệp ấy về các gia đình mình.

Trao đổi với chúng tôi, chị Lý Trung Kiên, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Đồng Văn, khẳng định: Chính học sinh mới là đối tượng dễ tiếp nhận nhất những kiến thức, thông tin về CVĐCTC – CNĐĐV. Xác định được điều đó, những năm qua huyện đã quan tâm xây dựng chương trình giáo dục, nâng cao nhận thức cộng đồng, tập trung vào các trường học, thông qua các hình thức như: Tổ chức thi dân ca dân vũ; thi kể chuyện; thi viết chữ đẹp; thi vẽ tranh với các chủ điểm về CNĐĐV. Huyện rất quan tâm, tạo điều kiện cho học sinh đạt giải cao trong các cuộc thi trên được đi tham quan các huyện CNĐĐV. Hiện tại, trọng tâm tuyên truyền nâng cao nhận thức tập trung vào các trường học vẫn đang được xác định. Huyện đang bàn để triển khai cuộc thi cho các em học sinh với chủ đề “Hướng dẫn viên du lịch nhí về CVĐCTC – CNĐĐV”.

CVĐCTC – CNĐĐV là một di sản và niềm tự hào của không chỉ riêng đối với Hà Giang. Đây là một cơ hội phát triển, nhưng đồng thời cũng là một thách thức đối với Hà Giang trong quá trình bảo tồn, xây dựng và phát huy các giá trị di sản. Vì thế, những năm qua Đảng bộ, chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm đến việc quảng bá, kêu gọi và xúc tiến đầu tư cho vùng CNĐĐV với mong muốn dần đưa miền đá trở thành một khu du lịch Quốc gia. Phó trưởng BQL, Nguyễn Thanh Giang, cho biết: Việc triển khai các đề tài nghiên cứu khoa học để xây dựng, phát triển CVĐCTC – CNĐĐV là một trong những sự quan tâm, tạo điều kiện của tỉnh. Một trong những đề tài nghiên cứu được triển khai là “Nâng cao nhận thức về giá trị di sản CVĐCTC – CNĐ ĐV cho học sinh các trường THCS trên địa bàn tỉnh Hà Giang”. Đề tài có sự phối hợp thực hiện giữa Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh và BQL, được thực hiện thành công thời gian qua với việc tập trung vào “cánh cửa” thông tin là các em học sinh, những chủ nhân tương lai của CNĐĐV.

Trong công tác phối hợp công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐCTC – CNĐĐV, giai đoạn 2015 – 2018 mà Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và BQL CVĐCTC – CNĐĐV chủ trì cùng sự tham gia của các ngành, các đoàn thể, bên cạnh vai trò của các cấp, ngành, địa phương thì vai trò của ngành Giáo dục, lực lượng thanh niên được đánh giá rất cao. Đây chính là những “cánh cửa” chuyển tải thông tin nhanh, hiệu quả, đồng thời cũng là cách để chúng ta bảo tồn, phát triển CNĐĐV một cách bền vững.

Huy Ba


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Chiêu Lầu Thi - ngọn núi tiềm năng du lịch sinh thái và trồng cây dược liệu quý hiếm

BHG - Chiêu Lầu Thi là đỉnh của một núi cao thuộc dãy Tây Côn Lĩnh. Nơi đây có độ cao trên 2.400m so với mực nước biển. Đỉnh Chiêu Lầu Thi có thể coi là "nóc nhà" của Việt Nam, chỉ đứng sau đỉnh Panxipang.

28/09/2016
Thành phố Hà Giang tọa đàm kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Khuyến học Việt Nam

BHG- Sáng 28.9, UBND thành phố Hà Giang tổ chức tọa đàm kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội Khuyến học (KH) Việt Nam (2.10.1996 - 2.10.2016) và phát động "tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời" năm 2016. Dự tọa đàm có lãnh đạo Hội KH tỉnh, lãnh đạo thành phố Hà Giang, đại diện một số doanh nghiệp, nhà hảo tâm trên địa bàn thành phố cùng lãnh đạo các trường học trên địa bàn thành phố. 

28/09/2016
Tiếng khèn – ngôn ngữ giao tiếp độc đáo của người Mông

BHG- Tôi gọi tiếng khèn là ngôn ngữ giao tiếp độc đáo của người Mông bởi nó không chỉ là phương tiện để giao tiếp giữa con người với thế giới tâm linh trong  đám ma, đám giỗ mà còn là tâm sự của chàng trai Mông gửi đến bạn tình, là tiếng lòng gọi bạn thiết tha, là khúc nhạc vui trong ngày hội hay những giây phút nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc...

28/09/2016
Tỉnh ta được vinh danh hai Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia

BHG- Ngày 16.9, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch ra Quyết định số: 3247/QĐ-BVHTTDL công nhận 7 Di sản phi vật thể được đưa vào danh mục di sản cấp Quốc gia, thuộc 3 loại hình: Lễ hội truyền thống; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghệ thuật trình diễn dân gian.

28/09/2016