Nghề báo và những chuyến đi
BHG- Đối với phần lớn công chức, viên chức trong các cơ quan, đơn vị nhà nước đơn thuần thì hàng ngày họ thường chỉ ngồi ở cơ quan làm việc theo giờ hành chính. Hay đôi lúc có những chuyến đi công tác ngắn ngày tại cơ sở theo các đoàn đi kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện các chương trình, Đề án, Dự án... Tất nhiên điều này không bao gồm lực lượng vũ trang. Nhưng đối với tôi hay bất kỳ những người làm báo trong tỉnh và các cơ quan báo chí nói chung, những chuyến đi cơ sở ngắn hay dài ngày là điều tất yếu và thường xuyên để tạo nên một sản phẩm báo chí. Và mỗi chuyến đi còn mang đến sự trải nghiệm, cảm nhận về mọi mặt của đời sống xã hội, con người nơi chúng tôi đến.
Bản thân là người trong tỉnh nhưng chỉ đến khi đến với nghề báo tôi mới được đi đến nhiều địa phương như vậy. Đó chỉ là những con số rất nhỏ với một người mới vào nghề, trong Tòa soạn Báo Hà Giang, tôi được nghe các chú, các anh, các chị có thâm niên trong nghề nhiều lần chỉa sẻ rằng: “Nếu tính về số xã thì ít nhất đã từng đến 1 hoặc nhiều lần. Còn với các thôn, bản (toàn tỉnh có trên 2.000 thôn, bản) thì có lẽ mỗi xã cũng phải đi được vài thôn, thậm chí có xã đến nhiều lần thì khả năng đã đi hết các thôn là rất lớn”. Cũng phải khẳng định bây giờ đường giao thông đã thuận lợi hơn rất nhiều, việc đi cơ sở cũng đỡ vất vả. Còn vào những năm 90 của thế kỷ trước, những “lão làng” của Toàn soạn như nhà báo Phan Hùng kể rằng: “Đi đến huyện cũng phải mất một ngày, mà vài ngày mới có một chuyến xe; để vào xã, xóm thì kiểu gì cũng phải đi bộ mất cả buổi, một ngày hoặc thậm chí vài ngày cũng có. Có những chuyển đi phải bám cơ sở cả tháng trời mới trở về Tòa soạn là điều bình thường”.
Cũng bởi những chuyến đi của những người làm báo chúng tôi thường xuyên và liên tục đến mức nhiều khi khiến những người vợ không khỏi tủi thân khi một mình lo toan cho công việc gia đình. Một lần trò chuyện với chị, vợ của một anh phóng viên, tôi được nghe chị bày tỏ: “Anh nhà chị, một tháng có 30 ngày thì đi cơ sở phải đến hơn 20 ngày...”. Trong chia sẻ của chị, tôi thấy tình thương, sự cảm thông với người chồng mà những chuyến đi là đặc thù như nghề báo chúng tôi. Là một người đồng nghiệp nên tôi biết, địa bàn phụ trách của anh phóng viên là huyện Mèo Vạc, một trong những huyện xa nhất tỉnh, kèm theo đó là công tác tháp tùng lãnh đạo tỉnh, rất có thể với những tháng địa bàn phụ trách có nhiều hoạt động lớn, lãnh đạo tỉnh có nhiều cuộc họp và đi kiểm tra tại cơ sở, tần suất xa nhà của anh ấy có thể có lúc sẽ nhiều như thế. Dù vậy, cũng phải khẳng định, đối với phóng viên Báo Hà Giang, từ việc bám nắm địa bàn phụ trách và thực hiện sự phân công đưa tin các hội nghị, theo các đoàn kiểm tra, làm việc, tiếp xúc cử tri ở các huyện, một tháng chúng tôi cũng bám cơ sở trên dưới 10 ngày.
Những chuyến đi của những người làm báo chúng tôi là điều thiết yếu và là đặc thù của nghề. Có thể nó khiến “một nửa cuộc đời” phải vất vả hơn trong chăm sóc gia đình và thậm chí nó cũng khiến chúng tôi vất vả hơn những người cán bộ công chức, viên chức khác. Tuy nhiên, từ mỗi chuyến đi sẽ đem lại cho chúng tôi nhiều góc nhìn về cuộc sống của đồng bào nơi biên cương, cực Bắc của Tổ quốc, qua đó có thể truyền tải đúng thực tế hơi thở cuộc sống vào trong tác phẩm báo chí, đem đến cho người đọc những thông tin sát thực và chính xác. Những chuyến đi tác nghiệp cũng mang lại nhiều trải nghiệm thú vị về những cung đường mà rất nhiều người, thậm chí là ngay chính người dân Hà Giang chưa bao giờ đặt chân tới; những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ; những ánh mắt, nụ cười, bản sắc văn hóa truyền thống đẹp, lạ của đồng bào các dân tộc thiểu số còn đang ẩn mình sau những cánh rừng, ngọn núi... những chuyến đi gắn liền với những người làm báo chúng tôi là vậy.
Duy Tuấn
Ý kiến bạn đọc