Xuân về trẩy hội Lồng Tông
BHG- Ngay sau Tết Nguyên đán Bính Thân, khi cánh hoa đào còn vẹn nguyên sắc thắm, đồng bào Tày sinh sống tại xã Quang Minh (Bắc Quang) lại nô nức tìm về Sân vận động trung tâm xã để tham dự Lễ hội (LH) Lồng Tông, được tổ chức thường niên vào ngày 6 tháng Giêng âm lịch. Trong tiết trời se lạnh với lớp sương mù giăng kín vẫn ngời sáng niềm vui trên từng gương mặt đồng bào – niềm vui ngày hội, niềm vui gìn giữ nét đẹp văn hóa độc đáo của người Tày.
Mâm Tồng dâng lên thần linh được đồng bào Tày chuẩn bị chu đáo. |
Trong cộng đồng các dân tộc xã Quang Minh, đồng bào Tày chiếm phần đông dân số toàn xã. Cùng với cây đàn tính, làn điệu hát then, đồng bào Tày còn lưu giữ nhiều nét sinh hoạt văn hoá thể hiện khát vọng tín ngưỡng về nông nghiệp. Điều đó được thể hiện sinh động qua LH độc đáo – Lồng Tông (hay LH Xuống đồng). Hàng năm cứ mỗi độ Xuân về, từ ngày 6-10 tháng Giêng âm lịch, khi cây cối đón những hạt mưa Xuân đầu tiên và hé chồi non trên cành, cộng đồng người Tày ở xã Quang Minh lại góp mâm lễ vật chay, mặn với tấm lòng thành cùng tổ chức LH. Với đồng bào Tày, đây là LH mang ý nghĩa tâm linh, bày tỏ lòng tạ ơn đất, trời, các thần linh, thổ địa đã phù hộ đồng bào một năm sản xuất mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống yên lành, gia đình ấm no, hạnh phúc. Đồng thời, cầu xin thần Nông, thần Núi, thần Sông và thần Địa phù hộ một năm lao động sản xuất mới với nhiều điều tốt đẹp.
Trước ngày Lễ, mâm Tồng với các vật phẩm chủ yếu từ nông nghiệp như: Bánh chưng, bánh dầy, xôi ngũ sắc, các loại quả,... được đồng bào Tày chuẩn bị chu đáo. Ngày diễn ra LH, tất cả những khát vọng về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, mọi điều an lành đều được đồng bào Tày gửi gắm qua mỗi mâm Tồng, thành kính dâng lên các vị thần linh. Sau phần cúng lễ của chủ tế – cầu cho nắng hạn lui đi, cho mưa tụ dồn về, cho nước dâng đồng thấp, nước ngập đồng cao để cây ngô, lúa ngập bờ, hạt dày hạt mảy, lúa chất đầy sân kho, ngô đầy gác bếp... chính là nghi thức “Xuống đồng” (hay “Lễ Tịch điền”) khai mùa đầu năm. Đây là một trong những nghi thức quan trọng của LH Lồng Tông. Bởi điều này không chỉ mang ý nghĩa nhân văn cầu mong quốc thái, dân an, hướng về nguồn cội (dịp đầu Xuân năm 987, đích thân vua Lê Đại Hành xuống đồng cày ruộng như một thông điệp nhắn nhủ mọi người biết “dĩ nông vi bản” – lấy nông nghiệp làm gốc); mà còn khuyến khích người dân chăm lo sản xuất để tạo nên mùa màng bội thu.
Hội Chọi dê thu hút sự theo dõi của đông đảo khán giả. |
Sau khi hoàn tất phần nghi thức của buổi Lễ, các trò chơi dân gian tại LH như: Đu quay, tung còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ,... thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham gia và thực sự trở thành địa điểm du Xuân lý thú. Trong đó, một trong những hoạt động ấn tượng nhất chính là Hội Chọi dê. Bằng những miếng đòn hiểm hóc và đẹp mắt như hổ lao, khóa sừng đối thủ,... 14 “đấu sĩ” dê của các chủ dê trên địa bàn xã Quang Minh nhận được sự thán phục, cổ vũ nhiệt tình của hàng nghìn khán giả. Anh Nguyễn Ngọc Chính (thôn Khiềm) chia sẻ: Đây là năm thứ 3 gia đình anh có dê tham gia sới chọi. Thông qua LH đã góp phần quan trọng giúp anh và nhiều hộ chăn nuôi khác tích cực chăm sóc, phát triển đàn dê. Từ đó, không chỉ tăng thu nhập cho gia đình mà mỗi khi Xuân về, những chàng dê khỏe mạnh, có kỹ thuật chiến đấu sẽ tham gia sới chọi để tạo nên niềm vui ngày hội Lồng Tông và mang lại may mắn cho người chăn nuôi.
Trao đổi thêm về LH Lồng Tông, Chủ tịch UBND xã Quang Minh, Lê Xuân Thủy cho biết: Từ năm 2010 đến nay, việc phục dựng, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc Tày được cấp ủy Đảng, chính quyền xã Quang Minh đặc biệt quan tâm. Trong đó, tổ chức thành công LH Lồng Tông chính là “chìa khóa” giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn giá trị truyền thống, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng Tày ở xã Quang Minh mỗi dịp Xuân về. Không những vậy, thông qua LH còn góp phần vào việc quảng bá tiềm năng, phát triển du lịch cộng đồng tại địa phương. Trên cơ sở đó, tiếp tục xây dựng xã Quang Minh phát triển bền vững và toàn diện...
Theo thời gian, LH Lồng Tông – nét đẹp văn hóa độc đáo của đồng bào Tày ở xã Quang Minh đã và đang được các thế hệ gìn giữ và lưu truyền. Điều này được ví như “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt và kết nối các thế hệ để bản sắc độc đáo của người Tày mãi là dấu ấn văn hóa đẹp, đậm đà trong nền văn hóa đa dạng của đồng bào các dân tộc.
Bài, ảnh: THU PHƯƠNG
Ý kiến bạn đọc