Kỷ niệm một chuyến tác nghiệp "xuyên rừng"
BHG- Gặp lại Thiếu tá Nguyễn Xuân Hoàng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy tại thành phố Hà Giang đúng vào dịp Kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Kỷ niệm trong lần đi tác nghiệp tuần tra đường biên, mốc giới thuộc địa phận xã Minh Tân (Vị Xuyên) lại ùa về trong tôi. Đó cũng là chuyến đi cột mốc đầu tiên của tôi trong những ngày đầu “chập chững” làm nghiệp phóng viên.
Còn nhớ, buổi sáng hôm đó đoàn chúng tôi đi xe máy vượt qua quãng đường núi từ xã Phong Quang vào thôn Mã Hoàng Phìn vô cùng vất vả bởi vì quãng đường này cực kỳ khó đi. Mất khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ chúng tôi mới vào đến Mã Hoàng Phìn. Đi cùng đoàn tuần tra còn có lực lượng Kiểm lâm và lãnh đạo xã Minh Tân. Sáng hôm sau, đúng 4h sáng chúng tôi đã phải thức dậy để chuẩn bị các vật dụng, lương thực và nước uống cho chuyến hành trình “xuyên rừng”. Tập hợp quân số xong, đồng chí Nguyễn Xuân Hoàng phổ biến kế hoạch: Hôm nay ta sẽ đi 2 mốc khó khăn và xa nhất của khu vực xã Minh Tân đó là mốc 274 và 276. Vì thế các đồng chí chuẩn bị đầy đủ các tư trang, vật dụng cá nhân để xuất phát đúng giờ. Vì có thời gian chuẩn bị từ trước 1 ngày nên chiếc ba - lô tôi mang theo có vật dụng sinh hoạt hàng ngày và tất nhiên là chẳng thể thiếu chiếc máy ảnh - Người bạn đời của nghề báo. Đi bộ qua từng cánh đồng ruộng lúa bậc thang đang mùa trổ bông thơm mùi sữa, vượt suối, băng rừng rồi leo qua dốc đá cheo leo và sên, vắt của khu rừng già Minh Tân. Dù là chiến sỹ “không chuyên” nhưng tôi vẫn bắt nhịp cùng Đoàn tuần tra. Giữa đại ngàn tiếng chim hót ngân nga như những cung đàn pha lẫn những tiếng cười rộn rã sau những câu chuyện kể “tiếu lâm” hài hước dường như tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi vượt rừng. Hơn 3 tiếng đồng hồ đi bộ giữa rừng cuối cùng chúng tôi cũng đã đến được cột mốc 276, cột mốc xa nhất của khu vực xã Minh Tân.
“Đi rừng, ăn cơm nắm” đó là một trải nghiệm đáng nhớ đối với tôi. Sau chặng đường đi bộ vượt suối băng rừng, leo qua từng vách đá trong buổi sáng vượt rừng già đến từng cột mốc, bụng đói cồn cào, miệng khô đến cuống họng cũng là lúc mặt trời đứng bóng. Liếc nhìn đồng hồ, đồng chí Hoàng nói: Chúng ta nghỉ trưa ở đây một lúc rồi đi tiếp đến cột mốc 274. Nghe đến đây thì bụng tôi đang kêu lên như trống dục, đồ ăn mang theo chỉ có cơm nắm và một ít thức ăn, nhưng “sao mà ngon đến thế?”. Đây là lần đầu tiên tôi trở thành “chúng tôi là chiến sỹ”. Ngồi kế bên tôi, đồng chí Hoàng tâm sự trong lúc mồ hôi còn nhỏ giọt: Đấy chú xem, các chiến sỹ của Đồn đi tuần tra cột mốc biên giới như thế này đấy. Nhiều lúc trời mưa ướt hết quần áo, việc ăn ngủ giữa rừng là chuyện bình thường...
Có câu “Nếu không đi thì chẳng bao giờ mới bắt đầu” và trong chuyến đi tác nghiệp ấy cũng là lần đầu tiên khi tôi mới bước vào nghề báo được tiếp xúc gần gũi, sống cùng bà con nhân dân nơi vùng biên ải. Mã Hoàng Phìn và Hoàng Lỳ Pả là 2 thôn khó khăn nhất của xã Minh Tân. Những con đường đá trơn, con dốc đá thẳng đứng luôn là nỗi ám ảnh của người dân địa phương. Giao thông đi lại khó khăn, cái nghèo luôn đeo bám dai dảng người dân nơi đây. Thu nhập chủ yếu dựa vào cây ngô, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn chiếm đa số.Chuyến tác nghiệp 3 ngày đã cho tôi một trải nghiệp đáng nhớ về cuộc sống và con người ở vùng biên. Những cảm nhận sâu sắc, khắc họa chân thực hình ảnh người chiến sỹ Bộ đội Biên phòng đang ngày đêm canh giữ vùng biên cương của Tổ quốc. Cho đến bây giờ, mỗi khi nhớ lại về chuyến hành trình, tôi lại nhớ một câu nói vui của đồng chí Nguyễn Xuân Hoàng khi nói về phóng viên Báo Hà Giang là “Chiến sỹ không Quân hàm của Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Thanh Thủy”.
Văn Long
Ý kiến bạn đọc