Kỳ thi THPT quốc gia 2016: Tín hiệu vui khi học sinh "né"... ĐH
Lựa chọn thi THPT chỉ xét tốt nghiệp trong mùa thi 2016 của rất nhiều thí sinh cho thấy sự thay đổi quan niệm của mỗi học sinh cũng như gia đình, xã hội khi xác định khả năng bản thân và nhu cầu lựa chọn công việc trong tương lai.
Học nghề thay vì ĐH là hướng đi đang được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Ảnh minh họa |
Chọn trường nghề thay vì giảng đường ĐH
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội, tính đến hết tháng 4/2016, toàn Thành phố có 76.046 thí sinh (TS) tham dự kỳ thi THPT quốc gia trong đó số đăng ký thi tốt nghiệp là 16.390 em (tăng 11.000 em so với năm 2015).
Điều đáng nói, không chỉ Hà Nội, số liệu thống kê từ một số địa phương khác có từ 40-70% TS đăng ký dự thi ở các cụm địa phương để xét tốt nghiệp, sau đó đi học nghề, đi làm thay vì học ĐH.
Điển hình tại Hòa Bình có khoảng 8.100 TS thì trên 5.600 em đăng ký thi để lấy kết quả công nhận xét tốt nghiệp (chiếm tỷ lệ gần 70%), tăng hơn 10% so với năm ngoái.
Cũng như vậy ở tỉnh Lào Cai, thống kê của Sở GD&ĐT cho thấy, toàn tỉnh có trên 6.000 học sinh đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2016, trong đó có 3.199 TS đăng ký dự thi với mục đích xét tốt nghiệp.
Còn tại tỉnh Hà Giang, năm nay có tới 73% TS đăng ký dự thi để được xét tốt nghiệp.
Ngay cả những địa phương luôn đạt tỷ lệ cao về TS thi đỗ vào các trường ĐH như Vĩnh Phúc, Nghệ An cũng chứng kiến tỷ lệ TS đăng ký chỉ thi tốt nghiệp tăng mạnh.
Tại tỉnh Vĩnh Phúc số TS đăng ký xét tốt nghiệp năm 2016 là 69% trong khi năm 2015 là 55%.
Còn Nghệ An năm nay có hơn 31.000 TS tham dự kỳ thi THPT quốc gia, trong đó có 12.000 em chỉ đăng ký dự thi để lấy kết quả công nhận tốt nghiệp (chiếm 40%), Một số trường THPT ở Nghệ An có số lượng TS không đăng ký xét tuyển ĐH-CĐ rất cao như THPT Nguyễn Huệ hơn 90%; THPT Đinh Bạt Tụy gần 97%…
Về xu hướng trên, ông Nguyễn Anh Ninh, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai nhìn nhận tỷ lệ TS đăng ký dự thi chỉ để xét tốt nghiệp tại địa phương cao hơn so với năm 2015 không chỉ ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn mà cả những đô thị lớn, những tỉnh đồng bằng, thuận lợi về kinh tế là điều đáng mừng.
Cùng chung quan điểm này, ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Kon Tum cho rằng qua 2 năm thực hiện kỳ thi THPT quốc gia, việc TS ở những vùng sâu, vùng xa đăng ký dự thi ĐH giảm ngoài lý do kinh tế khó khăn còn vì vấn đề hướng nghiệp trong trường học đã được thực hiện tốt hơn.
Đơn cử tại “đất học” Nghệ An hiệu quả của hoạt động hướng nghiệp trong các trường THPT được đánh giá ngày càng cao. Trong số các trường THPT công lập thì Trường THPT Cửa Lò 2 (thị xã Cửa Lò) là trường có TS đăng kí dự thi lấy kết quả công nhận tốt nghiệp THPT hơn 77% số học sinh khối 12. Cách hướng nghiệp của nhà trường dựa trên việc xác định xu hướng xuất khẩu lao động được xem là một trong những mũi nhọn phát triển kinh tế của địa phương nhiều năm nay. Vì vậy, nhà trường đã đẩy mạnh hướng nghiệp vào những học sinh có nguyện vọng xuất khẩu lao động ra nước ngoài và hiệu quả đã đạt được như mong muốn.
Ảnh TTXVN |
Xu hướng cần khuyến khích
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý giáo dục bày tỏ quan điểm ủng hộ và cần khuyến khích xu hướng thay vì vào ĐH bằng mọi giá nhưng có nguy cơ thất nghiệp lớn. Lựa chọn học nghề giúp học sinh tiết kiệm thời gian học, thời gian dạy, chi phí cơ sở vật chất, giáo dục, đồng thời bớt đi chi phí về an sinh xã hội, tìm việc làm sau này.
Theo ông Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, sự khác biệt của hệ thống đào tạo nghề so với giáo dục ĐH là khả năng thực hành nghề nghiệp ở trình độ cao, điều mà các trường ĐH không có thế mạnh và cũng không phải là mục tiêu đào tạo.
“Nhiều năm trở lại đây, các doanh nghiệp luôn có nhu cầu tuyển dụng số lượng lớn các ứng viên có kỹ năng nghề bậc với mức lương rất cạnh tranh. Họ cần nhiều người có khả năng làm ra sản phẩm và ít người có khả năng thiết kế sản phẩm. Rõ ràng, ưu thế cạnh tranh nghề nghiệp đã nghiêng về phía người lao động đã qua đào tạo nghề”, ông Ngọc nói.
Từ góc độ đơn vị giới thiệu việc làm, bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên Hà Nội nhận xét: Vài năm trở lại đây, lao động có trình độ CĐ, ĐH ngày càng khó tìm được việc như mong muốn, thậm chí khó xin việc và lương thấp hơn lao động đã qua học nghề. Lao động tốt nghiệp THPT, nhân viên kỹ thuật sẽ được trả lương theo tay nghề nên có thu nhập tương đối cao. Một thợ hàn có tay nghề bình thường lương 6 triệu đồng/tháng, thợ hàn sử dụng công nghệ lành nghề có thu nhập 10-12 triệu đồng/tháng.
Thực tế trên cho thấy xu thế học sinh chọn vào học ĐH ngày một giảm là tín hiệu đáng mừng khi nhận thức của học sinh và các bậc cha mẹ về ngành nghề, bằng cấp đã thay đổi.
Với nhiều cơ hội học nghề 1-2 năm là học sinh có thể đi làm có thu nhập cho bản thân và lo cho gia đình sẽ bớt cảnh “giấu bằng cử nhân đi làm công nhân”, và có nhiều hơn đội ngũ “làm thợ” giỏi, tạo sự hài hòa trong việc sắp xếp nhân lực cho các ngành sản xuất.
chinhphu.vn
Ý kiến bạn đọc