Xín Mần đưa văn hóa truyền thống các dân tộc vào trường học
BHG- Trong bản sắc văn hóa của từng dân tộc đều có nét đặc sắc riêng, điển hình như dân tộc Nùng có múa ngựa giấy, hát lượn; dân tộc Mông có múa khèn; dân tộc Tày có hát giao duyên... Đó là những nét đẹp văn hóa phi vật thể cần được bảo tồn và gìn giữ nếu không sẽ bị mai một theo năm tháng. Vì vậy, nhằm phát triển văn hóa bản địa và nâng cao kỹ năng sống cho các em học sinh, huyện Xín Mần đã xây dựng và được triển khai rộng khắp tại tất cả các trường học Đề án: “Đưa văn hóa truyền thống vào trường học giai đoạn 2013 – 2020”.
Học sinh Trường THCS Tả Nhìu múa Ngựa giấy – điệu múa truyền thống của dân tộc Nùng. |
Gìn giữ văn hóa truyền thống cho thế hệ tre:
Bắt đầu thực hiện vào năm 2013, đến nay nỗ lực giữ gìn và bảo tồn giá trị phi vật thể của huyện Xín Mần đã có sức lan tỏa rộng rãi và hiệu quả tích cực đến với học sinh tại tất cả các trường học từ bậc Tiểu học đến Trung học trên toàn huyện. Với quyết tâm cao của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương và nhà trường đã có tác động mạnh mẽ thay đổi suy nghĩ trong học sinh từ đó tạo nên bước chuyển biến tích cực trong công tác dạy và học.
Thầy giáo Nguyễn Văn Khánh, Hiệu trưởng Trường THCS Tả Nhìu, một trường tiêu biểu thực hiện tốt Đề án “Đưa văn hóa truyền thống vào trường học” cho biết: Khi mới triển khai Đề án do còn bỡ ngỡ, rụt rè nên còn ít học sinh tham gia, nhưng càng về sau thì càng thu hút được tất cả các em học sinh trong trường tham gia đầy đủ. Trường hiện có 300 học sinh, trong đó học sinh là con em dân tộc Nùng chiếm 99%, sau những tiết học căng thẳng, hay cuối buổi học vào giờ ngoại khóa, các em sẽ thành lập theo từng nhóm cùng sở thích được các nghệ nhân dân gian chỉ dạy những bản sắc văn hóa của người Nùng như: Múa ngựa giấy, đi cà kheo, ném còn, đánh yến, hát lượn... Để thực hiện đề án được tốt, lãnh đạo xã đã phối hợp với nhà trường mời các nghệ nhân dân gian “lành nghề” đến để giảng dạy cho các em học sinh. Em Cháng Thị Hoa, học sinh lớp 9B trường THCS Tả Nhìu tâm sự: Trước đây, em mới chỉ nghe và biết về văn hóa dân tộc Nùng của chúng em qua việc xem các nghệ nhân dân gian biểu diễn tại các ngày hội hay lễ, tết. Nhưng giờ đây, chính bản thân em có thể trực tiếp múa và hát được các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Sau những giờ giải lao vui chơi, hát, múa đã tiếp cho em thêm niềm vui và tinh thần thoải mái để bước vào các tiết học trên lớp có hiệu quả hơn. Em là người dân tộc Nùng nên bản thân em cảm thấy rất tự hào về những bản sắc văn hóa của dân tộc mình được triển khai rộng rãi tại trường học.
Thư viện “treo” do học sinh tự làm tại Trường Tiểu học Tả Nhìu. |
Tác động tích cực, đa chiều khi thực hiện Đề án:
Chị Vũ Thị Hòa, Phó Chủ tịch UBND huyện Xín Mần cho biết: Đề án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 bắt đầu từ năm 2013 – 2015, giai đoạn này, các em học sinh tại các trường học sẽ được làm quen với các điệu múa truyền thống, làn điệu dân ca của từng dân tộc. Giai đoạn 2 tiếp tục thực hiện 5 năm tiếp theo, từ năm 2015 – 2020. Đây là giai đoạn phát triển nâng cao của Đề án. Đề án thực hiện với mong muốn gìn giữ và bảo tồn giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của địa phương. Là huyện có tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm 96%, chủ yếu là các dân tộc như: Nùng, Tày, Dao, Mông, La Chí... Trong đó tỷ lệ học sinh chiếm 1/3 dân số của huyện. Mỗi dân tộc có một phong tục, tập quán mang bản sắc riêng. Vì thế, ngoài tác động giúp cho thế hệ trẻ biết được và múa được các làn điệu dân ca của dân tộc mình. Từ đó nâng cao giá trị văn hóa truyền thống, tạo nguồn phát triển và bảo tồn các Hội Nghệ nhân dân gian. Nếu phát triển tốt nền văn hóa học đường sẽ làm tăng thêm tính đoàn kết dân tộc, giúp các học sinh xích lại gần nhau hơn. Các em tại các trường cùng vui chơi hòa đồng không tạo ra khoảng cách, phân biệt đối xử; thay vì trước đây các em trong trường thường chơi với nhau, sinh hoạt với nhau theo từng nhóm của dân tộc mình vẫn thường xuyên thấy tại các trường bán trú và nội trú. Buổi ngoại khóa tại trường học không chỉ truyền đạt các điệu múa hay làn điệu dân ca mà còn có lồng ghép dạy cho các em học sinh làm các mô hình nhà sàn, thư viện treo, để các em hình thành tính cách tự lập hơn trong cuộc sống, nâng cao kỹ năng sống cho học sinh. Bên cạnh đó, đây cũng là điều kiện tốt nhất để giáo viên hiểu rõ hơn về tâm tư, tính cách của học sinh từ đó làm tốt công tác dạy và học ở trường.
Xã hội ngày càng phát triển, những điệu múa, làn điệu dân ca nếu không được bảo tồn thì một số nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc có thể bị mai một, trong giai đoạn 2015 – 2020 huyện sẽ giao cho từng trường học thực hiện phân loại, lựa chọn ra những học sinh có năng khiếu bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng nhằm tạo nguồn cho Trung tâm Văn hóa huyện và phát triển nguồn nhân lực cho Hội Nghệ nhân dân gian. Đây cũng là một cách làm thiết thực trong việc định hướng để giải quyết công ăn, việc làm tại chỗ cho con em người dân tộc thiểu số ngay tại địa phương.
Hàng ngày, tại tất cả các trường học của huyện Xín Mần đều tổ chức các buổi ngoại khóa. Nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc lại được các em học sinh hăng say học hỏi. Hiện tại, đó như là món ăn tinh thần không thế thiếu trong giới học đường ở Xín Mần, làm phát huy tính sáng tạo, phát triển tư duy, giảm những trò chơi không mang tính giáo dục cao như các trò chơi game trên internet, để các em – những tương lai của đất nước phát triển một cách toàn diện về cả học vấn lẫn tinh thần... Đồng thời đây cũng là một trong những hướng để huyện Xín Mần phát triển du lịch thông qua việc phát triển văn hóa bản địa. Khách du lịch có thể thưởng thức các bản sắc văn hóa các dân tộc, những điệu múa dân gian do các em nhỏ biểu diễn. Đó là cái mới trong cách làm du lịch ở huyện Xín Mần khiến cho du khách rất thích thú mà huyện đang làm và quyết tâm làm được trong thời gian tới.
VĂN LONG
Ý kiến bạn đọc