Những ánh mắt trẻ thơ trên Cao nguyên đá!
BHG- 7 năm tuổi nghề, chẳng thể nhớ đã có bao nhiêu chuyến đi về với Cao nguyên đá Đồng Văn. Với tôi, một người cầm bút, mỗi chuyến đi là một trải nghiệm đầy thú vị, không chỉ bởi sự tuyệt diệu, kỳ thú của Công viên địa chất Toàn cầu, mà CÒN là những ánh mắt trẻ thơ trong veo nhưng... “đượm buồn”!
Tôi chưa phải là một “tay máy” giỏi để có thể bắt được “thần thái” trong những đôi mắt trẻ thơ trên Cao nguyên đá, chưa có những tác phẩm báo chí thật sự chất lượng về mảng đề tài này, nhưng trong mỗi chuyến công tác về Cao nguyên đá Đồng Văn, máy ảnh của tôi luôn đầy ắp hình ảnh về các em. Điều đó đôi khi có thể không phải xuất phát từ đôi mắt quan sát của một người làm báo để có tác phẩm báo chí chất lượng, mà từ một trái tim.
Phóng viên Báo Hà Giang (thứ 3 từ trái sang) với trẻ em trên Cao nguyên đá. Ảnh: PV |
Những bức ảnh tôi chụp về các em, có thể là hình ảnh về một bé gái người Mông trên đường đến trường, là niềm vui trong ngày khai giảng năm học mới, là nụ cười hồn nhiên với những trò chơi gọi tuổi thơ về, là bàn tay nhỏ xinh vẫy chào khách du lịch trên đường lên Cột cờ Lũng Cú, là hình ảnh địu em trên lưng, cùng mẹ xuống chợ phiên, hay là đôi vai nặng trĩu những gùi cỏ, củi... băng trên những nương đá tai mèo sắc nhọn, là đứa trẻ trần truồng trong cái mùa đông rét ngọt miền cực Bắc... Mỗi hình ảnh là một nét vẽ khắc họa cuộc sống đầy gian nan, vất vả nhưng luôn hồn nhiên, trong sáng của trẻ thơ trên Cao nguyên đá khiến trái tim tôi xúc động. Tôi chợt nghĩ đến những trẻ em ở thành phố với đầy đủ các điều kiện sống, những trẻ em mà tôi đã có cơ hội để tiếp cận, viết bài, chụp ảnh. Sẽ thật khập khiễng nếu tôi đem hai hình ảnh ấy ra để so sánh, nhưng quả thật, những ánh mắt trẻ em trên Cao nguyên đá có sức hút lạ kỳ hơn, mang lại cho tôi nhiều cảm xúc cầm bút hơn.
Nhớ mãi một lần đi công tác, khi chiếc xe máy đang cố gầm rú để vượt đèo Mã Pì Lèng, tôi bỗng bắt cô bạn đồng nghiệp dừng xe khi thấy hình ảnh những đứa trẻ đang buổi tan trường. Chúng nhỏ bé, leo dốc, len lỏi giữa những lối mòn phủ đầy cây ngô cao ngang ngực người. Hình ảnh ấy ngay lập tức vào ống kính của tôi.
- Em chào cô ạ! Có lẽ trong mắt chúng, chúng tôi là những cô giáo như những cô giáo ở trường học của chúng vậy. Câu chào ấy của một em bé lạ giữa bạt ngàn núi đá tai mèo này khiến lòng chúng tôi ấm lại, xua đi cái mệt mỏi trong những lần tác nghiệp xa. Nhưng thật khó để trò chuyện với các em, chỉ khi tôi đưa máy ảnh cho chúng xem, nhìn thấy hình ảnh của chính mình trong cái máy nhỏ xíu mà không biết vì sao chúng lại “chui” vào đó, chúng mới cười phá lên, rồi nói với nhau bằng ngôn ngữ của người Mông mà tôi không hiểu, nhưng tôi biết, khoảng cách giữa tôi và các em đã được kéo gần.
Em Giàng Mí Lình, mạnh dạn hơn trong đám trẻ nhỏ, trò chuyện khi chúng tôi hỏi thăm, em chỉ tay về phía bên kia quả núi: “Nhà em ở trên đó”. Có thể ai đó sẽ thấy xót xa với quãng đường mà các em phải đi bộ đến trường, nhưng với những bàn chân nhỏ xíu này, việc băng qua những quả đồi để đi học, đi chơi, giúp mẹ đi làm nương... chẳng có gì là ghê gớm cả. “Em học lớp 5, các bạn này học cùng trường”... Nhưng khi tôi hỏi về thành tích học tập, chúng ngập ngừng, chỉ tay vào một người bạn gái đi cùng, rồi quay sang nói chuyện với nhau bằng thứ ngôn ngữ của dân tộc mình. Tôi hiểu là trong đám trẻ hôm nay tôi gặp, có lẽ bạn gái ấy học giỏi nhất, nhưng bạn ấy nhất định không trò chuyện với tôi một câu nào, chỉ cười. Nụ cười cùng ánh mắt đầy hy vọng ấy đủ để tôi có một bức ảnh đẹp với bản thân mình.
Là người làm báo trên miền cực Bắc, tôi chắc chắn phần lớn các nhà báo, phóng viên đều một lần tiếp cận và viết về trẻ em trên Cao nguyên đá, có thể có nhiều cách tiếp cận, những bài viết khác nhau nhưng tôi tin, trẻ em trên Cao nguyên đá vẫn là chất liệu cuộc sống vô cùng phong phú, hấp dẫn, gọi mời và thôi thúc người cầm bút.
Đã có những chuyến đi bị bỏ lỡ, những đề tài tôi chưa thực hiện được vì những lý do riêng, nhưng trẻ em trên Cao nguyên đá mãi mãi nuôi mạch nguồn cảm xúc làm báo trong tôi...
BIỆN LUÂN
Ý kiến bạn đọc