Hà Giang mến yêu
BHG - Chuyến xe chạy xuyên đêm xuất phát tại Mỹ Đình (Hà Nội) lúc 20 giờ lắc lư qua những con dốc, những khúc cua như ru chúng tôi vào giấc ngủ để thấy hình như quãng đường ngắn lại. Bốn giờ sáng, chúng tôi đến bến xe phía Nam thành phố Hà Giang. Trời còn tối mịt. Về sáng, không khí nhẹ nhàng, thoáng đãng, làn sương mỏng giăng giăng dưới ánh đèn vàng.
Đích đến của chúng tôi là Đồng Văn. Trên một con đường trải nhựa tương đối rộng và đẹp, từ đây, núi sẽ theo chân chúng tôi trong suốt cuộc hành trình. Con đường chúng tôi đang đi được mang tên Hạnh Phúc. Con đường huyền thoại đã gắn với bao câu chuyện kể bi hùng đầy máu và hoa của một thời sức con người vượt lên trên tất cả.
Cung đường Hạnh phúc Hà Giang |
Cổng Trời Quản Bạ hiện ra trước mắt tuyệt đẹp với những khúc cua tay áo thoắt ẩn thoắt hiện. Xe máy phải về số 1, số 2 mới leo lên đèo được. Chả thế mà người ta còn kể ngày xưa khi chưa có con đường này, ngựa thồ lên đến đỉnh đèo là ngã quỵ, có con đứt ruột mà chết. Cổng Trời Quản Bạ được ví là cửa ải giữa vùng cao và miền xuôi. Bây giờ hằng ngày đã có rất nhiều những chuyến xe chở hàng hóa lên với cao nguyên. Người dân cũng đã thay ngựa bằng những chiếc xe máy tiện dụng hơn, vì thế cái hình ảnh người phụ nữ Mông lặng lẽ cúi mặt dắt ngựa mà trên lưng ngựa là ông chồng say khướt nằm vắt ngang trong những phiên chợ đã dần lùi xa…
Ngoài đặc sản rượu ngô và… đá giống như ở các huyện khác trên cao nguyên này, Quản Bạ còn có một “đặc sản” thú vị mà bất kì ai lên đến đây cũng đều phải trầm trồ, ấy là Núi Đôi Cô Tiên. Hai ngọn núi tròn đều chằn chặn đứng cạnh nhau y hệt như đôi gò bồng đảo của người thiếu nữ đương tuổi xuân thì căng tràn sức sống nổi bật trên màu xanh mướt mát của cánh đồng màu mỡ. Càng nhìn càng thấy sự diệu kì của tạo hóa đã ban tặng cho nơi đây một kiệt tác có một không hai này.
Rời Quản Bạ, xe chúng tôi chạy một mạch về tới thị trấn Yên Minh thì trời vừa tối. Chúng tôi sẽ nghỉ đêm ở đây để sáng mai đi Đồng Văn. Mùa này ngô đã thu hoạch xong nên trên những núi đá chỉ còn trơ những thân ngô xơ xác, vàng úa. Trồng ngô trên đá cũng là một kì tích của người dân ở đây. Họ đã bắt đá phải cúi đầu, nhường đất cho họ gieo trồng. Đất hở ra chỗ nào ngô mọc lên đến đó. Sức sống của cây ngô mọc trên đá mãnh liệt, dẻo dai giống như con người nơi đây vậy. Người dân chiến đấu, chống chọi với thiên nhiên, thời tiết vô cùng khắc nghiệt qua những mùa hè nắng chói chang, nứt nẻ, tới mùa đông lạnh lẽo, băng giá, chiến đấu xóa bỏ cây anh túc để gây dựng lên cuộc sống hôm nay. Con đường thênh thênh mềm như dải lụa này đã không còn phải oằn mình cõng trên lưng những tấn thuốc phiện của một thời dĩ vãng nữa…
Lũng Cú đón chúng tôi trong một buổi nắng mai rất đẹp. Từ xa, chúng tôi đã nhìn thấy thấp thoáng lá cờ Tổ quốc trên đỉnh núi Rồng. Điểm cực Bắc của Tổ quốc ta là đây! Tất cả chúng tôi đều trào dâng lên một cảm xúc khó tả, chỉ muốn tăng ga thật mạnh để nhanh tới bên chân cột cờ. Dần dần ngọn núi Rồng cùng lá cờ hiện ra rõ nét trong ánh nắng sớm còn pha chút sương mỏng mảnh tạo nên một bức tranh thật đẹp. Chúng tôi chẳng ai bảo ai, đều chỉnh trang lại quần áo, rửa mặt mũi sạch sẽ rồi mới lên cột cờ. Lá cờ đỏ sao vàng với diện tích 54 mét vuông phần phật tung bay trên nền trời xanh, nơi núi rừng biên giới thiêng liêng, như xòa ra đón chúng tôi, như ôm lấy chúng tôi vào lòng tựa người mẹ đón những người con yêu thương từ nơi xa trở về. Những phút giây này sẽ chẳng thể nào quên…
Vẻ đẹp trên cao nguyên đá |
Từ Lũng Cú chúng tôi ghé thăm dinh thự của Vua Mèo - nhà Vương ở thung lũng Sà Phìn, được mục sở thị cơ ngơi của ông Vua Mèo một thuở. Toàn bộ ngôi nhà nằm gọn trong thung lũng bốn bề núi đá với màu xanh thẫm của những cây sa mộc cao vút. Trăm năm thăng trầm cùng thời gian, mưa nắng, rêu phong đã nhuốm màu trên từng mái hiên nhưng những nét hoa văn, những bức phù điêu, chạm trổ trên đá, trên gỗ của ngôi nhà vẫn vẹn nguyên. Điều đặc biệt là ngôi nhà có rất nhiều hoa văn hình loài hoa anh túc, loài cây đã mang lại một đời vương giả cho ông Vua Mèo và cả họ tộc ông.
Quá trưa, chúng tôi thong dong đi về Đồng Văn, một thị trấn nhỏ với phố cổ, với những rêu phong của những vết tích xưa. Cái thị trấn nhỏ bé, xinh xắn với vỏn vẹn mấy chục ngôi nhà cổ được xây bằng đá nằm lọt thỏm giữa bốn bề núi đá bao bọc như rực lên trong ráng nắng chiều. Nắng vàng rọi nghiêng nghiêng trên những bức tường phủ đầy rêu và loang lổ những mảng bong vỡ của những ngôi nhà trình tường hai tầng lợp ngói âm dương và những chiếc đèn lồng đỏ cao cao mang đậm nét kiến trúc của người Hoa. Và núi. Núi như những bức tường thành bao bọc, che chở cho con người nơi đây qua ngàn đời nay vẫn thế. Núi hình thành nên một nét riêng biệt cho phố cổ và cho cả cao nguyên này. Núi tạo nên một nét tính cách phong trần và mạnh mẽ, cứng cáp nhưng huyền diệu, thô ráp nhưng uyển chuyển, đầy tinh lực như tiếng kèn môi, như điệu khèn dìu dặt gọi bạn tình trong đêm đầy sắc màu thổ cẩm.
Tạm biệt Hà Giang, chúng tôi về dưới xuôi, mang theo những nụ cười tươi mới của những em bé Mông địu gùi lên nương với mẹ, mang theo cả những âm thanh của đá, của núi rừng vùng biên cương địa đầu Tổ quốc như những nốt nhạc lắng đọng trong câu hát “Hà Giang mến yêu ơi, Hà Giang mến yêu của tôi”…
Nguyễn Minh Tuấn: Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai
Ý kiến bạn đọc