Tết về bản Mông
BHG - Đã thành thông lệ, vào thời điểm này, đồng bào Mông trên miền đá Mèo Vạc bắt đầu đón Tết sớm. Trong những căn nhà nép mình bên lưng núi hay trên các ngả đường quanh xóm, làng đều đầy ắp tiếng cười và lời chúc nhau năm mới nhiều may mắn. Năm nay, đời sống ấm no nên bà con đồng bào Mông nơi đây đón Tết thêm phần rộn rã.
Khi những cánh đào Phai vẫn còn co mình trong sương mù ngày giữa Đông, chúng tôi về xã Lũng Pù (Mèo Vạc) đúng vào dịp đồng bào Mông nơi đây rộn ràng đón Tết. Bởi theo quan niệm và cách tính của người Mông, họ thường đón Tết sớm trước Tết Nguyên đán một tháng. Đó là lúc họ nghỉ ngơi sau khi lúa, ngô đã thu hoạch. Theo chân Bí thư Đảng ủy xã Lũng Pù, Nguyễn Minh Thuận; chúng tôi tới thôn Lũng Lử A để đón Tết cùng bà con. Thôn Lũng Lử A nằm cách trung tâm xã Lũng Pù chừng 5 km, toàn thôn có 65 hộ với 100% đồng bào Mông sinh sống. Do đặc trưng đồng bào Mông ở Mèo Vạc đón Tết theo dòng họ, mỗi dòng họ tổ chức phần lễ theo từng ngày khác nhau, nên thời gian ăn Tết của mỗi dòng họ cũng khá chênh lệch. Năm nay, dòng họ Sùng ở Lũng Pù gần như đón Tết sớm nhất ở xã.
Các thiếu nữ tung còn trong ngày Tết sớm. |
Đời sống khấm khá, gia đình anh Sùng Mí Nà, thôn Lũng Lử A, xã Lũng Pù có lợn mổ ăn Tết. |
Trong căn nhà vững chãi nằm lưng chừng núi, gia đình anh Sùng Mí Nà đang tất bật chuẩn bị rượu, thịt để tiếp đãi anh em, họ hàng. Năm nay, gia đình có của ăn, của để nên quyết định mổ lợn ăn Tết, mấy người anh em ở tận thôn xa cũng đến từ sớm để giúp gia đình. Chỉ một lúc, con lợn 70 kg được xẻ thịt xong. Gia đình chuẩn bị tới 4 mâm cơm tươm tất đãi khách, số thịt lợn còn lại được ướp muối rồi treo gác bếp sử dụng dần. Nếu như năm trước, chỉ có vài đĩa thịt được mua ở chợ cùng với ít bánh ngô, mèn mén và rượu, thì năm nay, do đời sống được nâng cao nên bữa ăn cũng có nhiều thay đổi. Bữa cơm nhà anh Nà có đến cả chục món ăn, thịt lợn được chế biến thành nhiều món, mèn mén được thay bằng xôi nếp, chén rượu ngô uống vơi rồi lại đầy. Năm nay đón nhiều khách nên gia đình anh vui hơn hẳn, bởi theo quan niệm, ngày Tết nhà nào có nhiều khách đến chơi thì nhà ấy sẽ gặp nhiều may mắn. Bữa ăn ngày Tết của người Mông không phân biệt đàn ông hay phụ nữ, già, trẻ, gái, trai đều có thể ngồi ăn chung. Bởi sau một năm làm lụng vất vả, đây là thời gian để anh em gặp gỡ, kể cho nhau nghe về tình hình đời sống gia đình và chúc cho nhau năm mới nhiều may mắn. Sau khi uống cạn chén rượu mời khách, anh Nà tâm sự: “Mấy năm trước còn khó khăn nên nuôi được con lợn, con bò không dám mổ. Mặc dù thoát nghèo từ năm 2011, nhưng đến năm nay mới có điều kiện mổ lợn đón Tết. Trong thôn cũng có nhiều nhà mổ lợn. Vui lắm!”.
Trong những ngày Tết sớm, trẻ em theo bố mẹ đến các gia đình chúc Tết; thanh niên xúng xính trong quần áo mới trẩy hội trên những con đường quanh xóm, làng và chơi những trò chơi truyền thống. Đây cũng là dịp để các đôi trai gái tỏ tình, có nhiều cặp đã nên duyên vợ chồng. Ngay trước cổng vào UBND xã Lũng Pù, chúng tôi gặp một nhóm thiếu nữ đang chơi tung còn – một trò chơi truyền thống của đồng bào Mông. Những nụ cười giòn tan như xua đi giá lạnh miền sơn cước. Ngại ngùng khi thấy khách lạ nhưng sau một lúc làm quen, em Thò Thị Sinh cho biết, nhóm bạn chơi cùng đều học cùng trường THCS của xã. Có nhà đã ăn Tết, có nhà chưa, nhưng hẹn nhau từ trước để đi chơi cùng nhau. Do phong tục Tết sớm kéo dài khoảng một tuần nên các đơn vị trường học trên địa bàn xã đã tạo điều kiện cho các em được nghỉ học đón Tết cùng gia đình và sẽ tiến hành học bù sau khi ăn Tết xong.
Dù chỉ một ngày chúng tôi vui Tết cùng bà con người Mông trên miền đá Lũng Pù, nhưng cũng đủ ấm lòng khi thấy đời sống của người dân ngày một ấm no. Trên đường trở về, trong màn sương dày đặc và cái rét ngọt ngày giữa Đông cũng không khiến chúng tôi thấy lạnh; bởi đồng bào Mông nơi đây không còn nhiều gia đình phải sợ đói khi Tết về.
KIM TIẾN
Ý kiến bạn đọc