Cần phát huy tiềm năng du lịch khám phá ở Đường Thượng
BHG- Đường Thượng là một xã nghèo của huyện Yên Minh, cách trung tâm huyện hơn 40 km, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 79,71%; vì vậy, làm thế nào để giúp người dân thoát nghèo đang là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền nơi đây. Tuy nhiên, với những di tích kiến trúc nghệ thuật, lịch sử trên địa bàn xã đã được tỉnh xếp hạng cùng một số khám phá mới về hệ thống hang động kỳ vĩ, được ví như “kiệt tác của thiên nhiên” sẽ là tiềm năng năng lớn để Đường Thượng phát huy phát triển du lịch, góp phần giúp người dân xóa đói, giảm nghèo.
Hệ thống thạch, nhũ đá trong các hang động ở Đường Thượng mới được khám phá, là tiềm năng để phát triển du lịch. |
Theo những người cao tuổi ở Đường Thượng cho biết, những năm thực dân Pháp đô hộ nước ta; chúng đã xây dựng đồn, bốt và những bức tường thành bằng đá dày hơn 1 mét, dài hàng chục km quanh khu vực hiện nay thuộc xã Đường Thượng và Lũng Hồ, để ngăn cách khu đồn Pháp với bên ngoài, nhất là hạn chế sự tiến công của quân đội ta. Khi chiến tranh kết thúc, những bức tường thành và đồn Pháp đã trở thành di tích kiến trúc lịch sử và được tỉnh ta xếp hạng là di tích cấp tỉnh cần được bảo vệ. Bởi đó là chứng tích lịch sử về thời kỳ kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta, để các thế hệ mai sau ghi nhớ những mất mát, đau thương, cũng như chiến thắng hào hùng của dân tộc cho hòa bình hôm nay.Ngoài những di tích trên, theo Phó Chủ tịch UBND xã Đường Thượng, Đỗ Trung Kiên cho biết: Xã còn có Di tích lịch sử Cơ sở cách mạng Đường Thượng (hang Cờ Cải – nơi đồng chí Đặng Việt Hưng trú ẩn), được coi là cái nôi cách mạng thời tiền khởi nghĩa. Bên cạnh đó, khu di tích Sùng Chứ Đà thuộc xã Đường Thượng, đánh dấu một thời kỳ nổi tiếng với việc cai trị hà khắc của Chúa đất người Mông Sùng Chứ Đà với đồng bào các dân tộc nơi đây cũng là một trong những địa điểm tham quan, tìm hiểu lý thú đối với du khách.
Cùng với 3 di tích lịch sử đã được xếp hạng ở trên, những năm qua và nhất là đầu năm 2016, người dân xã Đường Thượng đã khám phá một hệ thống hang động kỳ vĩ, với những kiến tạo địa chất phong phú, được ví như “kiệt tác của thiên nhiên” sẽ là tiềm năng lớn để phát triển du lịch nếu có thể kết hợp với những điểm di tích trên.
Được biết, hệ thống hang động ở Đường Thượng gồm 7 hang quanh khu vực trung tâm xã. Trong đó có 2 hang tại thôn Chúng Pả và Xín Chải 1 có hệ thống thạch nhũ đá cực kỳ phong phú; không gian lòng hang rộng lớn; các kiệt tác nhũ đá đa sắc màu từ trần hang cho đến dưới nền và vẫn còn trong quá trình kiến tạo,... nếu một lần được chiêm ngưỡng sẽ không thể nào quên.
Trực tiếp khám phá những hang động này, chúng tôi thực sự bất ngờ với những gì mình chứng kiến. Thiết nghĩ, nếu có thể quảng bá, liên kết với các đơn vị, công ty lữ hành du lịch, đưa du khách đến với Đường Thượng để khám phá, tìm hiểu về lịch sử mảnh đất, con người nơi đây qua những di tích, danh lam thắng cảnh đang có, chắc chắn sẽ là động lực lớn để người dân Đường Thượng dựa vào phát triển các dịch vụ đi kèm, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo. Tuy nhiên, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã cũng trăn trở: Để phát triển du lịch trên địa bàn xã, rất cần sự hỗ trợ của huyện về kinh phí đầu tư làm đường giao thông đến các hang động và các di tích lịch sử. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá, liên kết giúp xã với các công ty lữ hành du lịch về các điểm di tích, danh lam thắng cảnh của xã để du khách biết và tìm đến khám phá. Nếu không có sự hỗ trợ này, sẽ rất khó để cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã tự “bơi” với hướng phát triển này.
Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc