Duy trì và phát huy thành quả giáo dục ở Quản Bạ
BHG- Những năm qua, sự nghiệp giáo dục của huyện Quản Bạ có nhiều khởi sắc với các thành quả bằng tất cả sự nỗ lực, quyết tâm. Tuy nhiên, là một trong những huyện trong diện 30a nên vẫn còn vô vàn khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhất là tại những điểm trường vùng sâu, vùng xa... Đây cũng là “bài toán” mà các cấp lãnh đạo huyện Quản Bạ trăn trở trong thời gian qua.
Điểm trường Na Quang, trường PTDT Bán trú Tiểu học Bát Đại Sơn, xã Bát Đại Sơn (Quản Bạ) là một trong những điểm trường cần được nâng cấp, xây dựng mới để đảm bảo đủ điều kiện cho công tác dạy và học. |
Nhìn lại năm 2015, huyện Quản Bạ đã duy trì, giữ vững 9 trường học đạt chuẩn và chuẩn phổ cập các bậc học; hoạt động của các Trung tâm học tập cộng đồng và phong trào khuyến học, khuyến tài thường xuyên được quan tâm. Thực hiện có hiệu quả công tác đưa văn hóa truyền thống vào truyền dạy tại 13 trường THCS. Tỷ lệ huy động trẻ trong độ đến trường trong năm học 2015 - 2016 đều đạt trên 100% so với Nghị quyết đề ra. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào những kết quả đó thì chưa thấy hết được những khó khăn trong sự nghiệp giáo dục của huyện Quản Bạ hiện nay.
Trong thời gian qua, được sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước cùng sự giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân về xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển KT-XH, huyện Quản Bạ đã có chuyển biến tích cực, nhất là đối với sự nghiệp giáo dục. Các trường học và một số điểm trường thuận lợi về giao thông cũng đã được xây dựng khang trang, đảm bảo cho công tác giảng dạy, học tập. Tính đến hết năm 2015, toàn huyện đã có 43 đơn vị trường học được xây dựng mới. Nhưng với điều kiện kinh tế của một huyện nghèo nên kinh phí đầu tư xây dựng toàn bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cho giáo dục để đảm bảo công tác dạy, học là hết sức cấp thiết. Bởi, toàn huyện Quản Bạ qua rà soát thực trạng và nhu cầu đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học cho giáo dục Mầm non, Tiểu học và THCS trong giai đoạn 2016 - 2020 toàn huyện cần 510 phòng học để học sinh các cấp không phải học trong những phòng học tạm bợ, xuống cấp hay nhờ ở trụ sở thôn, bản và ghép lớp. Cùng với đó, không chỉ thiếu về cơ sở vật chất mà ngay cả trang thiết bị, đồ dùng dạy học cũng là nhu cầu cấp thiết để giáo dục Quản Bạ đầy đủ điều kiện giảng dạy, học tập. Đồng chí Hạng Dương Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Quản Bạ cho biết: “Những năm qua, sự nghiệp giáo dục của huyện đã có nhiều chuyển biến, đội ngũ giáo viên phát triển cả về số lượng và chất lượng. Các trường, lớp học, nhà lưu trú giáo viên, học sinh đã, đang được đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy, học. Để có được điều này chính là nhờ các đơn vị, tấm lòng hảo tâm của các cá nhân, nhóm từ thiện giúp đỡ đầu tư xây dựng những điểm trường, trao tặng nhiều suất học bổng, tặng quà học sinh có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Nhờ vậy, trong năm qua, huyện Quản Bạ đã được xây dựng mới hơn 40 trường học kiên cố, khang trang. Nhưng đó mới chỉ chủ yếu tập trung ở trường chính, trung tâm huyện, xã còn các điểm trường với điều kiện của địa phương không thể đầu tư, nâng cấp ngay được trong thời gian tới...”.
Để sự nghiệp giáo dục của huyện Quản Bạ duy trì bền vững và phát huy những kết quả đạt được, đồng thời từng bước tháo gỡ những khó khăn, huyện Quản Bạ đã đề ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể phù hợp với từng địa bàn nhằm từng bước tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học. Cùng với đó, huyện cũng sẽ đề cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhà trường, gia đình và xã hội đối với công tác giáo dục. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục nhằm kêu gọi sự quan tâm giúp đỡ của các tổ chức, tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh để từng bước đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy, học tập để cho các thầy, cô giáo vững tin đứng lớp, bám trường, các em học sinh có đầy đủ điều kiện học tập, trau dồi kiến thức mai sau góp sức xây dựng Quản Bạ phát triển.
Phi Anh
Ý kiến bạn đọc