Hãy khơi dậy đam mê đọc sách cho giới trẻ!
BHG- Sách là nguồn cung cấp tri thức vô tận, là người bạn đồng hành thân thiết nhất đối với cuộc sống của mỗi người. Vậy nhưng, trong giai đoạn bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay, khi mà tất cả các thông tin đều có thể tìm kiếm thông qua một cú “nhấp chuột”, thì dường như, niềm đam mê đọc sách, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ đang dần bị lãng quên.
Với hơn 3.000 đầu sách và được bổ sung thường xuyên, thư viện trường PTDT Nội trú tỉnh đáp ứng đầy đủ nhu cầu tra cứu thông tin của học sinh. |
Theo thông tin từ Thư viện tỉnh - nơi thu thập, bảo quản vốn tài liệu, cung cấp thông tin phục vụ cho nhu cầu học tập, nghiên cứu, giải trí của mọi người thông qua việc tổ chức phục vụ bạn đọc, xây dựng phong trào đọc sách, từng bước hình thành thói quen đọc sách cho mọi tầng lớp nhân thì tổng số sách hiện có trong Thư viện tỉnh là trên 120.000 bản. Trong năm 2015, đơn vị này đã bổ sung được 8.688 cuốn sách, duy trì bổ sung 125 loại báo, tạp chí phục vụ bạn đọc tại Thư viện tỉnh và phục vụ cho cơ sở; số bạn đọc đăng ký thẻ và duy trì phục vụ trong năm gần 1.900 thẻ; số lượt bạn đọc được phục vụ tại Thư viện và tủ sách là: 77.456 lượt; phối hợp với các cơ quan, đơn vị, trường học... trưng bày phòng đọc báo Xuân, giới thiệu sách, tổ chức các hoạt động tuyên truyền Ngày Sách và Văn hoá đọc năm 2015, “Ngày hội sách và bản quyền Thế giới 23.4”; trưng bày triển lãm sách nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn, các sự kiện lớn của đất nước và địa phương thu hút hàng ngàn lượt người tham gia.
Tại trường PTDT Nội trú tỉnh, là một trong những trường có nhiều hoạt động chăm lo đến việc đọc sách của học sinh, cô giáo Đỗ Lệ Hằng Thi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Với hơn 3.000 đầu sách ở tất cả các lĩnh vực đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu đọc, nghiên cứu, tìm kiếm thông tin của học sinh; việc bổ sung các đầu sách luôn được nhà trường quan tâm, tạo cơ hội cho học sinh tiếp cận hiệu quả nhất đối với các loại tài liệu; thường xuyên phối hợp với thư viện tỉnh tổ chức các chương trình đọc sách, giới thiệu sách; tổ Ngữ văn chuyển thể các tác phẩm văn học thành kịch bản sân khấu cho các em học sinh hóa thân vào nhân vật, tạo sân chơi trí thức và thu hút đông đảo học sinh tham gia”.
Có mặt tại trường vào hai ngày nghỉ cuối tuần, chứng kiến đông đảo học sinh say mê đọc sách tại thư viện, sẽ thấy được nơi đây niềm đam mê đọc sách đang được nuôi lớn từng ngày. Em Vàng Thị Hiền, học sinh lớp 12A3 chia sẻ về niềm đam mê của mình: “Em thích đọc sách, đọc bất cứ lúc nào có thời gian; đó có thể là cuốn tài liệu phục vụ cho các môn học, có thể là một tiểu thuyết văn học nổi tiếng, những cuốn sách khoa học, lịch sử hay những cuốn truyện ý nghĩa về cuộc sống... Sách không chỉ giúp bổ trợ kiến thức mà mỗi cuốn sách mở ra cho em một khoảng tri thức riêng, giúp em lớn lên trong từng suy nghĩ”.
Khảo sát của phóng viên tại một số trường học trên địa bàn tỉnh cho thấy, hầu hết các trường đều có thư viện, không gian đọc sách và nhiều đầu sách phục vụ cho nhu cầu tìm kiếm thông tin của học sinh; nhiều em học sinh vẫn “nặng lòng” với sách. Tuy nhiên, thực tế, con số ấy không nhiều, bởi điều dễ nhận thấy là phần lớn độc giả tiếp cận sách chủ yếu thông qua các hoạt động tuyên truyền giới thiệu sách trực tiếp của thư viện và các hoạt động của nhà trường liên quan đến sách, còn để độc giả hình thành được thói quen và niềm đam mê đọc sách, tìm đến với sách vẫn còn rất nhiều khó khăn.
Một học sinh của trường THPT L.H.P cười khi được hỏi về thói quen đọc sách: “Thỉnh thoảng em mới đọc sách, chủ yếu là truyện, còn khi cần thông tin thì em tìm kiếm trên mạng, nhanh và hiệu quả hơn”. Không thể phủ nhận hiệu quả mà công nghệ thông tin mang lại cho con người trong xã hội hiện tại, tuy nhiên khi được hỏi thêm về những thông tin mỗi ngày đọc được trên mạng, em học sinh này cho biết: Mỗi ngày vào mạng cả chục lần, chủ yếu đọc các thông tin giật gân, bạo lực, những nhân vật trong làng giải trí, những vấn đề mà mạng xã hội quan tâm... Đây có lẽ không chỉ là thói quen của riêng bản thân em học sinh này mà gần như là “đam mê” của nhiều người khác, đặc biệt là giới trẻ. Khi nhan nhản những thông tin không được kiểm chứng trên mạng cuốn lấy rất nhiều thời gian của mọi người, thì ở một góc khác, chỉ cần một trang sách mỗi ngày có thể giúp bạn có một kho kiến thức khổng lồ lại đang bị độc giả lãng quên.
Với góc độ bài viết này, không thể nói hết những vấn đề về việc tiếp cận thông tin hiện nay, chỉ hy vọng các cấp, các ngành, các đơn vị trường học và cả phụ huynh học sinh hãy vào cuộc khắc phục khó khăn, khơi dậy những “Hạt giống tâm hồn” từ niềm đam mê đọc sách, đừng để thế giới smartphone xâm chiếm hết không gian sống, học tập của con em mình.
AN GIANG
Ý kiến bạn đọc