Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Công bố Danh mục 15 di sản văn hoá phi vật thể Quốc gia
BHG- Theo đó, 15 Di sản văn hóa phi vật thể mới được bổ sung vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia thuộc 5 loại hình: Lễ hội truyền thống; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Nghề thủ công truyền thống; Nghệ thuật trình diễn dân gian; Nghề thủ công truyền thống và Tri thức dân gian.
Chấm sáp tạo dáng hoa văn. |
9 Di sản phi vật thể ở các địa phương được công nhận lần này gồm: Kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông (Hà Giang); Hát Trống quân (Hải Dương); Lễ hội Đền Hát Môn (Hà Nội); Lễ hội Đền Và (Hà Nội); Nghệ thuật Chiêng Mường và Mo Mường (Hoà Bình); Hát Sấng Cọ (hát Ví Lưu Tam) của người Sán Chay (Thái Nguyên); Hội đua bò Bảy Núi (An Giang); Lễ cầu năm mới, cầu mùa của người Dao (Tịu siằng thun boaù liu), tỉnh Bắc Kạn.
Kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh của người Mông, Hà Giang được duy trì từ thế hệ này sang thế hệ khác, họ sử dụng sợi lanh làm ra nhiều sản phẩm sử dụng trong sinh hoạt gia đình hàng ngày như: Áo, váy, gối, túi, khăn… đạt tới trình độ kỹ thuật và nghệ thuật cao, nhất là trong bố cục và tạo dáng hoa văn. Có thể thấy các sản phẩm làm từ cây lanh rất phong phú về kiểu loại, đa dạng về màu sắc, vừa sinh động, vừa mang bản sắc tộc người rõ nét, lại vừa thể hiện sự giao lưu văn hóa mạnh mẽ trong đời sống các dân tộc. Chính vì vậy, nhiều nhà nghiên cứu đã coi hoa văn trên các sản phẩm dệt lanh là nguồn sử liệu quý để nghiên cứu về lịch sử tộc người và quan hệ tộc người. Như vậy, có thể khẳng định nghề trồng lanh dệt vải của người Mông đã có quá trình lịch sử phát triển rất lâu đời.
Hiện nay, kỹ thuật trồng lanh và dệt vải lanh thủ công truyền thống ngoài việc góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa cổ truyền của người Mông mà giải quyết việc làm, tăng thu nhập đem lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống, xóa đói, giảm nghèo bền vững cho người dân địa phương, đồng thời có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch trên vùng “Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn” của tỉnh Hà Giang.
Quang Bách (Bảo tàng Hà Giang)
Ý kiến bạn đọc