Lễ hội Làng nghề truyền thống thêu, dệt vải lanh Lùng Tám: Khơi dậy tiềm năng
BHG- Nép mình bên dòng sông Tráng Kìm êm đềm, cùng với các xã Đông Hà, Cán Tỷ; xã Lùng Tám (Quản Bạ) đang từng bước vươn lên thoát nghèo bằng chính nguồn lực thế mạnh sẵn có của địa phương. Dệt vải lanh vốn là nghề truyền thống, lâu đời của dân tộc Mông và nay đã, đang được phục hồi, không chỉ tạo việc làm cho người dân trong xã, mà còn là điểm thu hút du khách khi đến với Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn.
Lùng Tám như được trời phú cho cả một vùng đất mầu mỡ, tươi tốt bởi sự bồi đắp phù sa thường xuyên của dòng Tràng Kìm nên không chỉ giúp cho người dân nơi đây phát triển nông nghiệp mà còn giúp cho nghề dệt vải lanh phát triển bền vững. Trong câu chuyện với chị Vàng Thị Mai, Chủ nhiệm HTX Lanh Lùng Tám về nghề làm vải lanh, chúng tôi càng thêm hiểu được về người phụ nữ Mông cũng như tâm tư, tình cảm của người vùng cao: “Nghề thêu, dệt vải lanh đã có từ rất lâu rồi; đời trước truyền nghề cho đời sau và bất cứ người phụ nữ Mông nào đến tuổi trưởng thành cũng phải biết se lanh, dệt vải. Việc dùng vải lanh đã trở thành tập quán, truyền thống của đồng bào. Cùng với đó, vải lanh có vị trí rất quan trọng trong đời sống tâm linh vì người Mông quan niệm: Sợi lanh là sợi chỉ dẫn đường cho linh hồn người chết về với tổ tiên và đưa linh hồn của tổ tiên về đầu thai lại với con cháu. Ngoài ra, việc dệt vải lanh còn thể hiện sự khéo tay, chăm chỉ. Đó cũng là tiêu chí để đánh giá tài năng, đạo đức, phẩm chất, cách làm ăn của chị em phụ nữ và đây cũng là tiêu chí chọn vợ của các chàng trai dân tộc Mông...”.
Các sản phẩm vải lanh của xã Lùng Tám thu hút đặc biệt sự quan tâm của du khách thập phương khi đến với Công viên Địa chất toàn cầu - Cao nguyên đá Đồng Văn. |
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết thêm về quá trình hình thành tấm vải lanh mới thấy được sự chăm chỉ, cần mẫn, miệt mài của người con gái Mông. Việc biến cây lanh thành những tấm vải lanh hoàn chỉnh phải qua rất nhiều công đoạn khó, đòi hỏi sự nhẫn nại, bền bỉ từ việc trồng lanh, thu hoạch, phơi khô, tước vỏ cho đến se sợi, lên khung, dệt vải, nhuộm chàm, vẽ sáp ong... Ở mỗi công đoạn đòi hỏi kỹ thuật và sự khéo léo riêng. Ngoài các sản phẩm thổ cẩm truyền thống còn có nhiều sản phẩm mới, độc đáo mà các chị em hội viên đã tạo nên như: khăn quàng cổ, túi xách, vỏ gối, những tấm vải nhiều màu sắc với các hoạ tiết hoa văn tinh tế như hình hoa lá, chim, thú, trời, đất, thần linh...
Bà Hạng Thị Pà, một trong những xã viên gắn bó với HTX Lanh Lùng Tám từ những ngày đầu mới thành lập, tâm sự: “Phụ nữ dân tộc Mông không chỉ giỏi dệt vải mà còn có kỹ thuật nhuộm chàm rất đặc biệt. Nhuộm chàm là công việc vất vả, mất nhiều thời gian, đòi hỏi tính kiên nhẫn cao. Muốn có mầu chàm đen như ý, phải được nhuộm nhiều lần, trong nhiều ngày...; chính vì vậy mà mầu chàm của người Mông ở đây rất bền và luôn cho cảm giác tươi mới”. Và một trong những điều đặc biệt tạo nên thương hiệu của vải lanh chính là việc tạo hoa văn, họa tiết trên váy, khăn đội đầu, thắt lưng hoặc mặt địu... Nó được thể hiện bằng kỹ thuật thêu tay, đắp vải mầu và vẽ hoa văn sáp ong. Đây là công đoạn khó, đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và sáng tạo của người thợ
HTX sản xuất lanh truyền thống Hợp Tiến thành lập không chỉ tập trung phát triển kinh tế, làm giàu cho những hộ trong HTX mà còn tích cực tạo điều kiện giúp đỡ nhiều hộ khác trong thôn, trong xã cũng như các xã lân cận về kỹ thuật để họ biết cách làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương có thu nhập, thu hút khách du lịch đến với xã Lùng Tám và góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa của xã, của huyện. Uy tín của HTX sản xuất lanh truyền thống Hợp Tiến ngày một nâng cao. Những sản phẩm vải lanh Lùng Tám trở thành một hình ảnh đẹp ấn tượng và khó quên. Đặc biệt, công nghệ dệt vải làm thủ công bằng khung dệt truyền thống, không có sự can thiệp của máy móc là yếu tố thu hút khách du lịch tìm mua thổ cẩm Lùng Tám. Theo nhiều ý kiến của khách hàng thì chính những nét nguyên bản của nghề dệt lanh truyền thống là sự hấp dẫn họ lựa chọn sản phẩm của xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ.
Đến nay, sản phẩm lanh Lùng Tám làm ra ngày càng nhiều và chất lượng không ngừng tăng lên. Những sản phẩm này đã theo chân bao du khách đến khắp mọi miền đất nước và cũng đã xuất khẩu sang hơn 20 nước, trong đó, có những thị trường đặc biệt ưa chuộng như các nước: Mỹ, Nhật Bản, Pháp, Thụy Sỹ... Các sản phẩm này đi khắp các nước đều nhận được sự ưa chuộng của khách hàng bởi nét độc đáo của sản phẩm với chất liệu truyền thống tự nhiên.
Với việc song hành cùng Lễ hội hoa Tam giác mạch tỉnh Hà Giang lần thứ Nhất năm 2015, việc huyện Quản Bạ tổ chức thành công Lễ hội Làng nghề truyền thống thêu, dệt vải lanh xã Lùng Tám lần thứ Nhất - 2015 đã góp phần không nhỏ vào việc tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch về Cao nguyên đá, thu hút nhà đầu tư, từng bước khai thác, phát triển làng nghề dệt lanh Lùng Tám ngày càng có hiệu quả; tạo điểm nhấn để đưa Làng nghề sớm trở thành điểm du lịch, tham quan và mua sắm cho du khách; góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương bằng chính nguồn lực, thế mạnh sẵn có của mình...
PHI ANH
Ý kiến bạn đọc