"Đòn bẩy" để thực hiện hiệu quả Kế hoạch 200 của UBND tỉnh
BHG - Phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước; tuy nhiên, đối với một tỉnh miền núi, biên giới như Hà Giang thì phong trào này còn khá mới mẻ. Tháng 11.2014, UBND tỉnh đã xây dựng Kế hoạch số 200 để thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh. Sau 2 năm triển khai, việc thực hiện Kế hoạch 200 đã đem lại những kết quả bước đầu đáng ghi nhận; tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình thực hiện.
Những năm qua, Hội Khuyến học (HKH) các cấp đã không ngừng củng cố, xây dựng, phát triển Hội; từng bước nâng cao chất lượng hoạt động và khẳng định vị thế trong xã hội. Các cấp Hội luôn xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm của mình để góp phần vào sự chấn hưng, phát triển sự nghiệp GD&ĐT; xây dựng xã hội học tập (XHHT) của tỉnh. Đến nay, toàn tỉnh có 3.667 Chi HKH; gần 43 nghìn gia đình được công nhận “Gia đình hiếu học”; 371 dòng họ được công nhận “Dòng họ hiếu học”. Phong trào xây dựng Quỹ hội trong những năm qua được đẩy mạnh, đến hết năm 2015 toàn tỉnh thu được gần 9 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này đã cấp học bổng cho nhiều học sinh nghèo ở các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Cùng với đó, HKH các cấp đã vận động nhân dân, các tổ chức xã hội tham gia xây dựng cơ sở vật chất trường học, đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học; tăng cường sự gắn kết 3 môi trường giáo dục “Nhà trường – gia đình – xã hội”, tạo điều kiện đẩy mạnh phong học tập suốt đời trên địa bàn.
Các đại biểu thảo luận tại Hội thảo chuyên đề “Các giải pháp thực hiện Kế hoạch 200 của UBND tỉnh” vừa được HKH tỉnh tổ chức vào đầu tháng 9 vừa qua. |
Để thực thi có hiệu quả các giải pháp trong Kế hoạch, đầu tháng 9 vừa qua, Hội Khuyến học (HKH) tỉnh đã tổ chức Hội thảo chuyên đề “Các giải pháp thực hiện Kế hoạch 200 của UBND tỉnh”. Có thể nói, đây sẽ là “đòn bẩy” để thúc đẩy phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng trên địa bàn tỉnh. Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận đưa ra các giải pháp nhằm thực thi có hiệu quả Kế hoạch 200 của UBND tỉnh. Chủ tịch HKH tỉnh, Hạng Mí De cho rằng: “Thời gian tới, các cấp Hội cần làm tốt việc tập huấn, tuyên truyền sâu rộng đến đông đảo tầng lớp nhân dân trên địa bàn để người dân có nhận thức đầy đủ về phong trào học tập suốt đời, từ đó mới hành động đúng và đầy đủ được. Hiện, HKH cấp xã nhiều nơi chưa làm tốt việc này nên người dân còn nhiều bỡ ngỡ, lúng túng. Ngoài ra, cần làm tốt việc đăng ký, xây dựng thí điểm rồi mới nhân rộng mô hình; nhiều nơi chọn thí điểm rồi nhưng khâu chỉ đạo chưa tích cực, sâu sát dẫn đến còn nặng về hình thức...”.
Cũng theo lãnh đạo HKH tỉnh, để thực hiện có hiệu quả Kế hoạch 200, khâu giám sát, kiểm tra, chỉ đạo cần được làm tốt hơn, quyết liệt, mạnh mẽ hơn từ tỉnh đến cơ sở; cần đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của Ban chỉ đạo xây dựng XHHT các cấp. Lâu nay, Ban chỉ đạo các cấp chưa thực sự phát huy được vai trò của mình, vì vậy, phong trào thực hiện Kế hoạch 200 của UBND tỉnh thiếu sức sống, chưa trở thành phong trào của toàn dân mà gần như chỉ có HKH tự làm. Cho đến nay, vẫn còn nhiều địa phương chưa có chương trình cụ thể để thực hiện Kế hoạch 200, hoặc nếu có cũng chỉ dừng lại ở khâu xây dựng chương trình, kế hoạch; khâu giám sát, kiểm tra, đánh giá cũng chưa quyết liệt, sâu sát, chưa trở thành tiêu chí xếp loại gia đình văn hóa, danh hiệu thi đua hàng năm. Nhiều đại biểu cho rằng, cần nâng cao vai trò lãnh, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện phong trào xây dựng XHHT trên địa bàn. Phó Chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên, Đặng Thị Phượng cho biết: “Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng XHHT, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền huyện Vị Xuyên đã tập trung lãnh, chỉ đạo, xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, trong đó tập trung vào 4 nhóm giải pháp chính: Công tác tuyên truyền từ huyện xuống xã và đến từng gia đình; củng cố các Trung tâm Học tập cộng đồng (TTHTCĐ); chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện thí điểm các mô hình trong năm 2015; tập huấn hướng dẫn các mẫu, biểu, văn bản, tiêu chí, bản kê khai đăng ký gia đình, dòng họ, đơn vị, cộng đồng học tập...”.
Một thực tế cần được nhìn nhận ở các địa phương hiện nay đó là điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị ở nhiều cơ sở giáo dục thường xuyên chưa đáp ứng được nhu cầu học tập đa dạng của nhân dân; việc huy động các nguồn lực của xã hội tham gia xây dựng XHHT còn hạn chế; không ít TTHTCĐ hoạt động chưa hiệu quả. Công tác tuyên truyền về xây dựng XHHT chưa được các cơ sở quan tâm đúng mức; một bộ phận người dân chưa thức được tầm quan trọng của việc học tập suốt đời nên chưa quan tâm đến việc học và nâng cao trình độ... Chủ tịch HKH huyện Quang Bình, Bùi Quang Tuyển cho rằng, để phong trào xây dựng XHHT thực sự đi vào cuộc sống cần sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành; tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng XHHT, củng cố mạng lưới TTHTCĐ; tăng cường các lớp bổ túc văn hóa cho người dân, các lớp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên và người lao động; đa dạng hóa các hình thức đào tạo thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của mọi tầng lớp nhân dân...
Với nhiều giải pháp cụ thể, sát thực được đưa ra tại Hội thảo lần này, hy vọng rằng phong trào xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh sẽ thực sự đi vào chiều sâu, trở thành phong trào toàn dân, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, góp phần xây dựng mảnh đất biên cương cực Bắc ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Bài, ảnh: NGUYỄN PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc