Xét tuyển ĐH đợt 1: Hệ số dôi dư đủ, vẫn thiếu nguồn tuyển
Khẳng định nguồn tuyển cho các trường không thiếu, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết, Hội đồng tuyển sinh đã phân tích kỹ và quyết định mức sàn 15 điểm để bảo đảm chất lượng đầu vào. Với mức này, số thí sinh đạt ngưỡng điểm xét tuyển ĐH là 404.282 chỉ tiêu, trong khi tổng chỉ tiêu ĐH là 317.639 người, hệ số dư là 1,27.
“Năm nay, toàn bộ cơ sở dữ liệu điểm thi kỳ thi THPT quốc gia của 120 cụm thi đều được các cụm thi công bố công khai nên tất cả các số liệu trên đều có thể kiểm tra được, không thể nghi ngờ về nguồn tuyển sinh”, bà Phụng khẳng định.
Tuy nhiên, việc tỉ lệ thí sinh “ảo” quá cao đã gây khó khăn cho các trường trong việc phân tích dữ liệu để xác định điểm chuẩn. Việc tuy khó nhưng không phải là không trường nào làm được vì bên cạnh những trường thiếu nguồn tuyển thì vẫn có nhiều trường đã tuyển đủ hoặc chỉ còn thiếu khoảng 10-20% ở những nhóm ngành không thực sự “hot”.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho hay: “Tỉ lệ thiếu nguồn tuyển cao thấp phụ thuộc các trường. Có trường gọi dư 100% chỉ tiêu nhưng vẫn không tuyển đủ, có trường chỉ gọi dư khoảng 10% đã tuyển đủ rồi. Thực tế, có nhiều trường đã phân tích dữ liệu rất tốt và đã đưa ra được quyết định hợp lý trong đợt 1 vừa qua”.
Một số trường như: ĐH Luật TPHCM, ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM, ĐH Luật Hà Nội, ĐH Ngoại thương (cơ sở Hà Nội), Đại học Y tế công cộng… đã nhận đủ thí sinh đăng ký nhập học.
“Ảo” nhưng vẫn thiếu
Mặc dù hệ số dôi dư nguồn tuyển theo tính toán của Bộ GD&ĐT là 1,27, nghĩa là đủ cho tất cả các trường, nhưng với những diễn biến của kỳ thi năm nay, khả năng nhiều trường vẫn sẽ không tuyển đủ chỉ tiêu khi kết thúc các đợt xét tuyển là rất cao. Ngoài nguyên nhân do tình trạng thí sinh “ảo” thì những thay đổi trong thị trường lao động và định hướng nghề nghiệp đã góp phần tạo nên hiện tượng trên.
Trong những năm gần đây, số lượng thí sinh đăng ký thi/xét tuyển vào ĐH tương đối ổn định, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh của các trường ngày càng tăng, làm nguồn tuyển giảm đi.
Mặt khác, việc phân luồng sau THPT cũng đạt được những kết quả nhất định; những thông tin về thị trường lao động, về thất nghiệp và việc làm đã đầy đủ hơn- là những kênh tham khảo hữu ích cho người học.
Ngoài ra, theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, những thí sinh có điểm cao, trúng tuyển mà không đến làm thủ tục nhập học tại trường là vì các em có sự lựa chọn khác phù hợp hơn. Những thí sinh có điểm thấp, trúng tuyển mà không nhập học vì ngành/trường trúng tuyển không phải là nguyện vọng mà các em yêu thích nhất. Nhiều thí sinh chờ xét tuyển bổ sung hoặc tiếp tục ôn tập để sang năm thi lại với quyết tâm đậu vào trường/ngành mà mình mong muốn. Do đó, có thể nói hệ số dôi dư lúc này không còn là 1,27 như Bộ đã tính toán.
Khi chốt cơ sở dữ liệu đăng ký xét tuyển đợt I, Bộ GD&ĐT đã thông báo có 396.496 thí sinh đăng ký vào 602.747 lượt trường để các trường có thêm thông tin tính toán thí sinh “ảo” cho các đợt xét tuyển nguyện vọng sau. Tuy nhiên, nguy cơ “ảo” sẽ còn tăng hơn nữa khi Bộ cho các thí sinh được đăng ký 3 trường, mỗi trường 2 nguyện vọng.
Theo số liệu thống kê, đến thời điểm hiện nay, có khoảng 200.000 thí sinh đã nộp Giấy chứng nhận kết quả thi để khẳng định nhập học tại các trường. Như vậy còn khoảng 100.000 thí sinh sẽ tiếp tục đăng ký xét tuyển ở những đợt bổ sung. Trong khi đó, số lượng các trường công bố tiếp tục tuyển sinh cũng như số lượng nguồn tuyển thiếu hụt hiện nay khá lớn. Con số 100.000 thí sinh tiếp tục đăng ký xét tuyển bổ sung có thể sẽ vẫn không đủ.
http://baochinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc