Người phụ nữ "lặn lội thân cò" nuôi 5 con khôn lớn trưởng thành
BHG - Xin được mượn lời trong bài thơ “Thương vợ” của nhà thơ Tú Xương: “Quanh năm buôn bán ở mom sông/ Nuôi đủ năm con với một chồng/Lặn lội thân cò khi quãng vắng...” để đặt tiêu đề cho bài viết này. Bởi đây là những dòng tâm sự có thật, kể về câu chuyện cuộc đời cô Nguyễn Thị Ngọ ở thôn Khuôn Áng, thị trấn Yên Minh (Yên Minh). Một người phụ nữ giàu nghị lực, chồng mất, “thân cò lặn lội” nuôi 5 con ăn học thành tài. Xứng đáng trở thành tấm gương gia đình hiếu học tiêu biểu của Hội Khuyến học huyện Yên Minh.
Câu chuyện một cuộc đời...
Trên đường đi tới nhà cô Ngọ, chị Vi Thị Hoàn, Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Yên Minh không quên nhắc nhở: “Đây là tấm gương gia đình hiếu học tiêu biểu, chồng mất, chủ hộ là người phụ nữ một mình nuôi 5 con ăn học thành tài, giàu nghị lực lắm đấy!”. Lời cô Hoàn nói như mách bảo chúng tôi bước nhanh chân hơn.
Hội Khuyến học tỉnh thăm gia đình cô Nguyễn Thị Ngọ ở thôn Khuôn Áng, thị trấn Yên Minh - gia đình hiếu học tiêu biểu của huyện Yên Minh (Cô Ngọ ngồi thứ 2, bên tay phải vào). |
Trong căn nhà cấp 4 ngổn ngang những nguyên vật liệu làm bún khô (mì chũ), cô Ngọ đang bận rộn với những chậu bột làm hàng cho khách vội vã đưa tay lau những giọt mồ hôi lăn dài trên khuôn mặt; cô niềm nở tươi cười chào đón chúng tôi vào nhà. Tiếp chúng tôi bên ấm nước chè xanh, cô Ngọ tâm sự: Sinh năm 1954 ở Chương Mỹ, Hà Nội. Năm 1979, tôi kết duyên với ông xã là người Yên Minh làm bộ đội đóng quân gần nhà. Xây dựng kinh tế gia đình với hai bàn tay trắng, có với nhau 5 đứa con, cuộc sống gia đình những ngày tháng ấy cũng khó khăn lắm. Năm 1988, vợ chồng tôi đưa các con lên Yên Minh quê chồng sinh sống. Ở với gia đình ông bà nội được vài tháng, chúng tôi ra ở riêng. Khi ấy nuôi 5 con đi học, chúng tôi chỉ có vài sào ruộng, nương ngô, rồi làm thuê, làm mướn để kiếm thêm thu nhập. Cách đây hơn 8 năm, chồng tôi đột ngột qua đời vì tai nạn giao thông mà chưa kịp báo trước gì. Khi ấy gia đình có 3 cháu đang đi học chuyên nghiệp, 1 cháu mới đi làm, còn 1 cháu chưa xin được việc. Mọi sự quá bất ngờ, ông ấy bỏ bố mẹ, bỏ vợ bỏ con đi mà không một lời trăng trối. Nhiều khi, các con đòi bỏ học về phụ giúp, nhưng tôi luôn khuyên bảo các cháu chịu khó ăn học vì “đời bố mẹ đã khổ, các con phải cố gắng ăn học trưởng thành”. Tuy vất vả, nhưng con cái biết thương bố mẹ nên tôi cũng yên tâm.
Những ngày tháng ấy, mọi việc chỉ như giấc mơ, trong chốc lát nỗi đau đớn mất chồng khiến cô Ngọ tưởng chừng gục ngã hoàn toàn, nhưng khi bình tĩnh lại nhìn những đứa con đang tuổi ăn học, cô lại gượng dậy sống và làm việc. Cô làm đủ mọi việc để kiếm ra tiền, nuôi các con ăn học. Gánh vác mọi công việc với vai trò như một trụ cột gia đình, nên cô làm việc như một cái máy không biết mệt mỏi. Nhiều đêm, cô Ngọ thức trắng, nhưng nghĩ đến những đứa con, cô lại mạnh mẽ bước tiếp. Người phụ nữ có nước da bánh mật, khuôn mặt hao gầy vì nắng sương, đôi mắt ưu tư với cái nhìn xa xăm, kể về những ngày tháng khó khăn nhất một mình nuôi các con ăn học khi chồng qua đời, ám ảnh chúng tôi qua câu chuyện của gia đình cô. Cô làm suốt từ sáng tới khuya, mong sao có đủ tiền trả nợ, nuôi con. Nhiều khi thèm một giấc ngủ trưa, nhưng cô không dám. Hễ rảnh, cô lại nấu rượu, bắt ốc, chăn dê, nuôi thêm con lợn để kiếm thêm thu nhập. Nghĩ về những ngày tháng đã qua, cô Ngọ lại ứa nước mắt.
Hạnh phúc khi các con trưởng thành
Hơn 8 năm qua, kể từ khi chồng mất, cô Ngọ một mình chèo lái con thuyền gia đình qua cơn bĩ cực. Con cái đã lớn khôn trưởng thành và lập gia đình gần hết. Căn nhà gỗ trước đây được thay bằng căn nhà cấp 4 kiên cố hơn. Thấu hiểu nỗi vất vả của cha mẹ, cuộc sống khó khăn nơi mà mình sinh sống, các con của cô ai cũng tiết kiệm, chịu khó và học giỏi. Nhắc đến thành tích học tập của con, cô Ngọ rạng rỡ hẳn lên. Chị con gái đầu lòng, là chị Chu Thị Thủy sinh năm 1981, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, hiện chị đang làm giáo viên Trường Mầm non Đông Minh (Yên Minh); anh thứ 2 là Chu Ngọc Duy, sinh năm 1983, tốt nghiệp Khoa Viễn thông Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện đang làm ở viễn thông Yên Minh; chị thứ 3 là Chu Thị Thảo, sinh năm 1985, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang. Nhiều năm liền trong quá trình đi học chuyên nghiệp, chị luôn đạt danh hiệu sinh viên có thành tích xuất sắc trong nhiều hoạt động phong trào. Hiện chị đang là giáo viên Trường THCS Mậu Long (Yên Minh). Anh thứ 4 là Chu Đức Nguyên sinh năm 1987, tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương. Hiện đang là kỹ thuật viên xét nghiệm. Anh thứ 5 là Chu Thành, Long sinh năm 1988, tốt nghiệp Khoa Mỹ thuật Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Giang. Ra trường với tấm bằng giỏi, cùng nhiều thành tích học tập cao. Hiện anh đang là giáo viên Trường Tiểu học Du Tiến (Yên Minh). Những ngày tháng khó khăn cũng dần qua, khi con cái lớn khôn và có công việc ổn định. Giờ đây, khi kinh tế gia đình đã khá lên, con cái đã trưởng thành nhưng cô vẫn hăng say lao động như một thói quen, vẫn tần tảo thức khuya, dậy sớm. Đức tính cần cù, chịu thương chịu khó của cô khiến bà con hàng xóm ai cũng yêu mến và nể phục.
Chia tay cô Ngọ ra về, nhưng hình ảnh người phụ nữ mà tôi gọi là “thân cò lặn lội”, có khuôn mặt trái xoan và đôi mắt sáng cứ đọng lại mãi trong tâm trí tôi. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng tôi và những cán bộ Khuyến học đi cùng thấy trong mắt cô là niềm tự hào, niềm tin ở tương lai, tin vào sự trưởng thành và khôn lớn của các con. Gia đình cô, nghị lực của cô xứng đáng được gọi là gia đình hiếu học tiêu biểu, người phụ nữ “anh hùng” của thời bình.
Bài, ảnh: MỸ HẰNG
Ý kiến bạn đọc