Quản Bạ phát huy hiệu quả hoạt động của Hội Nghệ nhân dân gian
BHG- Huyện Quản Bạ có 13 xã, thị trấn với 18 dân tộc sinh sống gồm dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng và một số người dân tộc ít người khác... Mỗi dân tộc có những nét văn hóa truyền thống riêng biệt và các lễ hội lớn như: Lễ Cấp Sắc của dân tộc Dao, Lễ hội Gầu tào dân tộc Mông, Lễ hội Lồng Tồng dân tộc Tày... Cùng với sự đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc như hát giao duyên, hát then, hát cọi, thổi khèn; các làng nghề đúc, rèn, nghề dệt lanh...
Lễ Cấp sắc của dân tộc Dao, thôn Nặm Đăm, xã Quản Bạ. |
Nhằm duy trì và bảo tồn các nét đẹp văn hóa truyền thống đó, huyện Quản Bạ đã thành lập Hội Nghệ nhân dân gian tại các xã, thị trấn trong huyện. Tuy mới đi vào hoạt động được 2 năm nhưng Hội đã thực sự phát huy được vai trò là cầu nối trong việc gìn giữ các nét đẹp văn hóa dân tộc.
Đến nay 100% xã, thị trấn đều thành lập Hội Nghệ nhân dân gian, tập hợp 935 hội viên hoạt động theo 12 nhóm, trong đó; nhóm Thầy cúng 185 nghệ nhân, nhóm hát múa dân gian 177 nghệ nhân; nhóm thổi khèn, thổi sáo là 167 nghệ nhân; nhóm dệt lanh, thêu lanh 99 nghệ nhân... Những hội viên đều là người có uy tín, được nhân dân tín nhiệm, giỏi các nghề truyền thống, hiểu biết sâu sắc văn hóa văn nghệ dân gian của dân tộc... Đồng thời, có khả năng phát huy, truyền đạt vốn di sản văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho các thế hệ sau. Từ khi thành lập và đi vào hoạt động đến nay, Hội đã góp phần tích cực giữ gìn thực hành và lưu truyền, phát triển các lễ hội văn hóa dân gian, các phong tục tập quán truyền thống tiêu biểu của từng dân tộc trong huyện. Cùng với đó, Hội Nghệ nhân dân gian đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt hương ước, quy ước của địa phương. Các hủ tục từng bước được đẩy lùi, người ốm đau được đưa đến trạm y tế, tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, thách cưới đã giảm, đời sống người dân từng bước được nâng lên. Trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, Hội nghệ nhân dân gian các xã đều quy định rõ trách nhiệm của hội viên phải sưu tầm, nghiên cứu, phổ biến và truyền dạy các di sản văn hóa, văn nghệ, các sản phẩm nghề bao gồm: Vật dụng, đồ dùng gia đình, công cụ sản xuất, chữa bệnh, các nghề dệt, nhuộm, thêu, nghề mộc, chế tác các nhạc cụ như trống, khèn và các làn điệu múa, hát truyền thống của dân tộc. Hội viên giỏi về lĩnh vực nào thì được phân công phụ trách lĩnh vực đó.
Ông Dương Chính Phù, Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quản Bạ cho biết: Hội Nghệ nhân dân gian được thành lập trên tinh thần tự nguyện và các nghệ nhân đều là những người có uy tín, gương mẫu chấp hành pháp luật, giỏi về các nghề truyền thống, am hiểu về văn hóa dân gian nên có uy tín trong cộng đồng.
Với đặc thù của huyện miền núi, vùng cao có nhiều dân tộc cùng sinh sống, trong đó đa số là các dân tộc thiểu số, cuộc sống của bà con còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, địa hình núi cao chia cắt, trình độ dân trí thấp... Bên cạnh những nét đẹp truyền thống mang đậm chất riêng có của từng dân tộc là những hủ tục lạc hậu như: mê tín dị đoan, ma chay, cưới xin rườm rà, tốn kém, một bộ phận nhân dân còn tin vào tâm linh, cúng ma mỗi khi đau ốm làm ảnh hưởng đến tư tưởng tiến bộ trong cộng đồng dân cư. Từ khi Hội nghệ nhân dân gian đi vào hoạt động, có định hướng cụ thể, nhiều hủ tục, lạc hậu được bài trừ và thay vào đó là nếp sống văn hóa lành mạnh, phát huy nét tinh hoa văn hóa đặc trưng góp phần tích cực trong việc xây dựng khối đoàn kết toàn dân, mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho đồng bào.
Hiền Long
Ý kiến bạn đọc