Khơi nguồn "Văn hóa truyền thống"
(Xuân 2016) - Tết đến, Xuân về báo hiệu một năm mới đang đến, đó cũng là thời khắc để huyện Xín Mần điểm lại những kết quả đã đạt được trong năm qua. Năm Ất Mùi khép lại cũng là năm kết thúc giai đoạn I của Đề án “Đưa văn hóa truyền thống vào trường học” mà địa phương thực hiện tại tất cả các trường học, tạo nên điểm “nhấn” trong lĩnh vực văn hóa.
Múa Ngựa giấy – một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Nùng - được đưa vào truyền dạy ở Trường THCS Tả Nhìu. |
Xín Mần được đánh giá cao trong việc đi đầu và thực hiện tốt Đề án “Đưa văn hóa truyền thống vào trường học”. Đề án đã được huyện triển khai mạnh mẽ và có sức lan tỏa rộng rãi mang đến hiệu quả tích cực đến với học sinh tại tất cả các trường học từ cấp bậc Tiểu học đến Trung học trên toàn huyện. Những buổi ngoại khóa, giờ ra chơi, các em học sinh có thêm một môn học văn hóa mới, được các Nghệ nhân dân gian có kinh nghiệm truyền giảng những kỹ năng văn hóa truyền thống dân tộc mình. Qua đó, lưu giữ và bảo tồn được nét đẹp văn hóa phi vật thể của các dân tộc. Đây là một điều cực kỳ cần thiết bởi huyện Xín Mần có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 96% chủ yếu các dân tộc như: Nùng, Tày, Dao, Mông, La Chí... Trong đó, tỷ lệ học sinh chiếm 1/3 dân số của huyện. Mỗi dân tộc có một phong tục, tập quán mang bản sắc văn hóa riêng. Sau giai đoạn I đưa Đề án vào thực hiện tại các trường học đã tạo được mối liên kết gần gũi, chặt chẽ giữa: Trường học – gia đình, giáo viên – học sinh – phụ huynh, tạo nên mối giao thoa văn hóa giữa các vùng, miền và các dân tộc sinh sống với nhau làm tăng thêm Khối Đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn. Những điệu múa Ngựa giấy của dân tộc Nùng, múa Khèn của dân tộc Mông, hát giao duyên của dân tộc Tày... giờ đã không còn xa lạ với các em học sinh tại các trường học trên địa bàn, mà trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống và trưởng thành của mỗi học sinh. Cô giáo Đặng Thị Phận, giáo viên Trường THCS Tả Nhìu cho biết: Ngoài những điệu múa Ngựa giấy, hát lướn của dân tộc mình, các em học sinh dân tộc Nùng có thể múa những điệu múa truyền thống của dân tộc Mông hoặc các làn điệu dân ca của các dân tộc khác và ngược lại. Với quyết tâm cao của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nhà trường, đến nay, 43 trường cấp bậc Tiểu học, THCS và PTDT trên địa bàn đã hoàn thành tốt công việc triển khai Đề án giai đoạn I (2013 – 2015); 100% học sinh biết và chơi được các nhạc cụ của dân tộc mình. Qua đó, tác động mạnh mẽ thay đổi suy nghĩ, giáo dục kỹ năng sống trong các em học sinh từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó, Đề án thực hiện đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học, duy trì sĩ số học sinh tạo tiền đề để giáo dục Xín Mần phát triển và vững bước trên chặng đường mới.
Đồng chí Vũ Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: Kết thúc giai đoạn I, Đề án đã cho thấy tính khả thi cao trong các nhà trường. Nối tiếp thành công đó, giai đoạn II (2015 – 2020) sẽ là giai đoạn mở rộng và nâng cao chất lượng của Đề án bao gồm công tác phân loại chất lượng học sinh để lựa chọn ra các học sinh có năng khiếu của từng môn làm lực lượng nòng cốt đào tạo thành Nghệ nhân dân gian truyền dạy cho thế hệ sau.
Mùa Xuân đến mang theo những mầm xanh đầy sức sống, cũng là mùa diễn ra nhiều Lễ hội của các dân tộc trên địa bàn. Đó cũng là lúc để người dân xích lại gần nhau cùng vui vẻ đón Xuân sang trong những điệu múa, lời hát truyền thống của dân tộc, thể hiện bởi các Nghệ nhân dân gian, người dân và đặc biệt là các em nhỏ đang ngồi trên ghế nhà trường, được cất lên mỗi ngày theo “dòng chảy” bất tận của thời gian càng làm cho mùa Xuân thêm tươi vui!
VĂN LONG
Ý kiến bạn đọc