Phát huy vai trò của địa phương và cộng đồng để quản lý Công viên Địa chất
BHG- Công viên Địa chất Toàn cầu – Cao nguyên đá Đồng Văn (CVĐCTC – CNĐĐV) được thành lập ngày 9.9.2009, theo Quyết định 4846 của UBND tỉnh. Ngày 1.10.2010, Ban điều hành Mạng lưới CVĐCTC của UNESCO chính thức công nhận CNĐĐV là CVĐCTC, mở ra tương lai mới cho mảnh đất địa đầu còn nhiều gian khó.
“Bồng bềnh tiên cảnh” trên vùng đá Sủng Trà, Mèo Vạc. |
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo tồn và phát huy giá trị của CVĐCTC – CNĐĐV, đến nay, hệ thống di sản của CNĐĐV đã được Viện Khoa học địa chất và khoáng sản điều tra, nghiên cứu và xác lập, sơ bộ phân loại. Vừa qua, Dự án khoa học về “Điều tra, khảo sát khoanh vùng ranh giới di sản CVĐCTC – CNĐĐV, Hà Giang” được Ban Quản lí (BQL) CVĐCTC – CNĐĐV phối hợp với Viện Khoa học địa chất và khoáng sản triển khai, hoàn thành. Từ đó giúp cho công tác bảo vệ, phát huy, khai thác hiệu quả các giá trị di sản phục vụ cho phát triển KT – XH, nâng cao đời sống cộng đồng địa phương ở CNĐĐV.
Có thể nói, việc thực hiện Dự án khoa học về “Điều tra, khảo sát khoanh vùng ranh giới di sản CVĐCTC – CNĐĐV, Hà Giang” mang một ý nghĩa cấp thiết đối với công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di sản phục vụ phát triển KT – XH hiện tại và mai sau mà không ảnh hưởng đến các giá trị di sản. Qua điều tra, nghiên cứu phân vùng, xác định các vị trí cần cắm mốc, bảo tồn các giá trị di sản. Theo đó, CVĐCTC – CNĐĐV được phân vùng, xác định 30 cụm di sản, đó là một con số đầy tiềm năng cho việc khai thác, phát huy các giá trị phục vụ phát triển KT - XH.
Nếu được cầm trên tay danh sách các cụm di sản do các nhà khoa học và BQL CVĐCTC – CNĐĐV nghiên cứu, phân vùng, mới có thể có một cái nhìn bao quát về CVĐCTC – CNĐĐV. Từ việc phân vùng, xác định một cách khoa học, giúp các địa phương, giúp tỉnh trong công tác quản lý, khai thác các giá trị di sản một cách hợp lý, đặc biệt là việc phát triển ngành du lịch. Cùng với đó, nếu mỗi du khách, mỗi người nghiên cứu về CNĐĐV có trên tay danh sách các cụm di sản sẽ rất thuận lợi cho việc nghiên cứu, thăm quan...
Với quyết tâm thực hiện các tiêu chí, khuyến nghị của Mạng lưới CVĐCTC về bảo tồn các giá trị di sản vùng CVĐCTC, thực hiện quyết tâm của tỉnh trong việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản phục vụ cho phát triển KT – XH của địa phương, BQL CVĐCTC – CNĐĐV đã xây dựng kế hoạch tổ chức bàn giao các điểm di sản địa chất được khoanh vùng, cắm mốc cho cộng đồng và chính quyền địa phương quản lý, bảo vệ. Theo đó tháng 7 vừa qua, BQL CVĐCTC – CNĐĐV phối hợp với Viện Khoa học địa chất và khoáng sản tổ chức bàn giao di sản cho cộng đồng địa phương các cấp để cùng tham gia quản lý các điểm di sản đã được khoanh vùng, cắm mốc. Trong đợt bàn giao này, có 26 cụm di sản tại 4 huyện Cao nguyên đá được bàn giao cho UBND các huyện, chính quyền các địa phương cơ sở nơi có các cụm di sản.
Nội dung bàn giao các cụm di sản gồm: Bàn giao hồ sơ quản lý như báo cáo thuyết minh cụm di sản, cơ sở dữ liệu các điểm di sản trong cụm, vị trí mốc danh giới các điểm di sản và sơ đồ khoanh vùng của cụm; bản đồ phân bố các điểm di sản. Trên cơ sở nhận bàn giao di sản, chính quyền địa phương và cộng đồng có các di sản sẽ tổ chức bảo vệ, thực hiện các hoạt động kinh tế, khai thác các giá trị di sản không gây ảnh hưởng đến khu vực di sản. Qua việc bàn giao các di sản, cũng là dịp để nâng cao nhận thức của chính quyền các huyện, các địa phương và cộng đồng trong việc chung tay gìn giữ, phát huy các giá trị di sản.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Nguyễn Thanh Giang, Phó Trưởng BQL CVĐCTC – CNĐĐV, cho biết: Để đảm bảo việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản được bàn giao cho chính quyền và cộng đồng, thời gian tới BQL sẽ xây dựng kế hoạch tập huấn, hướng dẫn công tác quản lý, bảo vệ các di sản cho các địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng với các di sản.
HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc