Sơ kết 4 năm triển khai mô hình hoạt động "Hội nghệ nhân dân gian" giai đoạn 2012-2015
BHG - Sáng 23.6, Tỉnh ủy tổ chức Hội nghị sơ kết 4 năm triển khai mô hình hoạt động “Hội nghệ nhân dân gian” giai đoạn 2012-2015. Dự và Chủ trì Hội nghị có các đồng chí Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Ly Mí Lử, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh; các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy; lãnh đạo các sở, ban, ngành và 11 huyện, thành phố; các đại biểu là người uy tín trong lĩnh vực tĩn ngưỡng dân gian của tỉnh.
Qua 4 năm triển khai hoạt động của “Hội nghệ nhân dân gian” theo chủ trương của BTV Tỉnh ủy đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm chỉ đạo thành lập các tổ chức hội ở cơ sở. Sự hình thành và phát triển mô hình hoạt động “Hội nghệ nhân dân gian” là cách làm hay, hiệu quả, sáng tạo, phù hợp với điều kiện của tỉnh. Tính đến nay, tổng số tổ chức hội được thành lập là 171 hội ở 170 xã, phường, thị trấn với tổng số 6.642 hội viên; trong đó tập trung chủ yếu vào 3 lĩnh vực: Tín ngưỡng dân gian; phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa dân gian; truyền dạy và làm nghề truyền thống. Các “Hội nghệ nhân dân gian” đã góp phần tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan như: Làm ma dài ngày, tốn kém, thách cưới cao, hôn nhân cận huyết thống, nạn tảo hôn, sinh con thứ 3… Đặc biệt, các hội viên còn vận động người dân thực hiện tốt các quy ước, hôn hước của thôn bản; phát huy gìn giữ các văn hóa dân gian của từng dân tộc, địa phương, truyền dạy các nghề truyền thống, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thào Hồng Sơn trao Bằng khen cho các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc. |
Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu đều khẳng định vai trò cần thiết của các tổ chức hội trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng tại các địa phương. Đồng thời nêu ra những khó khăn trong quá trình thực hiện như: Một số cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn còn chưa quan tâm đến vai trò, vị trí của “Hội nghệ nhân dân gian”; hiệu quả hoạt động của hội chưa cao, việc kết nạp hội viên mới còn dàn trải nên chưa phát huy hết được vai trò; một số huyện không có kinh phí hỗ trợ cho hoạt động hội; một số tổ chức hội chưa có quy định, quy chế hoạt động riêng cho từng lĩnh vực, nhất là lĩnh vực tín ngưỡng dân gian…
Kết luận tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thào Hồng Sơn khẳng định việc thành lập và nhân rộng mô hình “Hội nghệ nhân dân gian” là một hướng đi đúng, phù hợp với điều kiện thực tế của một tỉnh miền núi như tỉnh Hà Giang. Qua đó, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển KT-XH, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Vì vậy, quan điểm, chủ trương của Tỉnh ủy trong thời gian tới là tiếp tục triển khai hoạt động của “Hội nghệ nhân dân gian” tại các xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh; trong đó, tập trung phát huy vai trò của các Nghệ nhân để bài trừ các hủ tục lạc hậu, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đặc sắc của từng dân tộc. Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng đề nghị các huyện, thành phố cần quan tâm chỉ đạo hoạt động của hội, phát huy những cách làm hay, sáng tạo ở cơ sở để nhân rộng; thống nhất việc quản lý và ra quyết định thành lập “Hội nghệ nhân dân gian” là do UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện; các hội đã thành lập cần rà soát, kiện toàn lại, việc kết nạp hội viên mới phải có chọn lọc, tránh dàn trải chạy theo số lượng. Giao cho Sở GD&ĐT phối hợp với các ngành có liên quan chủ trì biên soạn một số nội dung về bản sắc văn hóa của một số dân tộc trên địa bàn tỉnh để đưa vào giảng dạy trong trường học. UBND tỉnh nghiên cứu, hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm cho “Hội nghệ nhân dân gian”…
Dịp này, 11 tập thể và 11 cá nhân có thành tích xuất sắc được Chủ tịch UBND tỉnh tằng Bằng khen vì đã có thành tích trong triển khai thực hiện mô hình “Hội nghệ nhân dân gian” giai đoạn 2012-2015.
Tin, ảnh: TIẾN LÂM
Ý kiến bạn đọc