Hội nhập Asean, cơ hội phát triển du lịch
BHG - Hòa chung trong bối cảnh hội nhập Asean, du lịch Hà Giang cũng có được nhiều thuận lợi, cơ hội để phát triển. Trong vài năm gần đây, hoạt động du lịch ở tỉnh có những bước chuyển biến mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội. Tốc độ tăng trưởng lượng khách bình quân từ năm 2010 đến nay đạt gần 32,5%/ năm; trong đó khách du lịch quốc tế chiếm khoảng 12%; doanh thu du lịch, dịch vụ tăng bình quân hàng năm trên 29%. Sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng như du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... phát huy hiệu quả các di sản văn hóa vật thể, phi vật thể địa phương để phát triển du lịch theo hướng bền vững.
Nhờ tích cực hội nhập quốc tế, quảng bá xúc tiến mà du lịch Hà Giang đã có tên trong danh sách những điểm đến được nhiều du khách trong và ngoài nước biết tới. Những địa điểm như: Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá (CVĐCTC CNĐ) Đồng Văn; Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh Cột cờ Lúng Cú; Kiến trúc nghệ thuật Nhà Vương; Danh thắng Mã Pì Lèng (Đệ nhất hùng quan); Hẻm vực Tu Sản sông Nho Quế, đường Hạnh Phúc... được báo chí trong và ngoài nước nhắc đến.
Hẻm vực Tu Sản, sông Nho Quế (Mèo Vạc) một trong những địa điểm được nhiều du khách tham quan, khám phá. |
Các sản phẩm du lịch đa dạng, nhiều tiềm năng khai thác như: Du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái, du lịch địa chất, văn hóa, tâm linh, mạo hiểm, khám phá trải nghiệm... Công tác xúc tiến quảng bá, liên kết vùng, hội nhập quốc tế thông qua các nhóm hợp tác: 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng; Chương trình “Du lịch qua những miền di sản” 6 tỉnh Việt Bắc; ký kết hợp tác phát triển du lịch với Cục du lịch Châu Vân Sơn (tỉnh Vân Nam – Trung Quốc); ký biên bản ghi nhớ kết nối tour du lịch giữa Cục du lịch Châu Vân Sơn (Trung Quốc) với các tỉnh/ thành phố Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng. Quảng bá xúc tiến du lịch thông qua Đại hội đồng nghị viện thế giới IPU (132); các hội chợ du lịch quốc tế ITM tại Hà Nội, T.P. Hồ Chí Minh;... Qua các chương trình hợp tác, tỉnh ta có cơ hội tiếp cận với thông tin, trao đổi, học tập kinh nghiệm về phát triển du lịch.Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL, Triệu Thị Tình, cho biết: “Việc hội nhập Asean đã tạo thuận lợi cho ngành du lịch của tỉnh phát triển. Nhờ sự đóng góp của các nhà khoa học, các chuyên gia, các nhà quản lý, các công ty nhà tư vấn trong nước và quốc tế tại các lần hội đàm, hội thảo, quảng bá xúc tiến mà chúng ta đang triển thực hiện “Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị CVĐCTC CNĐ Đồng Văn giai đoạn 2012 - 2020, tầm nhìn 2030”; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Hà Giang đến 2020 định hướng đến 2030; đang hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch, Khu du lịch quốc gia CNĐ Đồng Văn. Điều này rất qua trọng đối với một tỉnh mới phát triển về du lịch”. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực du lịch do tỉnh đầu tư và các tổ chức phi chính phủ, dự án tài trợ; chương trình hợp tác với Quảng Tây (Trung Quốc) trong đào tạo nguồn nhân lực có trình độ đại học, thạc sỹ chuyên ngành du lịch. Thời gian tới ngành sẽ được bổ sung nguồn nhân lực có trình độ thực hiện công tác quản lý hoạt động du lịch tại địa phương.
Việc hội nhập Asean sẽ tiếp tục tác động đến du lịch của tỉnh như về hệ thống các văn bản pháp luật, chính sách liên quan đến phát triển du lịch và giải pháp ưu tiên phát triển du lịch, các chính sách nới lỏng về thị thực nhập cảnh... Chính sách tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn. Giúp các sản phẩm về du lịch đa dạng hơn, tranh thủ được nguồn khách nối tuor trong khu vực; kêu gọi xúc tiến đầu tư với thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc. Từ đó xã hội hóa và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hướng tới sản phẩm có giá trị cao, tạo được lợi thế so sánh so với các địa phương khác trong cả nước. Tỉnh ta cũng tranh thủ được hiệu quả xúc tiến quảng bá du lịch trong khu vực để thu hút khách quốc tế. Các loại hình doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng sản phẩm, dịch vụ du lịch như: Khách sạn, nhà hàng ăn uống, dịch vụ vui chơi giải trí.... ngày càng tăng. Để tranh thủ được cơ hội hội nhập Asean, đồng chí Triệu Thị Tình, cho rằng: “Bên cạnh những kết quả đạt được, du lịch Hà Giang còn gặp những khó khăn, hạn chế như cơ sở hạ tầng du lịch còn thiếu và chưa có sự đầu tư bài bản, nguồn nhân lực còn thiếu và yếu, chất lượng các sản phẩm du lịch chưa có sức cạnh tranh cao. Cần thiết phải có cơ chế chính sách đủ mạnh thu hút đầu tư, ưu tiên hỗ trợ về đất đai, thuế, giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển các loại hình sản phẩm dịch vụ du lịch cao cấp. Như hệ thống cơ sở lưu trú khách sạn từ 3 sao trở lên, nhà hàng, khu vui chơi giải trí cao cấp, hoàn thiện các khu điểm du lịch tiềm năng... Tiếp tục thực hiện công tác tuyên truyền và nâng cao nhận thức của cấp ủy chính quyền các địa phương trong toàn tỉnh trong thực hiện nghị quyết BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch gắn với phát triển bền vững; nâng cao ý thức của người dân về bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa đặc sắc riêng có của địa phương phục vụ phát triển du lịch bền vững trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế. Tạo điều kiện cho cộng đồng được tham gia và hưởng lợi từ hoạt động liên quan đến phát triển du lịch, xây dựng hình ảnh du lịch Hà Giang chất lượng, an toàn, thân thiện. Mục tiêu đến năm 2020, đón được 1.450.000 lượt khách, trong đó, khách du lịch quốc tế là 550.000 lượt; doanh thu từ khách du lịch 2.046 tỷ đồng”.
Bài, ảnh: Lê Hải
Ý kiến bạn đọc