Nhọc nhằn "gieo chữ" nơi biên cương Tổ quốc
BHG - Nhìn lên cao thấy đá, nhìn xuống thấy đá, án ngữ trước mặt cũng toàn là đá. Hình ảnh con đường dốc nhỏ hẹp, lởm chởm đá tai mèo đến với thôn Sủng Chớ B, xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh; khiến ai đến 1 lần đều cảm thấy ấn tượng. Ấn tượng bởi sức sống kỳ diệu của con người nơi đây và sự ham học của các em nhỏ. Dù ngày nắng cũng như ngày mưa, các em học sinh đều miệt mài cắp sách tới lớp. Mặc dù, điểm trường hiện nay cũng trong tình trạng lấy vải che nắng, lấy bạt che mưa.
Sủng Cháng là một xã nghèo của huyện Yên Minh, cách trung tâm thị trấn gần 40 km; nên nhiều người dân trong xã hóm hỉnh nói rằng, đi sang biên giới còn gần hơn xuống chợ. Xã có 481 hộ nghèo/589 hộ, trong đo, dân tộc Mông chiếm 88,9%. Với địa hình phức tạp, thiếu nước sinh hoạt, trình độ dân trí thấp... Trong đó, Sủng Chớ là một thôn điển hình, thôn có 2 điểm trường; trong đó, điểm trường Sủng Chớ A đã được hỗ trợ xây mới vào đầu năm 2016. Điểm trường Sủng Chớ B cách trụ sở xã 6 km, đường đi hơn 4 km là đường dân sinh. Đáng nói, điểm trường này đã bị xuống cấp trầm trọng từ lâu, không đảm bảo điều kiện học tập. Đường đi lại thì gập ghềnh, nhỏ hẹp, chỉ có đá và đá. Đang vào mùa thu hoạch ngô, ở những nương cách xa nhà, bà con ở đây phải “tăng bo” bằng xe máy về. Có khi thu hoạch xong vụ ngô cũng mất đến tiền triệu để sửa xe do đường quá xấu.
Điểm trường xuống cấp, không đủ điều kiện học tập. |
Chuyến đi đến Sủng Chớ B lần này, chúng tôi may mắn đồng hành cùng thầy giáo Sầm Văn Thanh, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sủng Cháng để nghe thầy kể về công việc “gieo chữ, trồng người” nơi miền đá xám. Thầy tâm sự: “Cái nghề giáo vất vả thế em ạ, mà là giáo viên vùng cao còn vất vả gấp bội. Đến nay, gắn bó với nghề đã gần 20 năm; hơn ai hết, tôi hiểu rõ nỗi vất vả của đồng nghiệp thế nào”. Đường khó đi là vậy, ngày nắng cũng như ngày mưa, các thầy, cô ở điểm trường Sủng Chớ B chưa một ngày vắng mặt. Cũng có hôm mưa to quá, đường khó không về được phải ngủ lại trường. Bởi các thầy, cô biết, những bước chân trần trên đá của các em học sinh khi đến trường còn khó khăn gấp bội. Thầy Thanh chia sẻ thêm: “Chính cái duyên với nghề, cái duyên được gần gũi, chăm lo cho các em nhỏ đã giúp chúng tôi gắn bó với mảnh đất và con người nơi đây. Có cô giáo sắp đến ngày sinh nở mà vẫn chạy xe trên con đường này. Thương cô vất vả, nhà trường có ý xin cho cô chuyển về điểm trường khác gần hơn, nhưng cô kiên quyết không chịu. Cô bảo rằng, cứ nhìn vào những ánh mắt thơ gây của đám học trò là tôi lại không lỡ xa chúng...”
Nghe thầy kể là vậy, nhưng chỉ khi đến điểm trường Sủng Chớ B, chúng tôi mới hiểu thêm nỗi khó khăn vất vả của các thầy, cô giáo và các em học sinh nơi đây. Các lớp học được dựng theo kiểu nhà trình tường của người Mông. Nhưng do thời gian sử dụng quá lâu nên mái đã siêu vẹo, thủng dột nhiều chỗ. Các thầy, cô giáo phải vá víu bằng cách che bạt để lấy chỗ che mưa, che nắng cho học sinh. Hơn nữa, các lớp học này luôn trong tình trạng thiếu ánh sáng, bàn ghế lại không đủ, một số cũng bị hỏng vì môi trường ẩm thấp. Còn vách ngăn chia các lớp học thì trông như bờ rào, đến nay, các cây gỗ đó cũng đã mục nên các thầy phải lấy dây níu lại. Khổ hơn hết là lớp học mầm non không có cửa cũng không bàn ghế. Hàng ngày, các em ngồi học, chơi đùa trực tiếp dưới nền đất lồi lõm, bụi bặm nên nguy cơ mất vệ sinh rất cao.
Khi được hỏi về tình trạng xuống cấp nghiêm trọng của điểm trường Sủng Chớ B, thầy giáo Mai Thanh Hiển, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sủng Cháng chia sẻ: “Nhà trường cũng rất băn khoăn về điều kiện học tập của các em học sinh, nhưng chỉ có phương án khắc phục tạm thời chứ chưa thể xây mới được. Năm học 2016-2017, điểm trường có 15 học sinh Mẫu giáo và 27 học sinh Tiểu học. Các giáo viên và các em học sinh cũng rất mong có một ngôi trường mới, để thuận lợi cho việc giảng dạy cũng như việc học tập”.
Theo anh Thà Nhì Páo, Bí thư Chi bộ thôn Sủng Chớ, thôn có 58 hộ; trong đo, hộ nghèo chiếm đa số và chủ yếu là người dân tộc Mông, bà con quanh năm cũng chỉ biết trồng cây ngô ngoài ra không có thêm khoản thu nhập nào khác. Là thôn đặc biệt khó khăn, bằng sự vươn lên bà con ở Sủng Chớ đã tự kéo được điện lưới từ năm 2013, nhưng đường điện cũng không được ổn định. Thêm nữa, lại chưa được phủ sóng điện thoại và thiếu nước sạch sinh hoạt. Thông qua đồng chí Giàng Mí Phứ, Chủ tịch xã Sủng Cháng, chúng tôi được biết đã có nhiều nhà hảo tâm muốn đến hỗ trợ xây mới điểm trường Sủng Chớ B để các em có nơi học tập đảm bảo hơn. Nhưng do đường đi khó, lại mắc 1 đoạn đá dài hơn 130 m chưa được mở, việc vận chuyển nguyên vật liệu để xây dựng trường rất khó khăn, nên chưa thể xây dựng được. Bà con nhân dân trong thôn cũng rất mong muốn và sẵn sàng bỏ công để cùng mở đường nhưng lại không được phép sử dụng vật liệu nổ. Cấp ủy, chính quyền xã và cử tri cũng đã nhiều lần phản ánh về vấn đề này lên UBND huyện Yên Minh, mong muốn mở một con đường thuận lợi cho đi lại, từ đó nâng cao đời sống cho bà con nhân dân.
Năm học mới đã đến, nhưng các em học sinh ở điểm trường Sủng Chớ B vẫn chưa thể yên tâm học tập. Bởi một ngôi trường mới luôn là niềm mong mỏi của các em học sinh và các thầy, cô giáo nơi đây. Tuy khó khăn vất vả là vậy, nhưng các thầy, cô giáo vẫn luôn ấp ủ niềm đam mê, nhiệt huyết với nghề. Các em học sinh như hiểu được tấm lòng của thầy, cô vẫn duy trì sĩ số đến lớp đầy đủ, học thông viết thạo để sau này trở thành người có ích cho xã hội.
Kết thúc chuyến đi trong tâm trạng lưu luyến, chúng tôi càng thêm khâm phục ý chí và nghị lực của những người thầy đi “gieo chữ” nơi biên cương của Tổ quốc.
Bài, ảnh: PHẠM HOAN – D.Tuấn
Ý kiến bạn đọc