Hội nhập ASEAN và cơ hộiphát triển văn hóa của tỉnh
BHG - Hội nhập cộng đồng chung ASEAN đang mang lại nhiều cơ hội và thách thức cho việc phát triển văn hóa ở nhiều địa phương. Vậy tỉnh Hà Giang có thể tận dụng những cơ hội nào để thúc đẩy văn hóa phát triển? Tìm hiểu vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Hà Giang đã có cuộc phỏng vấn đồng chí (đ/c) Lâm Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL tỉnh.
PV: Thưa đồng chí, hiện nay trong bối cảnh đất nước ta đang tích cực hội nhập với cộng đồng chung ASEAN, vậy xin đồng chí cho biết việc hội nhập ASEAN đã mang lại những cơ hội gì cho sự nghiệp phát triển văn hóa ở tỉnh?
Đ/c Lâm Tiến Mạnh: Hội nhập với cộng đồng chung ASEAN đã mang lại nhiều cơ hội phát triển văn hóa Việt Nam nói chung và tỉnh Hà Giang nói riêng. Cụ thể: Các di sản văn hóa được kiểm kê, bảo quản, tôn tạo; các công trình trọng điểm về văn hóa được đầu tư, trùng tu, nâng cấp; nhiều hoạt động văn hóa dân gian và lễ hội truyền thống được phục hồi. Bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc Hà Giang có cơ hội quảng bá rộng rãi trong nước và quốc tế thông qua các diễn đàn hợp tác phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các hội chợ trưng bày triển lãm trong nước và quốc tế, các sự kiện văn hóa cấp khu vực, quốc gia và quốc tế... Văn hóa đã trở thành tiềm năng mở ra hướng phát triển du lịch cho đồng bào các dân tộc tỉnh nhà.
PV: Bên cạnh những thuận lợi, chúng ta đang gặp phải những khó khăn, thách thức gì?
Đ/c Lâm Tiến Mạnh: Những biến đổi to lớn trong quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, mở cửa, giao lưu và hội nhập quốc tế đang tác động sâu sắc, toàn diện đến sinh hoạt, bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Những vấn đề như: Xung đột giữa yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa và nhu cầu của đời sống thực tế; sắc thái văn hóa địa phương và tộc người đang có nguy cơ bị suy giảm về biến đổi không gian làng, bản; biến đổi tri thức bản địa, môi trường văn hóa; sự đứt gãy giữa các thế hệ trong việc bảo tồn các giá trị văn hóa; sự biến đổi không bình thường của đời sống tín ngưỡng, tôn giáo và sự tồn tại của một số hủ tục; nguy cơ về sự ra đời của một đời sống tinh thần không có bản sắc đang hiện hữu. Đây chính là một thách thức đối với quá trình giữ gìn và phát huy nền tảng văn hóa tinh thần trong cộng đồng.
PV: Tận dụng những cơ hội từ hội nhập ASEAN, do vậy định hướng phát triển văn hóa của tỉnh nhấn mạnh vào những điểm nào và giải pháp để áp dụng những định hướng đó tại tỉnh?
Đ/c Lâm Tiến Mạnh: Định hướng phát triển văn hóa của tỉnh trong những năm tới là tập trung bảo tồn và phát huy có chọn lọc các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS). Biến những giá trị văn hóa độc đáo thành sản phẩm du lịch để phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo. Đặc biệt, hỗ trợ sự phát triển ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, kiến trúc truyền thống... của các dân tộc thiểu số. Gắn kết chặt chẽ những hoạt động xây dựng đời sống văn hóa với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với từng khu vực, từng vùng, từng dân tộc, tôn giáo. Ưu tiên đầu tư cho việc giữ gìn và phát huy các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống của các DTTS. Phát triển và hiện đại hóa mạng lưới thông tin đại chúng, nâng cao chất lượng các sản phẩm văn hóa, thông tin phù hợp với khu vực đồng bào DTTS. Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng. Tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa cấp địa phương, vùng, miền và toàn quốc...
Để làm được những điều trên cần đào tạo nguồn nhân lực nòng cốt cho bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc ở cấp huyện, cấp tỉnh. Đảm bảo mối quan hệ hài hòa giữa phát triển văn hóa và kinh tế. Chủ động tham gia các chương trình hoạt động, lễ hội, biểu diễn văn hóa, nghệ thuật cấp tỉnh, vùng và quốc gia định kỳ hàng năm. Huy động nguồn tài chính từ ngân sách nhà nước, xã hội hóa, các nguồn viện trợ chính thức đầu tư cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội. Tham mưu cơ chế chính sách đặc thù cho việc bảo tồn và nâng cao đời sống văn hóa cho vùng DTTS. Trong đó chú ý các chính sách, chế độ khuyến khích các nghệ nhân trao truyền di sản văn hóa cho thế hệ trẻ; lồng ghép với các chính sách ưu đãi đối với nghệ nhân dân gian các dân tộc đã được Nhà nước công nhận.
PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí
THỰC HIỆN: LÊ HẢI
Ý kiến bạn đọc