Nghề báo cần có bản lĩnh
BHG- Trong xã hội, bất cứ nghề nghiệp gì cũng đều hình thành một tiêu chuẩn. Tuy nhiên nghề viết báo, làm báo còn đòi hỏi một tiêu chuẩn nữa cần phải có, đó là bản lĩnh nghề nghiệp. Trong bài viết này, tôi chỉ muốn chia sẻ và trao đổi với các đồng nghiệp về những kỷ niệm của mình từ khi bước chân vào làm báo.
Cách đây 20 năm, tôi được tuyển vào làm phóng viên của cơ quan báo, một phóng viên trẻ mới vào nghề còn đang bỡ ngỡ, sau một thời gian tìm hiểu học hỏi kinh nghiệm của các anh chị đồng nghiệp đi trước tôi đã dần học được cách làm báo. Lần ấy, đang vào thời điểm mùa mưa tôi được tòa soạn cử đi công tác ở một huyện vùng thấp Bắc Quang, phải vào xã Kim Ngọc để lấy thông tin viết bài. Thời kỳ đó vào năm 1996 đường xá giao thông đi lại rất khó khăn, xe cộ không có phải đi bộ, tuyến đường từ ngã ba Pắc Há vào xã Kim Ngọc, Bằng Hành, Hữu Sản, Vô Điếm phải đi qua bến đò Sảo mới sang được bên kia. Mặc dù hôm ấy trời mưa, đường trơn lầy lội nhưng tôi vẫn quyết tâm đi bộ vào xã Kim Ngọc để lấy tin viết bài. Khi đến bến phà Sảo tôi cùng nhiều người phải qua một con đò để sang sông, xuống đò tôi ngạc nhiên khi thấy một cậu bé chừng 15, 16 tuổi điều khiển con đò. Ngồi trên đò tôi và những người khách cùng chuyến tỏ ra rất lo âu, vì trời mưa, nước sông to, chảy siết như thế mà người điều khiển đò lại là một cậu bé chưa đến tuổi vị thành niên thế này liệu có an toàn hay không? Tranh thủ lúc mọi người không để ý tôi giơ máy ảnh chụp cảnh nước sông to, và chụp luôn cả cậu bé đang điều khiển con đò. Tôi hỏi cậu bé “Cháu tên là gì, bao nhiêu tuổi rồi, bố cháu đâu mà cháu lại phải lái đò thế này...” Cậu bé trả lời “Cháu 16 ạ, cháu thường xuyên lái đò chở khách sang sông, vì cháu không đi học nữa ạ...”.
Sau chuyến công tác đó về, tôi viết bài, đăng ảnh trên báo, sau khi tờ báo phát hành, hai ngày sau tôi nhận được đơn khiếu kiện của ông chủ đò nói rằng: Bài báo nêu không đúng sự thật, viết vu khống, và đề nghị sẽ kiện lên cấp trên. Sau khi nhận được thông tin trên chưa hiểu đầu đuôi thế nào anh lãnh đạo Phòng phóng viên của tôi gọi tôi lên phòng, đập bàn quát “Viết lách thế này à, để người ta kiện đây này...” rồi đại loại một loạt cục tức trong người anh cứ dồn hết vào tôi. Tôi bình tĩnh giải thích “anh cứ bình tĩnh, em có đủ tư liệu để chứng minh bài báo em viết là đúng”, sau khi nghe tôi trình bày và đưa tất cả những nhân chứng để chứng minh cho bài báo, anh dịu xuống và bảo “thôi được rồi để xem...”. Ngay sau tuần đó, Báo Giao thông Vận tải lên làm việc với Sở Giao thông Vận tải của tỉnh để xác minh bài báo của tôi có đúng không và có mời ông chủ đò ở xã Kim Ngọc lên làm việc. Tại buổi làm việc lần ấy, Báo Giao thông Vận tải và sở Giao thông Vận tải tỉnh đều khẳng định bài báo của tôi viết là đúng sự thật, vì một cậu bé chưa đủ tuổi vị thành niên mà để điều khiển phương tiện giao thông như vậy là vi phạm Luật ATGT. Sở Giao thông Vận tải rất cảm ơn bài báo đó và hứa sẽ chấn chỉnh các đơn vị, cá nhân vi phạm Luật ATGT.
Cũng một lần khác, tôi được phân công vào huyện Bắc Mê công tác, ngày ấy xe cộ thiếu thốn, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe khách vào huyện, trong khi đó hành khách đi lại rất đông, đường xá rất khó khăn. Trong chuyến đi hôm đó tôi được chủ xe xếp vào “hàng đứng” ở phía cuối xe, xe chật cứng người, trên xe tôi chỉ đứng được có một chân còn chân kia phải co lên, thi thoảng đổi chân cho đỡ mỏi. Khi xe chuyển bánh từ thị xã Hà Giang vào đến Km 18 thuộc địa phận xã Yên Định của huyện Bắc Mê không may bị thủng lốp, cả xe phải xuống để cho nhà xe vá lốp. Tranh thủ lúc hành khách xuống nghỉ tôi chớp được mấy kiểu ảnh và đếm được 108 người.
Vào đến huyện tôi tranh thủ viết bài và gửi về tòa soạn, sau khi bài báo được đăng tôi nhận được sự phản ứng quyết liệt của chủ xe là: Bài báo viết không đúng, làm gì mà chở được trên 100 người như thế, ông chủ xe điện thoại cho Tổng biên tập sẽ đưa xe đến cơ quan xem ông có “nhét” được từng ấy người như thế không. Ngoài ra ông chủ xe còn cho lái xe, phụ xe tìm tôi để gây gổ, mời công an xác minh bài báo đó. Khi tôi và đồng chí Tổng biên tập được ông chủ xe “mời” đến nhà để “dàn xếp” trong đó có cả công an, họ đều bảo rằng bài viết đó không chính xác cần phải đính chính. Tôi nói rằng: “Các anh đã đọc kỹ bài báo đó chưa, tôi viết bài đó là rất chính xác”, họ đọc đi đọc lại chưa thấy chỗ nào đúng vẫn khẳng định tôi sai. Sau một hồi phân giải của họ, tôi khẳng định luôn bài của tôi chỉ có đúng một câu mà các anh không kiện tôi được đó là tôi viết “trên xe” chứ không phải “trong xe”, thế là cả chủ xe, công an đều “Toát mồ hôi hột”. Ngay sau đó ông chủ xe phải xin lỗi Tổng biên tập, tác giả bài viết và thốt lên một câu “Đúng là nhà báo”...
Hai câu chuyện mà tôi kể lại cách đây 20 năm là một trong rất nhiều những bài báo viết về mặt trái của xã hội mà tôi đã phản ánh là sự thật. Tôi chỉ muốn trao đổi và chia sẻ với các bạn đồng nghiệp rằng người làm báo ngoài việc viết hay, viết tốt, lý luận thế nào đi chăng nữa nhưng cần có bản lĩnh, nhất là trong thời kỳ đổi mới.
Hiến Chương
Ý kiến bạn đọc