Văn hóa tộc người gắn với phương thức sản xuất trên Cao nguyên đá

07:35, 30/06/2016

BHG- “Thổ canh hốc đá” (TCHĐ), phương thức sản xuất độc đáo không chỉ phản ánh cuộc sống vô vàn khó khăn, vất vả mà còn là bức tranh phản chiếu nét văn hóa đặc trưng của đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá (CNĐ) Đồng Văn. Họ gùi đất, xếp đá thành nương, chăm sóc mỗi ngày để những hạt ngô được nảy mầm xanh tốt. Trải qua bao thế hệ, phương thức sản xuất độc đáo ấy đã được Bộ VHTT&DL vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Với thiết kế độc đáo, những chiếc cày của đồng bào vùng cao  nhẹ nhàng lướt trên nương đầy đá.
Với thiết kế độc đáo, những chiếc cày của đồng bào vùng cao nhẹ nhàng lướt trên nương đầy đá.

CNĐ Đồng Văn trải rộng trên địa bàn 4 huyện: Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đây là nơi sinh sống của đông đồng bào dân tộc thiểu số như: Mông, Dao, Lô Lô, Pu Péo.... Mặc dù ít đất sản xuất, thiếu nước thường xuyên nhưng cuộc sống của đồng bào nơi đây phần lớn phụ thuộc hoàn toàn vào sản xuất nông nghiệp.Trải qua hàng thập kỷ hình thành và phát triển, để bám trụ và sinh kế trong điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt, người dân trên CNĐ đã sáng tạo ra phương thức canh tác phù hợp, hiệu quả là gùi đất đổ vào các hốc đá, tỉ mẩn nhặt những hòn đá xếp chồng lên nhau thành nương để chống cho đất không bị xói mòn, rửa trôi rồi bắt đầu gieo hạt... gọi là tri thức TCHĐ. Để canh tác thuận lợi, họ cũng đã sáng tạo ra những nông cụ với thiết kế riêng biệt, độc đáo từ hình dáng, đến chất liệu, có thể chịu lực tốt khi bị va vào đá như cày, bừa, cuốc bướm... Bên cạnh đó, do nguồn đất khan hiếm, để tăng hệ số sử dụng đất, bên cạnh cây ngô, đồng bào đã trồng xen một số loại cây khác như: Bí, đậu, dưa chuột, rau cải... Mấy năm gần đây, khi du lịch phát triển, cây Tam giác mạch được bà con trồng thêm ngoài vụ ngô chính và loài hoa này đang trở thành biểu tượng hoa của xứ đá Hà Giang.

Tri thức TCHĐ của các dân tộc thiểu số ở CNĐ Đồng Văn là một trong những tri thức bản địa có giá trị thể hiện sự thích ứng và hòa hợp của cuộc sống con người với thiên nhiên; là một hệ thống tổng hòa nhiều thành tố, bao gồm: Nhận thức tộc người, hiểu biết, kinh nghiệm, kỹ thuật, công cụ, văn hóa truyền thống và đương đại có liên quan đến các tộc người; được tích lũy, điều chỉnh và giữ gìn qua nhiều thế hệ.

Là địa bàn sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số với những nét văn hóa đặc sắc khác nhau, điều này tạo nên sư đa dạng trong đời sống văn hóa của người dân nơi đây, trong đó đặc biệt là mối liên hệ giữa phương thức sản xuất nông nghiệp với đời sống văn hóa tâm linh. Để hòa mình vào thiên nhiên, cầu mong cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu... đồng bào các dân tộc trên Cao nguyên đá đã tạo ra nhiều nghi lễ mang đậm nét văn hóa dân gian gắn liền với sản xuất nông nghiệp như: Lễ cầu mưa của người Lô Lô, Lễ cúng rừng của người Pu Péo, mừng cơm mới của người Dao, Lễ hội Gầu tào của người Mông... TCHĐ còn tạo ra những sản phẩm nông nghiệp độc đáo: Rượu ngô, mèn mén, bánh ngô, bánh Tam giác mạch và cảnh quan ruộng xếp đá độc đáo và những làng nghề thu hút sự quan tâm của nhiều du khách như: Dệt vải lanh, rèn đúc lưỡi cày... Tri thức và kỹ thuật TCHĐ còn thể hiện tinh thần sáng tạo, vượt khó và thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt của cư dân; bảo vệ môi trường sinh thái trên vùng CNĐ, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, giữ gìn mảnh đất biên cương của Tổ quốc. Với những giá trị đặc sắc vốn có, năm 2014, TCHĐ của cư dân trên CNĐ Hà Giang đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị tư vấn xây dựng hồ sơ “Tri thức canh tác hốc đá của cư dân Cao Nguyên đá Hà Giang” trình UNESCO vinh danh là DSVHPVT đại diện của nhân loại. Tại hội nghị này, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến đóng góp trong việc xây dựng hồ sơ, trong đó tập trung làm nổi bật mối liên hệ giữa TCHĐ với việc ứng xử của con người hòa vào thiên nhiên, vũ trụ để tồn tại gắn với văn hóa tín ngưỡng, lễ hội.

Lên với CNĐ Đồng Văn vào mùa cây ngô đang vươn mình xanh tốt, có bao giờ bạn hỏi làm thế nào để trên những dãy núi đá tai mèo dựng đứng như thách thức ý chí và sức lực của con người kia lại được phủ một màu xanh mướt của sự sống. Đó chính là những giọt mồ hôi, là sự cần cù, chịu khó và  là nét văn hóa đặc trưng trong canh tác nông nghiệp của người dân trên Cao nguyên đá.

BIỆN LUÂN


Ý kiến bạn đọc


Cùng chuyên mục

Đêm giao lưu âm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Trùng Thương

BHG - Tối 28.6, tại Trung tâm Văn hóa – Triển lãm tỉnh (TP. Hà Giang), Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tỉnh tổ chức Đêm nhạc, nhạc sỹ Nguyễn Trùng Thương gắn với chào mừng Kỳ họp thứ nhất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2016-2021 và kỷ niệm 15 năm Ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2001-2016)…

29/06/2016
Hội thảo nâng cao chất lượng giải thưởng Văn học nghệ thuật Tây Côn Lĩnh giai đoạn 2015 – 2020

BHG - Chiều 28.6, Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) tỉnh đã tổ chức Hội thảo nhằm nâng cao chất lượng giải thưởng Văn hộc nghệ thuật Tây Côn Lĩnh tỉnh Hà Giang giai đoạn 2015 – 2020. Đồng chí Triệu Tài Vinh, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy dự và chỉ đạo Hội thảo. Cùng dự có đồng chí Sèn Chỉn Ly, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Tuyên giáo tỉnh ủy; Thường trực, Ủy viên BCH, Chi hội trưởng các chi hội chuyên ngành của Hội VHNT tỉnh.

28/06/2016
Khai giảng khóa "Học kỳ quân đội" năm 2016

BHG - Ngày 26.6,  tại trường Quân sự tỉnh Hà Giang, Tỉnh đoàn Hà Giang phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức Lễ khai giảng khóa "Học kỳ trong quân đội" năm 2016. Tham dự khai giảng có lãnh đạo Tỉnh đoàn; Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh; trường Quân sự tỉnh; đông đảo các bậc phụ huynh cùng 59 học viên là các đoàn viên, thanh thiếu niên trong tỉnh. 

27/06/2016
Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức Hội thi nấu ăn "Bữa cơm gia đình"

BHG - Ngày 24.6, LĐLĐ tỉnh tổ chức Hội thi nấu ăn với chủ đề "Bữa cơm gia đình" nhằm chào mừng kỷ niệm 15 năm ngày Gia đình Việt Nam (28.6.2001 – 2016). Đến dự có đại diện các sở, ban, ngành, các tổ chức đoàn thể của tỉnh và một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.

24/06/2016