Tăng cường giáo dục văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số cho học sinh phổ thông
BHG- Trước tình hình hiểu biết của học sinh về văn hóa truyền thống (VHTT) các dân tộc thiểu số (DTTS) của địa phương còn hạn chế; việc giáo dục kỹ năng sống và văn hóa (VH) các DTTS cho học sinh phổ thông là cần thiết nhằm góp phần củng cố lòng tin và niềm tự hào của thế hệ trẻ vào các giá trị tốt đẹp trong VHTT, qua đó tôn vinh bản sắc VH các dân tộc trên cơ sở nhận thức sự thống nhất và đa dạng của VH Việt Nam, giúp các em tự tin hội nhập, góp phần xây dựng cuộc sống của bản thân, gia đình và xã hội ngày một tốt đẹp hơn...
Học sinh lớp 11 Trường THPT Chuyên tỉnh biểu diễn điệu múa của dân tộc Dao tại chương trình giáo dục ngoài giờ lên lớp. |
Trong vài học kỳ gần đây, việc giáo dục VHTT các DTTS được Trường THPT Chuyên tỉnh thực hiện với nhiều hình thức khá phong phú, sáng tạo. Cô giáo Vũ Thị Kim Chung, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT và Sở GD&ĐT, nhà trường đã đưa nội dung này vào giáo dục từ năm học 2014 – 2015, đến năm học 2015 – 2016 này càng rõ nét hơn; trường có hội thảo chuyên môn về dạy học thông qua di sản. Ví dụ: Cho học sinh đóng kịch theo nội dung của các tác phẩm văn học; mời nghệ nhân múa khèn Mông đến biểu diễn cho các em xem và cung cấp kiến thức về VH của dân tộc đó; mời các nghệ sỹ của Hội VHNT thành phố đến trao đổi về bản sắc VH của Hà Giang nói riêng; hay phối hợp tổ chức hẳn 1 ngày Thơ Việt Nam cho học sinh cùng tham gia. Các hoạt động ngoài giờ lên lớp, học sinh sẽ biểu diễn chương trình lễ hội, các điệu múa của các DTTS. Nhà trường còn tổ chức “Chương trình giới thiệu trang phục các dân tộc” do học sinh thực hiện trình diễn trang phục các DTTS và giới thiệu về các dân tộc đó”. Thông qua các buổi học này, học sinh rất phấn khởi khi được biểu diễn các làn điệu dân gian của các DTTS cho toàn trường xem vào hoạt động ngoài giờ lên lớp tại sáng thứ 2 chào cờ. Để có được buổi biểu diễn trên, các em đã phải mất nhiều công sức tìm hiểu về các làn điệu, tự dàn dựng khá công phu. Điều này tạo nên sự thích thú, say mê tìm tòi của học sinh, thoát khỏi sự gò bó theo các giờ giảng trên lớp trước đây.
Triển khai “Đề án giáo dục kỹ năng sống và VHTT các DTTS cho học sinh phổ thông trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016 – 2020”, các nội dung giáo dục đã được Sở GD&ĐT tỉnh xác định khá cụ thể. Giám đốc Sở GD&ĐT, Vũ Văn Sử cho biết: “Nội dung đưa VHTT vào các trường học trước đây đã có trong phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Tuy nhiên, hoạt động giáo dục kỹ năng sống và đưa VHTT các DTTS vào trong nhà trường còn bộc lộ một số bất cập như: Chưa thật sự đa dạng, hấp dẫn, thu hút học sinh; một số hoạt động còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao; chưa huy động được các tổ chức đoàn thể, Hội Nghệ nhân dân gian. Do đó, các nhà trường cần phải làm bài bản hơn, cách thức thực hiện là nhà trường vận dụng linh hoạt, căn cứ vào điều kiện của từng địa phương. Có kế hoạch hàng năm đưa nội dung gì vào giảng dạy, làm sao để có hiệu quả bền vững. Có sự phối hợp với chính quyền, các Nghệ nhân dân gian. Phải làm thường xuyên, liên tục, định kỳ tổ chức các hội thi về làn điệu dân ca dân tộc... Nội dung này không quá khó, các trường học đều có thể áp dụng trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp”.
Từ đó, các đơn vị trường học đã thực hiện nghiêm túc nội dung, chương trình giáo dục kỹ năng sống, giảng dạy bảo tồn, phát huy bản sắc VH các dân tộc theo hình thức tích hợp qua các môn: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân...; giảng dạy trong chương trình giáo dục địa phương; dạy học tại các di sản. Đưa vào thực hiện thường xuyên trong nhà trường thông qua các hoạt động ngoại khóa, giáo dục ngoài giờ lên lớp; trong các buổi chào cờ, sinh hoạt lớp, giảng bài của thầy, cô. Qua đó, những câu hát, điệu múa và các giá trị tốt đẹp của VHTT các DTTS trên địa bàn tỉnh được lưu truyền từ trong nhà trường, thông qua thế hệ trẻ.
Lê Hải
Ý kiến bạn đọc