Trân trọng những ký ức về con đường Hạnh phúc
BHG- Hơn 55 năm kể từ khi con đường Hạnh Phúc (ĐHP) được khởi công và 50 năm, ngày hoàn thành ĐHP huyền thoại (3.1965 – 2015), thời gian trôi đi, lớp lớp những thanh niên xung phong một thời cũng bước vào cái tuổi xưa nay hiếm. Nhưng vẫn có một nơi mà những ký ức về con đường huyền thoại được lưu lại bằng sự trân trọng, sự cần mẫn, miệt mài qua nhiều năm tìm tỏi, sưu tầm của những cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh Hà Giang.
Cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh chuẩn bị cho triểm lãm mang tên “Con đường Hạnh phúc xưa và nay”. |
Chúng tôi đến Bảo tàng tỉnh trong lúc các cán bộ, nhân viên nơi đây đang chuẩn bị cho một nhiệm vụ đặc biệt, đó là tổ chức trưng bày triển lãm mang tên “Con ĐHP xưa và nay”. Triển lãm được khai trương từ ngày 10.3 tới, đúng vào thời điểm diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm 50 năm, ngày hoàn thành con ĐHP. Chị Dương Thanh Hương, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh cho biết, đến nay qua nhiều năm sưu tầm, Bảo tàng tỉnh đã sưu tầm, lưu giữ trên 100 bức ảnh về thời gian mở ĐHP và hình ảnh con ĐHP ngày nay, mang đến no ấm cho Cao nguyên đá Đồng Văn. Cùng với đó là trên 140 tài liệu, hiện vật liên quan đến con đường huyền thoại này. Các hiện vật, tài liệu, ảnh sưu tầm sẽ được lựa chọn tiêu biểu để triển lãm, đưa tới công chúng tới đây.
Trao đổi với nhiều cán bộ Bảo tàng tỉnh, được biết để có được những hiện vật, tài liệu về ĐHP là cả một quá trình sưu tầm miệt mài, đầy cố gắng và trách nhiệm. Trước khi xây dựng nhà bảo tàng như hiện nay (trước năm 2000), một số hiện vật, hình ảnh về con ĐHP cũng đã được những người làm công tác bảo tàng của tỉnh sưu tầm, lưu giữ. Và kể từ những năm 1998, 1999, công tác tìm kiếm, sưu tầm các hiện vật về con ĐHP đã được triển khai. Từ đó đến nay, rất nhiều công sức, thời gian đã được Bảo tàng tỉnh bỏ ra nhằm tìm kiếm, sưu tầm các hiện vật, những ký ức của các cựu thanh niên xung phong mở đường. Từ thị trấn Yên Minh đến đỉnh Mã Pì Lèng và tại nơi cuối con ĐHP, thị trấn Mèo Vạc chúng ta vẫn bắt gặp những ký ức lưu lại, đó là nghĩa trang thanh niên xung phong, là những tấm bia ghi lại những con số về ĐHP được lưu giữ. Điều đó cho thấy sự quan tâm, trân trọng của cấp ủy, chính quyền tỉnh, các địa phương đối với những hy sinh của các thế hệ đi trước.
Chị Dương Thanh Hương xúc động kể với chúng tôi, với sự trân trọng các giá trị của lịch sử, của lòng quả cảm, sự hy sinh của các thanh niên, đồng bào các dân tộc năm xưa, nhiều cán bộ, nhân viên Bảo tàng tỉnh đã không quản đường xá, lặn lội đi 5 tỉnh Cao Bắc Lạng Thái Tuyên và các huyện trong tỉnh để tìm kiếm các nhân chứng, các hiện vật, tài liệu về con ĐHP. Duy chỉ còn 2 tỉnh là Nam Định và Hải Dương là Bảo tàng tỉnh chưa tiến hành sưu tập, nhưng các cựu thanh niên xung phong ở 2 tỉnh trên khi lên thăm Hà Giang, thấy tâm huyết và sự trân trọng của những người làm bảo tàng ở Hà Giang đã mang nhiều hiện vật lên hiến tặng cho Bảo tàng. Quá trình đi sưu tầm hiện vật nhiều năm trước trong điều kiện khó khăn, việc đi tìm, sưu tầm hiện vật chủ yếu là theo hướng động viên những người sở hữu hiến tặng hiện vật. Nhưng bằng sự vận động, tuyên truyền, sự giúp đỡ và phối hợp của các Tỉnh Đoàn các tỉnh, Ban liên lạc cựu thanh niên xung phong, việc sưu tầm đã được thực hiện khá thành công. Nhiều cựu thanh niên xung phong đã tìm đến những nơi đoàn sưu tầm của tỉnh Hà Giang đến để kể lại những câu chuyện “máu và hoa” của một thời tuổi trẻ sục sôi trên con ĐHP. Nhiều cựu thanh niên xung phong đã rơi nước mắt khi hiến tặng những kỷ vật liên quan đến con đường, hoặc nhắc lại những hình ảnh đồng đội hy sinh trên công trường đá.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, địa bàn tìm kiếm, sưu tầm khá rộng, đi tìm lại các giá trị của một thời đã khá xa. Nhưng, với sự trân trọng lịch sử và với nhận thức những nhân chứng lịch sử đang dần ít đi theo thời gian, do đó các cán bộ Bảo tàng tình đã rất tỷ mỷ, chu đáo cho các chuyến đi. Thông qua đó, nhiều hình ảnh, thước phim, ghi chép về các cuộc nói chuyện với các nhân chứng được lưu lại. Những cán bộ sưu tầm của Bảo tàng cho biết, điều đáng lưu ý là trong gian khó, nhiều khi đến tột cùng ở miền Cực Bắc năm xưa, vẫn có nhiều câu chuyện tình yêu của các thanh niên xung phong đơm hoa, kết trái.
Từ sự trân trọng các giá trị lịch sử, những hy sinh thầm lặng của các thanh niên xung phong năm xưa trên ĐHP, rất nhiều hiện vật lịch sử đã được sưu tầm để không chỉ lưu giữ, bảo vệ mà còn là những hiện vật trưng bày phục vụ cho các thế hệ trẻ, nhân dân thăm quan và học tập. Phó Giám đốc Bảo tàng Dương Thanh Hương cho biết, thông qua các cuộc trưng bày, đặc biệt là cuộc trưng bày sắp tới về ĐHP, là dịp tỉnh ta đón tiếp hàng trăm cựu thanh niên xung phong mở đường một thời, các nhân chứng lịch sử. Đó cũng là dịp để Bảo tàng tỉnh tiếp tục kêu gọi các nhân chứng, các tấm lòng hiến tặng hiện vật lịch sử liên quan đến con đường. Đồng thời, tiếp thu các ý kiến đóng góp của các nhân chứng nhằm tiếp tục xác minh, củng cố các sự kiện, các hiện vật một cách chính xác hơn.
Quá trình tìm kiếm, sưu tầm hiện vật về con ĐHP huyền thoại sẽ tiếp tục được Bảo tàng tỉnh Hà Giang tiến hành. Những hiện vật lịch sử, những ký ức về ĐHP sẽ được trân trọng lưu giữ để tiếp lửa cho những thế hệ nối tiếp trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.
HUY TOÁN
Ý kiến bạn đọc